Tổ Chuyên Án Và Những Vụ Án Bí Hiểm

Chương 70: Truyền Thuyết Long Vương




“Trúng độc? Không thể như vậy được? Nếu là trúng độc thì sao bác sĩ

Hoàng lại không biết? Dù gì thì anh ấy cũng là bác sĩ hơn chục năm rồi, kinh nghiệm cũng không ít hơn anh.” Tôi đáp với vẻ hồ nghi.

“Cậu nói xem, xác chết của tôi nhiều hay là người bệnh của anh ta nhiều?”

Nghe Lưu Niên nói vậy, tôi lập tức nhớ tới cảnh tượng vắng hoe của đại sảnh bệnh viện. Dân số bản Long Động nhiều nhất cũng chỉ khoảng hai nghìn người, còn phần nhiều là chưa đầy một nghìn người thêm vào đó cơ hội vận động hàng ngày của người nhà quê rất nhiều, thể chất hơn hẳn người thành phố, nên số lượt người đến thăm khám cũng không quá nhiều. Hơn nữa, sau khi thực tập trở về, mặc dù nói là làm bác sĩ hơn chục năm, nhưng kinh nghiệm của bác sĩ Hoàng chưa chắc đã phong phú hơn bác sĩ trẻ mới làm việc hai, ba năm ở thành phố.

Những phân tích tiếp sau đó của Lưu Niên đã khẳng định thêm cho những suy đoán của tôi: “Đầu tiên thì anh ta học ngoại khoa, sau đó giữa chừng lại đổi sang học khoa thần kinh, tôi nghĩ nếu anh ta không phải là người dân tộc thiểu số thì đến cả tấm bằng tốt nghiệp cũng khó mà lấy được. Nói hơi khó nghe một chút, anh ta chẳng qua chỉ là bác sĩ vàng xanh1 thôi. Và cậu cũng đừng cố tưởng rằng là bác sĩ thì bệnh gì cũng có thể trị được, cậu mà bị hắc lào thì đừng có mà tới chỗ bác sĩ răng hàm mặt đấy!”

1. Bác sĩ vàng xanh trong tiếng Quảng Đông ý nói là lang băm.

Tuy sự so sánh của Lưu Niên có phần khó nghe, nhưng lại rất xác thực. Kiến thức về ngoại khoa và thần kinh của bác sĩ Hoàng đều chỉ học được một nửa, kiến thức về trúng độc có lẽ chưa bằng một bác sĩ thực tập nội khoa. Cũng giống như Tiểu Na, sau khi tôi nói triệu chứng với cô ấy, cô ấy chỉ có thể giải thích cho tôi trong phạm vi chuyên môn của mình, và chưa hề nghĩ đến khả năng trúng độc. Còn Lưu Niên là pháp y, tuy không biết chữa bệnh, nhưng khả năng phân tích về nguyên nhân gây bệnh thì không hề xoàng chút nào.

“Anh cảm thấy họ bị trúng loại độc gì?” Đây là vấn đề mà tôi quan tâm nhất, nếu biết được thì sẽ có thể điều ra nguồn gây độc, thậm chí có thể lôi con ma núi đó ra.

“Cậu nghĩ tôi là thần tiên à? Cứ cho là cậu khiêng xác chết về đây tôi cũng phải xét nghiệm xong mới xác định được, huống hồ bây giờ cậu ở tận trong vùng núi sâu. Có điều, tôi phải nói cho cậu biết điểm này, với những triệu chứng như của họ thì có lẽ họ đã trúng độc kim loại nặng.” Câu trả lời của anh ấy không chỉ khiến tôi thất vọng mà càng làm tôi thấy hoang mang hơn, ở nơi này làm gì có trúng độc kim loại nặng nhỉ, hơn nữa, chỉ có phụ nữ mới trúng độc trong đầu tôi bỗng nhiên xuất hiện một ý nghĩ, sở dĩ họ trúng độc có phải là vì có liên quan đến những tập quán hay tập tục nào đó không? Có lẽ, tôi phải tới tìm gặp bà Ba một lần nữa, nhưng lúc đó tôi cần phải xác định xem có đúng là họ trúng độc không.

Để tránh cho bác sĩ Hoàng cảm thấy ngượng, chúng tôi quay về bệnh viện và lên gặp thẳng Giám đốc bệnh viện. Giám đốc bệnh viện tên là Hoàng Lập Cao, tôi nói với ông ấy rằng người dân trong bản phát điên rất có thể là đo trúng độc kim loại nặng, và đề nghị ông ấy lập tức làm các xét nghiệm có liên quan cho bệnh nhân.

Nhưng ông ấy lại nói: “Bệnh viện của chúng tôi không có thiết bị tương ứng e không thể xét nghiệm được.”

“Gần đây có bệnh viện nào có thể làm các xét nghiệm như vậy không?” Tôi hỏi.

“Nhiễm độc kim loại nặng là chứng rất ít khi gặp, nên thông thường các bệnh viện nhỏ không mua các thiết bị có liên quan, các bệnh viện huyện thị gần đây cũng không có, trừ bệnh viện lớn trên tỉnh.” Giọng của ông ta lộ vẻ thiếu kiên nhẫn.

“Ông lập tức cử người đưa tất cả những người mắc bệnh lên tỉnh đi!” Tử Điệp nói với Giám đốc bệnh viện như ra lệnh. Vừa rồi cô ấy cứ cúi đầu im lặng, có lẽ là vì thái độ chẳng ra sao của Giám đốc bệnh viện đã động chạm đến tính khí đại tiểu thư của cô. Nhưng, như thế cũng tốt, ít nhất thì không khí không còn quá ngượng ngập nữa.

“Chuyện này tôi không giải quyết được, bệnh viện không có xe cứu thương, hơn nữa cũng không có đủ người. Đừng nói là đưa tất cả bệnh nhân đi lên tỉnh, mà ngay cả đưa người cũng rất khó khăn, nếu các anh muốn đưa họ đi thì tự mà nghĩ cách?” Giám đốc bệnh viện hút thuốc với vẻ thản nhiên như thể không thèm để ý đến chúng tôi.

Thấy thế, Tử Điệp bèn nổi giận, định mắng cho ông ta một trận. Tôi bèn nắm lấy tay cô ấy, ra hiệu cho cô ấy đừng nói gì, sau đó nói với Giám đốc bệnh viện: “Vậy thì để chúng tôi đưa đi là được. Phiền ông sắp xếp cho chúng tôi, chọn một bệnh nhân mắc bệnh nhẹ nhất, để chúng tôi đưa cô ấy lên bệnh viện tỉnh làm xét nghiệm. Nếu tiện, mong ông cử cho một bác sĩ đi cùng.”

Đề nghị lịch sự của tôi, nhưng ông ta đáp lại bằng vẻ châm biếm xa xôi: “Muốn đưa bệnh nhân đi thì các anh phải đả thông cho gia đình người bệnh, còn như muốn có bác sĩ đi cùng thì phải chờ xem có ai muốn điên cùng các anh không.”

“Ý của ông là gì?” Tử Điệp trợn đôi mắt xinh đẹp lên, nhìn chằm chằm vào Giám đốc bệnh viện, như muốn ăn tươi nuốt sống ông ta.

“Tôi cũng là một bác sĩ nên biết nhiễm độc kim loại nặng là như thế nào, không giống như một số kẻ nông cạn, không bắt được ma núi thì đổ hết lỗi lên đầu bác sĩ.” Giám đốc bệnh viện dường như cũng nổi nóng.

“Ông nói gì, ông định ám chỉ ai? Nếu không phải bị nhiễm độc thì không lẽ là do ma núi nguyền rủa? Ông là bác sĩ hay là lang băm?!” Tử Điệp gầm lên với Giám đốc bệnh viện. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao khi điều tra vụ án, cô ấy không điều tra được gì, cứ cái kiểu hơi tí là nổi giận của cô ấy thì chẳng có nhân chứng nào muốn hợp tác nói hết những gì mình biết.

Tuy nhiên, Giám đốc bệnh viện cũng không kém cạnh, ông ta gầm lên: “Cô tưởng là nhiễm độc kim loại nặng dễ dàng bị đến thế sao? Tôi sẽ làm cho loại người nông cạn như cô mở mắt ra mà nhìn. Thông thường, chỉ có những người sống nơi ô nhiễm nghiêm trọng, hơn nữa làm nghề luyện kim hoặc hóa chất trong thời gian dài thì mới nhiễm loại độc này. Nhưng, cô có nhìn thấy ô nhiễm ở đây không? Bản của chúng tôi, trừ nghề sản xuất nhựa thông phát triển vào những năm tám, chín mươi thì dường như không có ngành công nghiệp nào, vậy thì lấy đâu ra ô nhiễm? Cứ cho rằng ô nhiễm thật đi thì tất cả mọi người cũng phải phát bệnh chứ, nhất là người già và trẻ nhỏ. Nhưng tình hình hiện tại như thế nào, hẳn các cô cũng rất rõ.”

Tuy thái độ của Giám đốc bệnh viện rất khó chịu, nhưng những điều mà ông ta nói cũng không phải hoàn toàn không có lý, nên trong một lúc Tử Điệp cũng không thể phản bác lại được, chỉ còn biết giậm chân tức giận. Xem ra, đã đến lúc tôi phải kết thúc tình hình này, tôi nói với Giám đốc bệnh viện: “Ông nói rất có lý, nhưng việc bệnh viện không làm rõ được nguyên nhân vì sao bệnh nhân mắc bệnh cũng là sự thực. Ông cần phải rõ, tình hình này nếu cứ tiếp tục thì chẳng có lợi với bất cứ ai. Bệnh viện nhân dân tỉnh có thiết bị xét nghiệm tiên tiến, đưa bệnh nhân tới đó kiểm tra cũng không phải là một việc tồi.”

Sau khi suy nghĩ một lát, Giám đốc bệnh viện đã bớt tức giận: “Nếu mọi người muốn đưa đi thì tôi có thể sắp xếp, nhưng nếu để xảy ra chuyện thì tôi không chịu bất cứ trách nhiệm gì đâu!”

“Điều này thì ông cứ yên tâm, tôi sẽ đích thân nói rõ với người nhà bệnh nhân, tôi nghĩ chắc không có người nhà nào phản đối đâu. Vì suy cho cùng thì đưa tới bệnh viện ít nhất còn có chút hi vọng, cứ giữ lại thì chỉ có chờ chết.” Tôi mỉm cười nói.

Giám đốc bệnh viện nhìn đồng hồ: “Bây giờ đã hơn ba giờ rồi, thế này vậy, để tôi đi thu xếp cho mọi người một chút, sáng sớm mai mọi người đến đưa người đi xét nghiệm!” Tôi cảm ơn Giám đốc bệnh viện rồi cùng Tử Điệp ra về.

Sau khi rời khỏi phòng làm việc của Giám đốc bệnh viện, Tử Điệp lại không nói gì nữa, có điều, lần này không phải vì xấu hổ khi ở cùng với tôi, mà là vì bị Giám đốc bệnh viện làm cho quá tức giận, nên mặt cứ sầm xuống. Xem ra, phải khuyên nhủ cô ấy một chút. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy mình như thêm chức của một người cha.

“Từ trước đến nay, cô luôn điều tra vụ án theo cái kiểu đó à?” Sau khi lên xe xong, tôi hỏi Tử Điệp.

“Liên quan gì đến anh?” Giọng của cô ấy có vẻ không ổn, xem ra đang giận cá chém thớt.

“Tôi có một người bạn làm bảo hiểm, anh ấy luôn tỏ ra rất nhã nhặn, gặp ai cũng anh anh, chị chị. Nếu mắng anh ấy một câu, cho dù anh ấy không có lỗi cũng cứ một mực xin lỗi. Nhưng, hồi còn đi học thì lại nổi tiếng là du côn, trừ những việc tốt ra, việc gì cũng làm. Cô có biết vì sao anh ấy lại trở nên như vậy không?” Tôi nhìn Tử Điệp, hỏi bằng giọng nhẹ nhàng.

“Tôi làm sao mà biết được.” Giọng của cô ấy vẫn chẳng ra sao cả nhưng rõ ràng đã bị vấn đề tôi đưa ra thu hút.

Tôi hạ kính xe, châm một điếu thuốc, rồi nói: “Vì anh ấy cần tiền, rất rất nhiều tiền, anh ấy không bỏ qua bất cứ người nào có thể mua bảo hiểm của mình.”

“Hừ, giả dối!” Tử Điệp tỏ bộ coi thường, “Loại người đó là đáng ghét nhất, vì tiền mà việc gì cũng làm được!”

“Cô có biết vì sao anh ấy lại cần tiền không?” Tôi hỏi.

“Đàn ông các anh, ai mà chẳng muốn có tiền, có tiền thì có thể vung vãi khắp nơi, có thể làm càn.” Tử Điệp nhìn tôi một cái, dường như cho rằng tôi cũng cùng một giuộc.

“Anh ấy cần tiền là vì bố anh ấy ốm, xơ gan giai đoạn cuối. Để chữa bệnh này phải tốn rất nhiều tiền, hơn nữa tình hình của ông cụ rất nghiêm trọng, có tiền cũng chưa chắc đã chữa khỏi, mà chỉ có thể kéo dài thêm một thời gian. Anh ấy muốn để cho bố mình được sống những ngày cuối đời một cách thoải mái nhất, càng không muốn cho ông cụ phải lo lắng cho tương lai của mình, vì thế anh ấy rất cố gắng làm việc, thậm chí đến tính tình cũng thay đổi hẳn.” Tôi nói xong, rít một hơi thuốc thư thái rồi không nói gì nữa.

Tử Điệp im lặng một lát rồi mới nói: “Tôi không giống như anh ta, vì tiền mà phải từ bỏ sự tôn nghiêm!”

Tôi cười, nói: “Vậy, cô sẽ vì điều gì mà từ bỏ sự tôn nghiêm?”

“Chẳng có chuyện gì khiến tôi phải từ bỏ sự tôn nghiêm cả!” Tử Điệp nói với vẻ đầy nghĩa khí và nghiêm túc.

“Thế sao? Nếu tôi cho cô một trăm đồng, bảo cô gọi tôi là anh, cô có gọi không?” Nói rồi, tôi lấy ví tiền ra.

“Anh thần kinh à?!” Tử Điệp lườm tôi một cái.

“Khà, khà, tôi chỉ nói nếu như thôi mà.” Tôi cất ví tiền đi, nói tiếp. Nếu là mười ngàn đồng thì sao?”

“Cũng vậy thôi. Tôi chỉ có thể nói là anh bị thần kinh.” Tử Điệp lại lườm tôi một cái.

“Nếu tôi cho một triệu đồng thì sao? Chỉ cần gọi tôi một tiếng bằng anh, cô đã có một triệu đồng, cô có gọi không?”

Tử Điệp trầm ngâm một lát rồi mới đáp: “Không, có cho tôi bao nhiêu chăng nữa thì tôi cũng không gọi!”

“Vậy, tôi cho một trăm triệu thì sao? Chỉ cần cô mở miệng là đã có một trăm triệu, biết bao nhiêu người cho dù làm việc quần quật suốt cả đời cũng không có được một trăm triệu, còn cô thì chỉ cần gọi một tiếng anh là đã có rồi.” Tôi nhìn vào mắt Tử Điệp, mỉm cười.

Bất giác cô ấy quay đi tránh ánh mắt của tôi, một lát sau mới nói bằng giọng hoang mang: “Anh có nhiều tiền như thế đi rồi hãy nói.”

“Khà, khà...” Tôi cười lớn. Cô ấy lập tức nhìn tôi với vẻ vừa xấu hổ vừa tức giận, mắng rằng: “Cười cái gì, có gì đáng cười đâu.”

Tôi thôi cười, nhìn vào mắt cô ấy, nói với vẻ nghiêm túc: “Trong lòng mỗi một người đều có một giá trị, sở dĩ cô không chịu từ bỏ sự tôn nghiêm là vì cái giá mà tôi đưa ra chưa đạt đến giá trị của cô mà thôi. Một trăm triệu thì tôi không có đâu, nhưng tôi nghe ngoài tiền ra, có lẽ còn có thứ khác đáng để cô từ bỏ sự tôn nghiêm, ví dụ như bắt ma núi, ví dụ như nhận được sự tôn trọng của nhiều người hơn nữa.”

“Muốn bắt được ma núi thì phải tìm bỏ sự tôn nghiêm ư?” Tuy giọng nói của cô ấy có vẻ không vui, nhưng đã bắt đầu mềm mại hơn.

“Có cần phải như thế hay không còn phải phụ thuộc vào việc cô nghĩ như thế nào. Cũng giống như người bạn của tôi. Mặc dù trong con mắt của người khác anh ấy chẳng khác gì một tên đầy tớ, nhưng vì để chữa bệnh cho bố, anh ấy đã bỏ ra hàng mấy chục ngàn, hàng triệu đồng mà không bao giờ kêu ca phàn nàn một câu. Vì vậy, trong con mắt của bố anh ấy, anh ấy là người rất đáng tôn trọng.”

Nghe xong những lời này của tôi, Tử Điệp không nói gì. Tôi lại nói: “Không có lợi không làm, nếu cô chỉ nghĩ có thể tùy tiện nổi giận và mắng người thì hoàn toàn có thể bảo Đồn trưởng Hoa điều cô làm nhiệm vụ chống tệ nạn xã hội cho xong. Nếu cô muốn bắt được ma núi, thì không được tùy tiện nổi nóng, vì công việc của chúng ta là điều tra rõ sự thật. Mà muốn điều tra rõ sự thật thì đầu tiên là phải thu thập thông tin tình báo. Tin tức tình báo không tự nhiên xuất hiện trước mắt cô, mà cô phải dò hỏi kiên trì và khéo léo thì mới có được trong khi ấy thông thường dân chúng không có nghĩa vụ phải cung cấp nó cho cô.”

“Vâng...” Tử Điệp đáp ậm ừ rồi không nói gì nữa, tôi nghĩ, cô ấy đang ngẫm nghĩ về những điều tôi vừa giáo huấn.

“Không còn sớm nữa, chúng ta phải tranh thủ thời gian tới gặp bà Ba thôi.” Nói rồi, tôi nổ máy cho xe xuất phát.

Mặc dù chưa xác định được căn bệnh kì quái mà dân bản mắc phải có đúng là nhiễm độc kim loại nặng hay không, song dù sao lúc này vẫn còn thời gian, chúng tôi quyết định tới gặp bà Ba. Tôi không biết địa chỉ nhà bà ấy, nhưng bản Long Động chỉ to bằng bàn tay nên chỉ cần hỏi một vài người là chúng tôi đã tìm được. Vừa nhìn thấy tôi, bà Ba đã hỏi: “Có phải đã bắt được ma núi rồi không? Người thành phố làm việc có khác, vừa mới tới đã bắt ngay được ma núi rồi!”

Tôi ngượng ngùng trước lời nói ấy của bà Ba, bèn cười trừ: “Vẫn chưa đâu ạ! Có điều đã có manh mối rồi, nhưng cháu cần được bà Ba giúp cho một chút.”

“Vẫn chưa tìm được ma núi sao?” Bà Ba có vẻ thất vọng, nhưng rồi lập tức lấy lại tinh thần. “Có việc gì mà phải cần đến bà già này, cứ nói xem. Chỉ cần bắt được ma núi thì muốn ta làm gì cũng được.”

“Cháu muốn biết, bản của ta đây có tập tục gì đặc biệt không, hoặc như dân bản có tập tục gì đặc biệt không?” Tôi hỏi.

“Ta cũng đã nói với cậu rồi đây, bản của ta chẳng qua chỉ là mang danh nghĩa là của người Dao thôi, tập quán sinh hoạt không khác là bao so với các cậu, cũng không có tập tục gì đặc biệt...” Nói rồi, bà Ba bỗng nhiên dừng lại suy nghĩ trong giây lát rồi mới tiếp: “Nhưng nếu muốn nói tới tập tục thì có lẽ đặc biệt nhất là cúng Long Vương.”

“Long Vương? Bà có thể nói rõ hơn được không ạ?”

“Bản này của chúng ta, sở dĩ gọi là bản Long Động là vì gần rừng thông có ngôi Long Cung...” Rồi bà Ba kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện có liên quan đến Long Vương bằng giọng móm mém, hay có phần không rõ ràng nhưng cũng đủ để chúng tôi nghe hiểu được:

“Long Cung thật ra là một cái hang núi, có người gọi là Long Động. Ngay từ hồi còn bé ta đã nghe thấy bà nội của ta kể, cách đây rất lâu, trong bản của ta có một người đàn ông rất nghèo phải làm thuê cho địa chủ, sau đó bị địa chủ đánh chết, sau khi chết thì biến thành Long Vương. Kể từ khi có Long Vương, bản của chúng ta không bao giờ gặp hạn. Nghe bà nội ta kể, một năm nọ, các nơi khác không hề có lấy một giọt mưa, chỉ duy nhất bản ta là có mưa to. Vì vậy, người trong bản của chúng ta năm nào cũng tới Long Cung để cúng Long Vương.

Không phải ai cũng cúng Long Vương được, vì Long Vương bị địa chủ đánh chết từ khi còn rất trẻ, khi chết vẫn chưa có vợ, vì thế chỉ có phụ nữ trẻ mới được đi cúng Long Vương, đàn ông không ai được đi, hơn nữa phải là những cô gái còn trẻ và xinh đẹp, coi như là lấy vợ cho Long Vương.

Lễ cúng Long Vương cũng có rất nhiều thủ tục, bắt đầu từ cửa Long Cung, cứ ba bước thì lại phải vái một lạy, cho tận tới khi đến trước tượng của Long Vương trong Long Cung. Bên cạnh tượng Long Vương có một con sông ngầm, dân bản gọi là Long Hà, sau khi đốt vàng mã, hương nến cho Long Vương, mỗi một người đều phải uống một gáo nước từ con sông đó. Sau khi uống nước xong thì có thể ra về, có điều, khi đi ra khỏi đó nhất định không được quay đầu lại, nếu quay đầu lại thì có nghĩa là thực lòng muốn lấy Long Vương và sẽ bị Long Vương giữ lại...”

Mỗi một người đến cúng Long Vương đều phải uống nước sông Long Hà, nói như vậy nếu trong nước sông có chứa kim loại nặng thì chẳng phải phụ nữ trong bản cũng sẽ bị nhiễm độc hay sao? Nhưng, bà Ba đang ngồi trước mặt tôi thì chẳng có vẻ gì là bị trúng độc cả, giải thích như thế nào về việc này? Muốn biết nguyên nhân, cách tốt nhất tất nhiên là hỏi thẳng bà ấy. Thế là tôi lên tiếng hỏi: “Bà cũng đã từng đi cúng Long Vương phải không ạ?”

“Hồi ta còn trẻ đúng vào dịp phá bỏ tập tục, ai mà dám đi cúng Long Vương! Nếu không phải Long Động vị trí khuất thì có lẽ cũng đã bị phá tan rồi. Đến lúc tục cúng Long Vương được khôi phục thì ta cũng đã già rồi, không lọt mắt Long Vương, và tất nhiên cũng không đi cúng rồi.”

“Những bà cụ ở độ tuổi như bà cũng đều không đi cúng Long Vương ạ?”

“Đúng vậy, đều không đi, đều là do các cô gái trẻ đi. Ta cũng chưa vào Long Động bao giờ, những chuyện này đều nghe người khác kể lại.”

Không lẽ dân bản mắc chứng bệnh kì quái ấy là do uống nước sông Long Hà? Xem ra, có lẽ phải vào Long Cung một chuyến rồi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.