Tống Thì Hành

Chương 227: Tây hành ký




Phong ba Ngự quyền quán đã qua được ba ngày. Dần dần không ai thảo luận đến chuyện đó nữa.

Nơi này là Khai Phong, đế đô khởi thủy của vương triều Đại Tống. Từ trong hoàng cung mỗi ngày đều phát sinh những tin tức khiến cả Đại Tống chấn động; nơi này có hơn triệu nhân khẩu, lại là nơi phồn hoa náo nhiệt nhất. Mỗi một ngày đều phát sinh đủ loại sự việc, chuyện lớn chuyện nhỏ …

Ngọc Doãn khiêu chiến Ngự quyền quán dường như là câu chuyện cửa miệng của mọi người. Nhưng thảo luận ba ngày đã đủ rồi, bởi vì trong tòa thành thị này ngày nào cũng đều có chuyện mới phát sinh. Vì thế, chủ đề cũ dần dần nhạt đi, mọi người bắt đầu thảo luận chủ đề mới.

Nghe nói Mậu Đức Đế Cơ và Thái Điều cãi nhau?

Ừm, chẳng những cãi nhau, hơn nữa Mậu Đức Đế Cơ trong cơn tức giận đã rời khỏi Thái phủ, về hoàng thành để ở rồi.

Nghe nói người nước Liêu thua?

Đúng vậy, lần này người nước Liêu thất bại thảm hại, Thiên Tộ Đế bị bắt làm tù binh.

Nghe nói...

***

Người Khai Phong vĩnh viễn cũng không thiếu đề tài để nói, cho nên việc Ngọc Doãn khiêu chiến Ngự quyền quán cũng dần dần không được nhắc đến nữa.

Tuy nhiên dù không được mọi người nhắc tới nữa, nhưng không có nghĩa là mọi người đã quên. Sau khi trải qua trận chiến này Ngọc Doãn xem như lập nên uy danh, đồng thời Dương Tái Hưng và Cao Sủng cũng được nhiều người biết đến.

Dương Tái Hưng vì dám động thủ với Trần Hi Chân, nên có biệt hiệu là “Ngọc Toan Nghê”. Toan Nghê, là một trong chín con rồng trong truyền thuyết, là mãnh thú thời thượng cổ có thể xé xác hổ báo. Sau khi biết mình có biệt hiệu như vậy, Dương Tái Hưng vô cùng đắc ý. Lúc đó Cao Sủng chưa thể hiện được bản lĩnh thật sự, nhưng một quyền đánh bay Cát Phổ, cũng được mọi người tán thưởng. Gã vốn là người Khai Phong, cho nên càng được người Khai Phong chấp nhận. Gã từng là kiệu phu nên nhiều người cũng biết, cộng thêm tính cách trầm lặng ít lời, cho nên người ta đặt biệt hiệu cho gã là Ngọc Bí Hý, cũng là một trong chín con rồng, ở trong truyền thuyết là loài vật có sức mạnh rất lớn.

Hơn nữa Ngọc Doãn đã có biệt hiệu là Ngọc Giao Long. Vì vậy mà ba người này lập tức trở thành “Ba con rồng Đông Kinh”, vô cùng nở mày nở mặt.

Phong ba của Ngự quyền quan được mọi người dần dần ít nhắc tới thì cuộc sống của Ngọc Doãn cũng dần khôi phục lại sự yên bình.

Ngày thứ sáu sau lần khiêu chiến, Ngọc Doãn cũng chuyển lò mổ Tam Xóa Hà Khẩu, chính thức đưa lò mổ Liền Kiều đi vào hoạt động.

Lò mổ Liền Kiều rộng lớn hơn so với lò mổ ở Tam Xóa Hà Khẩu, có thể chứa được mấy chục người làm việc trong đó. Vốn Ngọc Doãn dự tính tuyển thêm nhân sự, nào ngờ Ngưu Cao lại chạy tới khẩn cầu hắn giúp bố trí cho một số bà con.

Người thôn Ngưu gia vào Khai Phong cũng thuận lợi ở lại.

Nhưng lập tức gia tăng hơn một trăm miệng ăn, dù là Liễu Thanh cũng cảm thấy có chút khó xử. Vừa lúc nghe nói Ngọc Doãn muốn tìm thêm người, Ngưu Cao liền chạy tới thỉnh cầu Ngọc Doãn giúp. Ngọc Doãn ngẫm nghĩ một chút, cũng hiểu tiền công thuê người ở phủ Khai Phong không hề ít, chẳng bằng tuyển chọn người ở thôn Ngưu gia. Thứ nhất là người bên ngoài sẽ không gây chuyện sinh sự; thứ hai cũng có thể giảm bớt chút chi phí. Sau khi suy xét Ngọc Doãn liền đồng ý, chọn mười lăm thanh niên cường tráng thôn Ngưu gia đến làm việc.

Số lượng người tại lò mổ Liền Kiều lập tức đạt đến hơn ba mươi. Với con số như vậy quy mô của lò mổ không hề nhỏ.

Lò mổ Liền Kiều khai trương có rất nhiều người đến ủng hộ. Tưởng Môn Thần và Trương Tam mặt rỗ đến đầu tiên, lúc gặp Ngọc Doãn thì vô cùng nhiệt tình.

Tiểu Ất nay không còn là Ngọc Tiểu Ất trước kia bị Quách Kinh áp bức đến đường cùng nữa, nên Trương Tam mặt rỗ và Tưởng Môn Thần không còn thái độ như trước kia với hắn, mà mở miệng một câu “Tiểu Ất ca”, ngậm miệng cũng một câu “Tiểu Ất ca”, đầy sự kính nể.

Đặc biệt Tưởng Môn Thần thì trong lòng vô cùng sợ hãi. Lúc trước y là người giúp đỡ Quách Kinh, mang đến cho Ngọc Doãn không ít rắc rối. Trước kia dù Ngọc Doãn đàn rất hay, y cũng không sợ. Nhưng hiện tại Ngọc Doãn khiêu chiến Ngự quyền quán, bên cạnh còn có cao thủ là Dương Tái Hưng và Cao Sủng, lại có những kẻ liều mạng như Vương Mẫn Cầu và Hoắc Kiên đều không phải là nhân vật tầm thường dễ đối phó. Vương Mẫn Cầu nay cũng có biệt hiệu. Gã ra tay mau lẹ, hành động như gió, cho nên người ta đặt biệt hiệu cho gã là “Tiểu Tam Lang – Nhất trận phong”; Hoắc Kiên ra tay tàn nhẫn một chiêu là muốn đoạt mệnh người khác, cho nên được gọi là “Quỷ kiểm nhi – Thao Đao quỷ”. Đây chính là hai đại mãnh tướng lưu manh của Ngọc Doãn.

Ngoài ra, tại cửa hàng Ngọc gia còn có mười hai đao thủ, xưởng thịt chín có hai mươi người giúp việc.

Mà nay tính cả hơn ba mươi người ở lò mổ Liền Kiều nữa thì thuộc hạ của Ngọc Doãn đã có 50~60 người rồi. Đây không phải là loại lưu manh vô lại có bản chất có phúc cùng hưởng, gặp nạn thì bỏ chạy. Đám người này dựa vào Ngọc Doãn để kiếm ăn, nếu thật sự có người tìm Ngọc Doãn gây rắc rối, thì những người này dám liều mạng vì hắn, nên ai dám đi trêu chọc vào?

Cộng thêm Ngọc Doãn có quan hệ mật thiết với phủ Khai Phong.

Chẳng phải ngay cả Tiếu Khôn Áp Ti cũng đến ủng hộ hay sao?

Thạch Xuyên Thạch Tam Lang kia từ một quân phố Hưng Long quan được nâng lên làm Ban Trưởng của phủ Khai Phong, cũng không phải người bình thường có thể sánh được.

Còn có Điện Tiền Ti, Cấm quân Đông Kinh áp quan Phong Huống đều xưng huynh gọi đệ với Ngọc Doãn.

Nghe người ta nói, Phong Huống và Ngọc Doãn từ nhỏ lớn lên cùng nhau, từng bái môn hạ của Ngọc Phi, học đô vật một thời gian. Tuy nhiên sau này bởi vì say rượu lỡ tay đánh chết người mà phải trốn khỏi Đông Kinh. Tháng năm năm nay, Phong Huống đã trở lại, chẳng những rửa sạch tội danh, còn làm tới chức Cấm quân Áp quan. Tuy rằng Áp quan không phải là chức quan có thực quyền nhưng điều quan trọng là, sau lưng gã có Mã Cao vừa mới nhậm chức Quân Sứ Cấm Quân.

Mã Cao vốn là thống chế Tương Châu, cũng không biết tại sao được Trương Thúc Dạ coi trọng, điều đến Đông Kinh đảm nhiệm chức Quân Sứ.

Mấy năm trước Phong Huống nhập ngũ ở Tương Châu, được Mã Cao đề bạt. Lần này mới có cơ hội trở về Khai Phong, cũng trở thành quan quân.

Những người này đều có quan hệ với Ngọc Doãn.

Tưởng Môn Thần nhìn mà đau đầu, nên lúc nói chuyện với Ngọc Doãn thì vô cùng cẩn trọng.

Cũng may Ngọc Doãn không so đo chuyện cũ mà trò chuyện vui vẻ với Tưởng Môn Thần và Trương Tam mặt rỗ, khiến y an tâm rất nhiều.

- Thập Ngũ Ca làm thế chẳng phải là xem thường ta sao? Lúc trước Thập Ngũ Ca cũng bị Quách Thiếu Tam bức bách, mà Tiểu Ất thật sự đã phạm phải quy củ. Trong chuyện này Thập Ngũ Ca ngươi chưa hề thừa cơ hãm hại. Làm việc phải có quy tắc, nếu lúc ấy Thập Ngũ Ca thật sự tính kế, thì e rằng Tiểu Ất cũng khó có ngày hôm nay.

Tưởng Môn Thần nghe xong vô cùng cảm thán. Đợi sau khi cùng Trương Tam mặt rõ rời khỏi lò mổ Liền Kiều, gã nói với Trương Tam mặt rỗ:

- Đúng là Tam ca có con mắt nhìn người, lúc trước dốc hết sức giúp đỡ Tiểu Ất. Ai có thể ngờ Tiểu Ất nay lại đạt thành tựu như này. Từ hôm nay trở đi, trong phố xá Tiểu Ất là nhân vật số một rồi.

Trương Tam mặt rỗ thì cười khổ:

- Ta nào có nhãn lực gì? Nếu nói là có nhãn lực, thì phải là lão La mới đúng. Chính lão đã nhìn thấy Tiểu Ất không phải là vật trong ao. Lúc trước ta giúp hắn là nể mặt mũi lão La. Tuy nhiên sau này khi Tiểu Ất đảm đương việc của lão La, ta đã biết sớm muộn gì hắn cũng có thành tựu một cách nhanh chóng.

Hai người dứt lời, đột nhiên nhìn nhau cười. Trong thâm tâm cả hai đã có chủ trương, từ nay về sau, nhất định phải thân cận với Tiểu Ất hơn mới được.

Đúng vậy, trong thành Khai Phong này dù là Lý Bảo cũng không có bản lĩnh tụ tập ba lực sĩ cấp chín. Ba con rồng Đông Kinh? Từ nay về sau ai có thể làm gì được Ngọc Tiểu Ất? Ít nhất, Tưởng Môn Thần và Trương Tam mặt rỗ không thể.

Mà nay, chẳng phải Ngọc Doãn cần có kết quả sao?

Quan lộ không thông, lại gây dựng nên căn cơ, đứng vững gót chân tại phố xá. Chỉ là căn cơ này còn phải kiến lập để sau này ở Đông Kinh không bị người Nữ Chân phá. Trong lòng Ngọc Doãn biết hắn không thể nào thay đổi được đại cục, nhưng hắn thật sự mong muốn có thể dùng phương thức của mình để giúp đỡ mọi người. Cho dù là sau này có chết cũng không tiếc nuối chuyện đã được sống lại lần nữa.

Đứng ở trong lầu các lò mổ, Ngọc Doãn dõi mắt nhìn ra xa.

Dòng sông Biện chảy cuồn cuộn, tường thành hùng vĩ xa xa. Tất cả đều nổi bật trong bóng đêm.

“Ta có thể chứ? Ta thật sự có thể thay đổi lịch sử sao?”

Trong lòng Ngọc Doãn thầm tự hỏi. Nếu thật sự phải thay đổi, hiện nay vẫn còn xa mới đủ. Tuần san thời đại Đại Tống có lẽ là một cơ hội cuối cùng.

Rốt cuộc nên viết cái gì ở Tuần san thời đại Đại Tống này?

Ngọc Doãn trở lại ngồi xuống trước bàn.

“Hai ngày trước nghe nói quân Liêu bị Tuyên Đức đánh thua thảm bại, Thiên Tộ Đế bị bắt. Không biết hiện nay Yến Tử thế nào rồi, có dẫn người rời khỏi thành Khả Đôn chưa? Thật sự hy vọng cô ấy có thể sớm đứng vững.”

“Đúng rồi, quân Liêu?”

Ánh mắt Ngọc Doãn đột nhiên chuyển dời đến Lâm Nha tạp ký.

Hãy bắt đầu từ cuộc chiến thảm bại của nước Liêu đi!

Nghĩ đến đây, hắn nhấc bút viết ba chữ: Tây Hành Ký rất to. Hắn sẽ không đi thẳng vào bàn việc người Nữ Chân mà để đắc tội nhiều người. Dù sao trong cái triều đình này, phái nghị hòa trước sau vẫn chiếm thượng phong, nếu chẳng may chọc giận tới những người đó, chẳng phải để cho chúng sẽ bóp chết Tuần san thời đại Đại Tống ngay từ trong trứng nước hay sao. Biện pháp tốt nhất là từ góc độ nước Liêu bàn luận người Nữ Chân, có lẽ sẽ dễ dàng được mọi người tiếp nhận.

Ngọc Doãn tự biết hắn hành văn không hay, tuy nhiên điều đó không quan hệ.

Sau khi viết xong sẽ để Trần Đông trau chuốt một chút, chắc hẳn y sẽ rất vui vẻ làm việc này.

Ừ, viết " Tây Hành Ký "!

***

Vào thu, thời tiết mau lạnh.

Những cơn gió thu hiu quạnh thổi qua phố lớn ngõ nhỏ trong thành Khai Phong.

Tòa nhà ở ngõ Quan Âm đã khởi công, tiến triển nhan chóng. Mà sản nghiệp của Ngọc Doãn chỉ sau hơn mười ngày ngắn ngủi đã tăng thêm một phần.

Yến Nô tìm Trương Nhị tỷ để thương lượng, rồi sau đó bắt đầu chính thức gia công bàn chải đánh răng. Xương heo và lông mao lợn đều có sẵn, công nghệ lại vô cùng đơn giản. Trương Nhị tỷ thử nghiệm nhiều lần cuối cùng đã thiết kế ra một quy trình đầy đủ. Trước tiên xử lý tốt mảnh xương cốt, sau đó luộc lông mao lợn lên để tiêu độc khử mùi, rồi tìm người tiến hành gia công lông mao lợn. Cứ năm đến mười sợi thành một nhóm, cuối cùng cuốn chặt lông mao lợn với mảnh xương, dùng dây nhỏ cố định. Như vậy là một bàn chải đánh răng đơn giản đã hoàn thành.

Một người phụ nữ trong thời gian một ngày là có thể làm ra một trăm cái.

Thứ này đưa ra thị trường cũng không đắt tiền, chỉ có tiền mà thôi. Vật liệu có sẵn đấy, chỉ cần tiến hành gia công đơn giản một chút, không cần phải tốn chi phí gì cả. Phí tổn duy nhất là tiền công. Năm bàn chải đánh răng một tiền tiền, vậy một người một ngày có thể thoải mái kiếm được hai ba mươi tiền rồi.

Yến Nô hứng trí nói kế hoạch của nàng với Ngọc Doãn. Nào ngờ Ngọc Doãn lại nhăn mày.

- Chủ ý của Cửu nhi tỷ rất tốt, nhưng nàng có nghĩ tới cần phải tìm bao nhiêu người không?

Yến Nô cười hì hì nói:

- Tiểu Ất ca thực ngốc, căn bản không cần tuyển người. Nô và Nhị tỷ thương lượng rồi. Chúng ta chỉ phụ trách gia công mảnh xương và luộc lông mao lợn. Những việc còn lại sẽ để đám phụ nữ làm. Phần lớn các nàng đều rảnh rỗi ở nhà nên sẽ làm, còn có thể kiếm thêm tiền mua son phấn, chắc chắn sẽ không từ chối.Cho nên căn bản không cần xưởng, không cần thuê nơi làm, chỉ có điều làm thế nào để mọi người biết đến thứ này thì vẫn có chút rắc rối.

Ngọc Doãn nghe vậy thì chỉ biết trợn mắt há mồm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.