Tiệc Báo Thù

Chương 27




Tên cướp bỏ mạng vì vụ nổ là ai? Tại sao các nhân chứng đều nói đó là tên cướp C mặc đồ đen và bịt mặt, cuối cùng cái xác nằm ở hiện trường lại là một ông già ăn mặc bình thường? Không phải không có khả năng quần áo đen mặc ngoài đã bị cháy hết, nhưng ở hiện trường lại không có các mảnh vải tương ứng, còn bộ quần áo bình thường đang mặc thì không bị cháy nhiều, chứng tỏ cái xác này không bị cháy nghiêm trọng.

Bọn cướp tạo ra vụ trọng án này vì mục đích gì? Sau khi hành động không lâu, chúng đã giành được mục tiêu là bản chép tay Mãn Giang Hồng nằm trong két sắt, gọi cảnh sát đến để đối đầu, gây ra vụ bắt cóc con tin càng nghiêm trọng hơn? Chúng định ra điều kiện gì với cảnh sát và chính quyền?

Tại sao bọn cướp lại muốn Na Lan đi làm trung gian thương lượng? Bọn cướp phải hiểu rõ mối quan hệ giữa Na Lan và Sở Công an, phải biết mặt Na Lan vì cô đã từng có mặt ở bản tin thời sự trên ti vi, trên mạng cũng có ảnh. Nhưng Na Lan “vừa khéo” có mặt trong đám con tin, mà chúng lại không nhận ra?

Việc phát hiện ra hai xác chết trong két sắt và xác của Bành Thượng chứng tỏ điều gì? Ai mới là kẻ cướp? Nói cách khác, kẻ cướp thực sự là ai? Tại sao ba cái xác có vẻ như ba tên cướp chuyên nghiệp lại xuất hiện ở hiện trường? Ai đã giết họ, hoặc nói đúng ra là ai đã khống chế rồi sát hại họ? Ba tên cướp A, B, C là ai? Liệu có phải chuyện thường gặp: băng đảng tàn sát lẫn nhau không?

Đương nhiên còn một vấn đề quan trọng: giả sử ông già chết do vụ nổ ở hiện trường là tên cướp C, thì tên cướp B đã trốn thoát khỏi hiện trường như thế nào? Cảnh sát sẽ truy bắt tên cướp A và B ra sao đây?

Ngày 19 tháng Năm, đúng 10 giờ sáng.

Hai tên cướp đã trốn thoát khỏi hiện trường lúc này đang cùng ngồi trước màn hình ti vi cỡ nhỏ, xem cuộc họp báo về “Đại án Tiêu Tương 185”, do phó giám đốc Sở Công an phụ trách công tác hình sự chủ trì.

“Tao không thích gọi là Đại án 185, nghe quá thông tục, mày không cảm thấy thế à?” Một trong hai tên nói.

“Quá thông tục tức là đại nhã. Mày còn phải tiếp tục học hỏi.”

Sau đó rất lâu, cả hai đều im lặng nghe ông phó giám đốc nói về diễn biến vụ việc và công tác trinh sát, giọng ông nặng nề căng thẳng.

“Mày xem, họ đưa tin như thế tức là họ đã biết rõ cả… OK, à không, ý tao là họ vẫn giấu kín nhiều chi tiết?”

Tên kia nói, “Theo thông lệ, mười phần sự việc chỉ công bố hai phần, giấu nhẹm tám phần.”

“Thảo nào mà người ta bảo hàng không Malaysia, chính phủ Malaysia đưa tin mơ hồ, giấu kín như bưng.”

“Và giấu kín đến tận hôm nay.”

Rồi cả hai lại im lặng, chú ý theo dõi các câu hỏi của phóng viên.

“Cánh phóng viên này nghiệp vụ cũng mơ hồ, họ không hỏi gì về Na Lan. Cô ta là một trong những nhân vật then chốt trong vụ việc, là nhân vật quái đản từng bị các thợ săn ảnh chụp lén, là một điểm tiếp cận rất hay để nâng giá thông tin…”

“Chắc là họ đã bị ‘chăm sóc’, miệng bị niêm phong từ trước rồi, không được hỏi về những người liên quan, người bị hại, các con tin, và các bí mật đời tư gì đó. Nhất là Na Lan ba năm qua là vũ khí bí mật của đội Trinh sát Hình sự, họ phải bảo vệ chứ!”

“Cô ta bị chấn thương sọ não, mất trí nhớ, thì lo gì nữa? Hỏi gì cũng nói không biết.”

Chuông cửa bỗng réo vang, cả hai đều đứng phắt dậy, nhìn nhau, cùng lắng nghe tiếng tim đập thình thịch.

Sau hai hồi chuông cửa, Tạ Nhất Bân vẫn trong trạng thái bàng hoàng, chưa kịp tĩnh trí để đáp lại. Trên màn hình LED độ nét rất cao của chiếc ti vi treo tường, các phóng viên vẫn đang hỏi phó giám đốc Sở Công an những câu hỏi vô thưởng vô phạt. Tạ Nhất Bân đang mặc chiếc quần ngố rộng thùng thình, vừa thay băng ở cánh tay và chân, lúc này đang cúi rạp xuống bàn trà, trên bàn là tờ giấy viết đặc chữ và các ký hiệu dọc ngang. Anh ta đang đắm chìm trong một trò chơi thú vị nhưng rất đau đầu: mình sẽ giải mã “Đại án 185”, viết thành cuốn tiểu thuyết đầu tay thuộc thể loại kinh dị. Mấy ai có được điều kiện trời cho như anh: đích thân trải nghiệm một vụ án, với những nỗi kinh hoàng và cảm xúc của đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất.

Anh ta bàng hoàng là vì tiếng chuông cửa, không sao ngờ được. Hơn nửa năm qua đến ở căn hộ chung cư ngoài vành đai 3 này, đây là lần đầu tiên có người bấm chuông cửa. Nói dễ nghe một chút, Tạ Nhất Bân là một kẻ độc hành, nói hơi khó nghe, thì là một cô hồn không thạo giao tiếp. Không có bạn, Bân không đáng trách, mà nên trách cái mồm anh ta hễ mở miệng là châm chích, giễu cợt người khác, chế nhạo chứ không hài hước. Ai cũng hiểu đời người ngắn ngủi, không muốn phí hoài tuổi xanh để nghe Tạ Nhất Bân luôn miệng thở than, cho nên họ chỉ muốn né tránh. Tạ Nhất Bân không hề ru rú trong xó, anh ta đi làm thuê ở bốn phương, đi tìm điểm khởi đầu của sự nghiệp, và hiếm khi ở nhà. Nếu cần thay bình nước tinh khiết hoặc nhân viên bán hàng qua mạng đến đưa hàng, thì anh nhờ đôi vợ chồng già hàng xóm nhận giúp. Cũng may hai người này rất chu đáo, không có gì phải phàn nàn.

Nửa năm nay chuông cửa không kêu, hôm nay, một ngày sau vụ trọng án kia nó lại kêu, Tạ Nhất Bân không thể không căng thẳng.

“Ùng ùng ùng…” Chắc là khách cho rằng chuông điếc, đành đập cửa vậy.

“Ai đấy?” Tạ Nhất Bân lóng ngóng mặc vội cái quần bò rồi bước ra cửa, nhòm qua mắt thần. Nhìn thấy mặt khách rồi, vội mở cửa luôn.

Na Lan đứng trước cửa, mỉm cười, “Đến mà không báo trước, có làm phiền anh không?”

“Không, không.” Tạ Nhất Bân bất giác đưa tay vuốt tóc. “Mời vào!”

Na Lan không khách sáo, bước vào lướt nhìn phòng khách nho nhỏ, “Nhà anh rất khang trang.”

“Không giống nơi ở của một gã phụ bếp chứ gì? Những người tôn sùng vật chất hay nói kiểu đó.” Nhưng anh cũng không nhớ ra ai đã từng nói thế, vì chưa từng có ai đến nhà anh cả… Anh bỗng thấy hồi hộp, khép cửa lại, nhìn thẳng vào khách, “Sao cô tìm được chỗ tôi ở?”

“Bút lục của anh có ghi lại địa chỉ mà!” Na Lan tự ngồi xuống ghế xô pha, tay nắn mắt cá chân, vẫn đau do cú nhảy lầu hôm qua.

“Địa chỉ đó là của người hàng xóm sát vách.”

“Hai ông bà già thật tốt bụng.”

Tạ Nhất Bân khua tay lên, vẻ bực dọc, “Tôi đã… tôi đã dặn hai bác ấy đừng dẫn người lạ vào chỗ tôi…”

“Người lạ? Tôi mất trí nhớ đã đành, anh cũng thế à? Tôi và anh vừa gặp nhau hôm qua còn gì? Thôi nào, đừng nên trách họ, họ rất kín miệng, nhưng tôi đã tự đoán ra.” Na Lan nhìn tờ giấy trên bàn trà. “Tôi hỏi thăm về anh, họ nói là không biết, nhưng lại đưa mắt nhìn nhau, rồi nhìn sang phòng của anh. Cái nhìn ấy đã làm lộ bí mật! Anh và họ là hàng xóm được bao lâu rồi?”

Tạ Nhất Bân ngớ ra, “Thế là… là ý gì?”

“Chắc cũng phải ba mươi năm? Anh gọi ông ấy là cha, gọi bà ấy là mẹ. Đúng chưa?” Na Lan đã hơi sốt ruột.

“Cô nói linh tinh gì thế?” Tạ Nhất Bân vẫn yếu ớt chống cự.

“Thôi được rồi! Anh không đáng trách. Nhưng tại hai bác ấy treo tấm ảnh chụp chung cả nhà ba người, cho nên…”

“Ảnh đó là từ hồi tôi học cấp II, tôi là Thiên Sơn Đồng Lão[1] hay sao?”

[1] Một nhân vật nhờ luyện công mà dù lớn tuổi vẫn mang hình hài trẻ con, trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung.

“Và còn một khung kính to nữa: chúc mừng cán bộ nghỉ hưu Tạ Trường Thịnh, Ban Cơ vụ Sở Đường sắt Giang Kinh.”

Tạ Nhất Bân vẫn có vẻ chưa phục. Na Lan cầm tờ giấy trên bàn lên, “Hình như anh đang định viết tiểu thuyết, đã phác thảo bố cục rồi đây.”

“Tôi muốn có kết luận chuyện này là thế nào, ai cũng có thể như cô lắm, tôi cũng đã mất trí nhớ, xin chào! Tôi mặc kệ không biết! Đừng ai làm phiền tôi nữa!” Tạ Nhất Bân giật lại tờ giấy.

Na Lan mỉm cười, “Nếu mặc kệ thì tôi chẳng tìm đến anh làm gì.”

“Thế là sao?”

“Nếu mất trí nhớ thì anh đã phục hồi được rồi còn gì? Cho nên tôi rất muốn biết chuyện hôm qua là thế nào. Tôi đã đọc bút lục của các anh…”

“Sao lại thế được?” Tạ Nhất Bân kêu lên. “Sao họ có thể cho cô đọc bút lục của chúng tôi? Có hợp pháp không?”

“Không thể khác, vì họ ép tôi làm cố vấn tâm lý tội phạm cho vụ án này. Tôi muốn không đọc cũng không xong.” Na Lan xưa nay không thích thừa thắng lấn tới nhưng lúc này cô không nén được nữa. “Vậy tôi xin hỏi anh có muốn cùng tôi tham gia phá án không?”

“Cô nói đùa chắc? Cô và tôi? Sở Công an thiếu gì cảnh sát hình sự, chẳng lẽ họ ‘Nghiêm… nghỉ!’ và chờ hai người nghiệp dư vớ vẩn đi phá án? Tôi không thể bỡn cợt độc giả của mình được!” Tạ Nhất Bân nói thế thôi, thật ra anh đang khoái chí.

“Thế thì thôi vậy!” Na Lan đứng dậy. “Tôi nghĩ rằng mình làm cố vấn cho họ, sẽ có một số tư liệu khiến anh hứng thú… nhưng tôi đành tự làm vậy! Bây giờ tạm biệt.”

Cô bước ra đến cửa thì bị gọi giật lại, “Này, tôi có thể làm được việc gì?”

“Rất nhiều việc.” Na Lan biết, vừa rồi anh chàng này chỉ giả bộ kêu ca thế thôi, cô bèn quay lại, mỉm cười. “Trước hết tôi cần một người cùng tôi khai thác trí lực, cùng gợi mở cho nhau. Ví dụ, chúng ta nên đặt trọng tâm ở chỗ nào.”

“Hoặc nói là chúng ta nên đặt trọng tâm vào ai.” Tạ Nhất Bân đặt tờ giấy kia xuống bàn trà, Na Lan lại ngồi xuống. “Cô nhìn đi, đây là toàn bộ các mối quan hệ, rất phân tán rất lỏng lẻo, nhưng người liên quan chặt chẽ đến vụ cướp này là ông ta!” Tay Bân chỉ vào ba chữ “Đới Hướng Dương”.

Na Lan gật đầu, “Ông ta vừa khéo là người tương đối dễ điều tra… tin rằng cảnh sát cũng sẽ coi ông ta là chìa khóa. Nhưng chúng ta lại có ưu thế của mình.”

“Cô cứ tiếp thị đi, tôi nghe.”

“Sau vài lần hợp tác với Sở Công an, tôi hiểu rằng họ thừa nhân lực để xuất kích toàn diện, nhưng xuất kích toàn diện lại có nhược điểm là dễ bỏ sót một số chi tiết, hoặc chưa thể đi ngay vào các chi tiết. Chúng ta có thể tìm những chi tiết mà cảnh sát chưa chắc đã chú ý đến. Đây là ưu thế của chúng ta.”

“Cô thử ví dụ được không?” Tạ Nhất Bân chưa hình dung được đường hướng gì.

“Cảnh sát sẽ điều tra: trước khi vụ cướp xảy ra, Đới Hướng Dương làm ăn, mâu thuẫn, gây thù chuốc oán với những ai, người nào biết thứ chứa trong két sắt, ai trong số đó có thể nảy sinh động cơ chiếm hữu. Cảnh sát cũng rất dễ nắm được tình hình kinh tế của Đới Hướng Dương, những vấn đề nội bộ gia đình, các mối quan hệ nhân sự phức tạp trong công ty. Cái chi tiết mà tôi nói ở trên là… ví dụ ông ta thích ăn gì, thích thương hiệu nào, hay đọc sách gì, có bị trầm cảm, mất ngủ hay vấn đề thể chất nào không công khai không… Ngoài ra, chúng ta có thể tìm hiểu một số quy luật sinh hoạt của ông ta như, hay đến các hiệu ăn, khách sạn, hội quán nào… từ đó thu thập được các chi tiết nhỏ mà cảnh sát không thể nắm được qua thẩm vấn. À…” Na Lan sực nghĩ ra. “Đới Quyên cháu gái ông ta nói với cảnh sát rằng năm nào ông ta cũng đi nghỉ ở Đông Nam Á vài lần, nhưng cụ thể là ở đâu, gặp gỡ những ai? Tôi nghĩ rằng hiện giờ cảnh sát chưa thể cử người đi tìm hiểu các chi tiết như thế, nhưng chúng ta đánh du kích thì có thể.”

Tạ Nhất Bân hỏi, “Đội viên du kích như tôi làm được việc gì đây? Chắc cô còn có ý định gì khác? Tôi đoán mình chỉ là một chân chạy việc, và cô sẽ là chỉ huy?”

Na Lan mỉm cười, “Tôi cũng là chân chạy việc. Chúng ta đều là đội viên du kích, là tình nguyện viên, chứ không có mối quan hệ sếp và nhân viên. Anh cho tôi số đi?”

Tạ Nhất Bân lại kêu ca về chiếc di động cục cưng đã mất toi trong đám cháy hôm qua, đành mua một cái xấu xấu bẩn bẩn dùng tạm, rồi họ trao đổi tài khoản WeChat. Tạ Nhất Bân vươn cổ nhìn danh bạ của Na Lan, kinh ngạc, “Chà! Cô quảng giao thế, add cả những người bạn chung hoạn nạn như bọn tôi à!”

Na Lan nói, “Bạn chung hoạn nạn là duyên, nên trân trọng chứ! Tôi chưa nạp đủ số đâu, còn Kiến Vĩ và Hoa Thanh chưa có di động mới. Cả Cát Tam Lạc nữa, anh ta hễ nhìn thấy tôi là nhức đầu.”

Nghe tiếng chuông cửa, hai tên cướp (đã trốn khỏi hiện trường thành công) lo lắng nhìn nhau, rồi tắt phụt ti vi. Một tên nhòm qua mắt thần ở cửa, bị khách đứng ngoài đập cho một phát vào mắt thần, hắn sợ quá giật mình. Rồi khách cũng vào nhà.

Một trong hai tên nói, “Tao sợ chết khiếp! Đã nói là hôm nay đừng liên lạc, và coi như hai chúng tao đã bay hơi khỏi cõi trần gian kia mà? Ngoại trừ tình hình nguy cấp.”

Tên thứ hai, “Chắc là có tình hình nguy cấp. Có gay go không hả mày?”

Khách, “Đương nhiên nguy cấp, là chuyện sinh mạng.”

Cả hai tên cướp mặt nhăn như bị. Khách hỏi, “Tay nghề cũ, chúng mày vẫn làm được chứ?”

Một trong hai tên, “Đương nhiên. Cần gì nào?”

Khách, “Giết người!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.