Trà Môn Khuê Tú

Chương 85: Tranh chấp




Kim thị cười cười: “Không vất vả.”

Trần Hân Nhi âm thầm bĩu môi, cũng không biết là trào phúng cái gì. Tô Ngọc Uyển thấy nhưng cũng giả lơ, chỉ chuyên tâm nói chuyện với Trần Mật Nhi.

Xe ngựa đi thêm một lát nữa thì dừng lại trước một cửa hàng. Kim thị dẫn đầu xuống xe nói: “Chúng ta xuống xe thôi.” Tô Ngọc Uyển đi theo phía sau nàng xuống dưới mới phát hiện ra đây là cửa hàng tơ lụa, bên trên tấm biển viết ba chữ “Cẩm Vân Hiên” thật lớn.

Người ra vào cửa hàng đều là phu nhân hoặc tiểu thư mặc quần áo tơ lụa, mang theo nha hoàn, hiển nhiên chỗ này cũng là cửa hàng chuyên đón tiếp nữ quyến.

Kim thị dẫn vừa dẫn ba người vào trong đã trông thấy một phụ nhân ước chừng ba mươi tuổi ra đón, nhìn dáng vẻ có lẽ là chưởng quầy ở đây. Nữ chưởng quầy nhiệt tình nói: “Trần đại nãi nãi, tam cô nương, tứ cô nương tới đấy à?” Lại nhìn về phía Tô Ngọc Uyển hỏi: “Vị này là…”

Kim thị bình thường có chút kiêu căng nhưng vào thời điểm mấu chốt vẫn rất khéo ăn nói. Nàng chỉ vào Tô Ngọc Uyển đáp: “Đây là cháu gái của cô nãi nãi (Cô nãi nãi này là em gái của tổ phụ ấy nhé) nhà ta, họ Tô. Sau này nàng có đến chỗ này của ngươi mua đồ thì ngươi nhớ phải tiếp đón cho thật tốt đó, đừng để nàng bị ủy khuất.”

“Đương nhiên, đương nhiên. Tô cô nương có thể chiếu cố sinh ý của tiểu điếm đã là bồng tất sinh huy*, lý nào chúng ta lại chậm trễ khách quý được chứ?” Nữ chưởng quầy kia cũng cười phụ họa theo, dẫn mấy người các nàng vào một gian phòng xong lại phân phó hạ nhân dâng trà.

Bồng tất sinh huy(蓬荜生辉)*: nhà tranh rực rỡ/phát sáng (lời khách sáo) | thường dùng khi khách quý tới nhà hoặc được tặng một vật trang hoàng nhà cửa | rồng đến nhà tôm; quý khách đến nhà; thật là vinh hạnh…

Kim thị lại giới thiệu nữ chưởng quầy với Tô Ngọc Uyển: “Vị này cũng họ Tô, Cẩm Vân hiên này chính là nàng mở đấy.”

Tô Ngọc Uyển ban đầu còn tưởng Tô chưởng quầy cũng là người làm thuê giống như Mã chưởng quầy, không ngờ vậy mà lại là lão bản. Một cửa hiệu lớn  như vậy khách nhân đương nhiên cũng không ít, nhưng Kim thị lại có thể khiến lão bản tự mình tiếp đãi, chứng tỏ địa vị của Trần lão thái gia ở phủ thành này cũng không thấp.

Tuy Tô chưởng quầy nhiệt tình tiếp đón nhưng cũng không có ý nịnh bợ, chỉ hướng Tô Ngọc Uyển cười cười: “Ta là người mệnh khổ cho nên mới phải xuất đầu lộ diện kiếm miếng ăn thôi.” Nói xong lại quan sát nàng một chút, sau đó vẫy tay phân phó người làm: “Đem mấy khúc tơ lụa mới nhập về hôm trước đến đây cho đại nãi nãi và mấy vị cô nương xem thử.”

Chỉ trong chốc lát đã có hai người mang lên mười mấy thất tơ lụa đặt ở trên bàn.

Trần Hân Nhi nhìn thấy mấy thất lụa này thì hai mắt sáng lên, gấp gáp muốn tiến lên phía trước nhìn thử nhưng vừa đứng dậy liền nhịn xuống, quay đầu liếc Tô Ngọc Uyển một cái. Trần Mật Nhi xưa nay hoạt bát đã quen, cũng không nghĩ nhiều như vậy, bước lên sờ nắn mặt vải một lát lại xả ra một ít ướm lên người mình, hỏi Trần Hân Nhi và Tô Ngọc Uyển: “Có đẹp không?”

Trần Hân Nhi không nói gì, Tô Ngọc Uyển lại cười gật gật đầu: “Đẹp.”

Trần Mật Nhi chỉ vào một thất lụa màu mân hồng và một thất lụa màu xanh lá mạ nói với Tô chưởng quầy: “Ta muốn lấy hai thất này.”

Tô chưởng quầy cười nhìn Kim thị một cái xong mới phân phó người làm: “Bao hai khúc này lại cho tứ cô nương đi.”

Trần Mật Nhi chọn được vải vừa ý mình rồi thì quay sang tò mò hỏi: “Tam tỷ tỷ, Uyển biểu tỷ, hai người không chọn sao?”

Trần Hân Nhi vẫn im lặng không nói. Tô Ngọc Uyển lắc đầu đáp: “Vải vóc ở đây rất đẹp nhưng mà ta vẫn còn đang trong hiếu kỳ cho nên cũng không mặc được. Quần áo tố sắc của ta lại vừa mới may rất nhiều, có mua thêm cũng chỉ gây lãng phí cho nên ta không mua nữa.”

Trần Hân Nhi hơi híp mắt. Kim thị từ lúc vào cửa vẫn luôn ngồi ở một bên uống trà, nghe Tô Ngọc Uyển nói như vậy thì liếc mắt nhìn nàng một cái nói: “Uyển biểu muội không cần khách khí, lão thái gia đã cố ý giao đãi với ta, phải mua cho ngươi chút quần áo trang sức mới. Ngươi cái gì cũng không cần, đến lúc đó lão thái gia và lão phu nhân lại cho là ta chậm trễ ngươi, không chịu tận tâm đấy.”

Tô chưởng quầy là người làm ăn buôn bán cho nên tâm tư cũng rất nhạy bén, vội vàng cười nói: “Là ta không hiểu cho nên mới lấy vải vóc không hợp, các ngươi nhanh lấy chút vải màu sắc thuần tịnh tới đây.”

Người làm vội vàng ôm mấy thất vải lụa màu nguyệt bạch, lam nhạt lên. Tô Ngọc Uyển biết chỉ cần nàng chọn bất cứ món gì thì cũng sẽ do Kim thị chi tiền hoặc là trực tiếp ghi danh dưới danh nghĩa Trần phủ, sau này lại tới Trần phủ thanh toán. Nàng không thiếu tiền, cũng không thích chiếm tiện nghi của người khác, hơn nữa Kim thị trước đây vẫn có địch ý với nàng, Trần Hân Nhi lại khinh thường, xem nàng như đồ nhà quê, nếu nàng chọn tơ lụa hay đồ trang sức gì, còn không biết nàng ta sẽ chửi bới gì sau lưng nữa đâu. Nàng thật sự không muốn lãnh phần ân tình này của Trần lão thái gia.

Chỉ là trưởng giả ban thưởng cũng không thể từ chối. Kim thị đã nói như vây nếu nàng còn chối từ nữa thì lại có vẻ không phóng khoáng, sẽ làm lão nhân thương tâm.

Tô Ngọc Uyển thầm than một hơi, bước lên chọn một khúc vải không quá quý trọng nói: “Vậy thì lấy cái này đi, Tô chưởng quầy chỉ cần cắt cho ta đủ may một thân váy áo là được, không cần phải lấy cả thất đâu.”

“Cái này…” Tô chưởng quầy nhìn về phía Kim thị. Trần Hân Nhi đứng bên cạnh bĩu môi.

Kim thị liếc Trần Hân Nhi một cái rồi cười nói với Tô Ngọc Uyển: “Uyển biểu muội không cần khách khí, chúng ta hôm nay có thể ra ngoài đi dạo chính là nhờ phúc của ngươi đó, chứ ngày thường lão phu nhân, phu nhân quản giáo rất nghiêm, muốn chọn vải vóc gì cũng đều là Tô chưởng quầy mang đến phủ hết. Thật vất vả mới có thể ra cửa một chuyến, chẳng lẽ lại về tay không hay sao? Muội cứ chọn hai khúc đi, như vậy ta trở về cũng có cái giao đãi với lão phu nhân.”

“Thật là không cần mà, chỗ ta vẫn còn nhiều bộ chưa mặc lắm, làm nữa lại không mặc hết thì lãng phí lắm.” Tô Ngọc Uyển kiên quyết.

Kim thị khuyên nàng mấy câu thấy Tô Ngọc Uyển vẫn kiên trì như cũ thì cũng đành từ bỏ, quay sang hỏi Trần Hân Nhi: “Hân Nhi không chọn vài thất vải sao?”

Trần Hân Nhi lúc này mới đứng dậy đi đến phía trước mười mấy thất vải tươi sáng ban nãy nhìn ngắm một lượt sau đó lại quay đầu nói với Trần Mật Nhi: “Tứ muội muội, ngươi biết ta thích nhất là màu mân hồng lại cố ý chọn mất, ngươi không biết thứ tự lớn nhỏ hay sao, đáng ra phải để Uyển biểu tỷ chọn trước sau đó mới đến ta và ngươi. Đằng này ngươi lại tự ý chọn trước, ta muốn lấy thất vải màu mân hồng kia, ngươi chọn thất khác đi.”

Nàng ta nói xong thì chỉ tay vào thất vải mân hồng kia bảo người làm trong tiệm gói lại cho mình. Trần Mật Nhi bị quở trách trước mặt người ngoài như vậy thì vô cùng ấm ức, nước mắt đảo quanh hốc mắt lại cắn chặt môi không cho nó rơi xuống.

Tô Ngọc Uyển nhíu mày. Trần Hân Nhi muốn cướp tơ lụa của đường muội lại lấy nàng ra làm bè. Nếu Trần Hân Nhi không có địch ý với nàng thì nàng cũng sẽ không chấp, nhưng mà cố tình người này trước đây không lâu còn đào hố cho nàng trước mặt Trần lão phu nhân đấy. Cho nên Tô Ngọc Uyển nhàn nhạt nói: “Xưa có Khổng Dung nhường lê**, ta cũng không ngại để Mật nhi biểu muội nhỏ tuổi chọn trước.”

Khổng Dung nhường lê**: Khổng Dung là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử, ngay từ khi còn nhỏ đã thấm nhuần đạo lý làm người cần có nhân tín lễ nghĩa, cung kính khiêm nhường, biết nghĩ cho người khác.

Năm Khổng Dung lên bốn, một hôm trời nóng như đổ lửa, Khổng Dung đang chơi ngoài sân vườn còn các anh của mình thì đang học trong lớp. Đến lúc nghỉ giải lao vừa hay có một người bạn của cha Khổng Dung đến chơi và xách theo một giỏ lê sang tặng. Mẹ Khổng Dung bảo Khổng Dung và các anh cậu rửa tay rồi vào ăn lê cho mát.

Khi các anh em rửa tay xong vào trong nhà, cha Khổng Dung mới bảo Khổng Dung chọn lấy một quả, Khổng Dung không lập tức lấy ăn ngay mà xếp từng quả lên bàn. Cha Khổng Dung nghĩ con mình bỏ ra như vậy để chọn quả ngon nhất để ăn, như vậy là ích kỷ, không tốt nhưng lại ngại vì có khách nên không tiện mắng con.

Điều bất ngờ là sau khi xếp hết lê ra bàn, cậu lại chọn quả nhỏ nhất để lấy, còn mấy quả to, chín mọng lại không lấy. Thấy làm lạ nên cha Khổng Dung mới hỏi, tại sao con không chọn quả to chín mà ăn, lại chọn quả nhỏ nhất?

Khổng Dung mới đáp: Thưa cha, con là người nhỏ nhất, nên con chọn quả nhỏ nhất để ăn, còn các quả to thì nên để cho cha mẹ và các anh ăn ạ.

Cha của Khổng Dung nghe con trả lời như vậy thì rất hài lòng, người bạn của cha Khổng Dung chứng kiến mọi việc cũng hết mực cảm phục về đức tính khiêm nhường, biết nghĩ cho người khác của cậu.

Quả nhiên, nhân tâm hữu thiện ắt thành người tài chí, Khổng Dung sau khi lớn lên làm thái thú quận Bắc Hải, thơ văn của ông nổi tiếng khắp vùng, cùng với Trần Lãm, Vương San, Từ Can, Nguyễn Vũ, Ứng Thường, Lưu Chinh được mệnh danh là Kiến An Thất Tài Tử.

(trích trên báo đời sống giáo dục)

Trần Hân Nhi nghẹn lại, hung hăng trừng mắt nhìn Tô Ngọc Uyển: “Nhà chúng ta tự có quy củ của chúng ta, nơi này còn không tới phiên ngươi nói chuyện.”

Kim thị nhịn không được quát khẽ một tiếng: “Hân Nhi!”

Nhưng vị đại tẩu này trước mặt Trần Hân Nhi hiển nhiên cũng không có mấy uy nghiêm, ngược lại còn bị nàng ta trừng mắt trách móc: “Chẳng lẽ ta nói sai sao? Quy củ nhà chúng ta mấy năm nay đều là trưởng ấu có tự, chẳng lẽ tẩu vào cửa mấy năm còn không rõ ràng hay sao?”

Kim thị tức xanh mặt, nhưng nơi này tuy là phòng riêng lại không có đóng cửa, nàng cũng không tiện nháo lên ở đây, chỉ có thể trừng mắt liếc Trần Hân Nhi không nói.

Tô Ngọc Uyển âm thầm lắc đầu. Vốn còn nói Trần phủ vô cùng chú ý quy củ, nhưng từ hành vi của Trần Hân Nhi mà nói, tựa hồ quy củ này cũng chỉ là để cho người ngoài xem mà thôi, bên trong là cái dạng gì còn không biết đâu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.