Tiệc Báo Thù

Chương 20




Thật khó tưởng tượng một nhân vật giàu có như Đới Hướng Dương lại không lập di chúc. Di chúc của ông ta nằm ở chỗ các luật sư, nằm trong tay người thân tín hoặc cất trong két sắt ở nhà…

“Két sắt.” Đang cùng đồng nghiệp nghiên cứu vụ án, Khương Minh bỗng bật ra từ này. Ba Du Sinh cũng nghĩ như anh.

Nếu két sắt cất giữ di chúc, nếu mục tiêu của vụ cướp này là bản di chúc đó, thì nghi phạm phải là một trong số người nhà của Đới Hướng Dương, hoặc chí ít kẻ chủ mưu giấu mặt phải là người nhà ông ta.

Đới Hướng Dương có vợ và một con trai, đều sống ở Mỹ, người đang cận kề ông ta là cô cháu gái Đới Quyên, cháu rể là Yên Vệ Bình. Vợ và con Đới Hướng Dương có nhiều khả năng là người thừa kế, nhưng bọn họ và vợ chồng Đới Quyên hẳn đều muốn biết nội dung di chúc. Nhưng, lẽ nào chỉ vì muốn xem di chúc mà phải dùng vũ lực? Liệu Đới Hướng Dương có cất bản di chúc ấy trong két của hội quán bán công khai này không? Xem chừng không hợp logic. Huống chi, trước khi vụ cướp xảy ra, Đới Hướng Dương vẫn khỏe mạnh minh mẫn, dù ai đó lấy được bản di chúc thì có thể sửa đổi hay sao? Vô ích. Vì ông ta hoàn toàn có thể soạn lại một bản khác.

Có quá nhiều khả năng chồng chéo.

Nhưng may sao, nửa giờ sau vấn đề này đã được khơi thông: các trinh sát đã liên lạc được với luật sư của Đới Hướng Dương, di chúc của ông ta đang nằm trong két của văn phòng luật sư chứ không liên quan gì đến két sắt ở hội quán Tiêu Tương cả. Người thừa kế của Đới Hướng Dương sẽ nhanh chóng được làm rõ.

Vậy thì lúc này cần quan tâm đến báo cáo tiếp theo.

Những người đã chết, là ai?

Cảnh sát phải đối mặt với thách thức xác định nhân thân, nhất là người chết do cháy nổ. Ở các nước phát triển phương Tây, cảnh sát thường dựa vào tài liệu lưu trữ nha khoa, bởi trình độ y học cùng ghi chép về nha khoa khá hoàn chỉnh và được phổ cập. Nhưng ở Trung Quốc, ngay cả ở thành phố lớn như Giang Kinh này, ghi chép về nha khoa chưa thể là căn cứ để xác định nhân thân. Cũng may, Đới Hướng Dương có điều kiện chăm sóc y tế rất tốt, cảnh sát dễ dàng tìm đến bác sĩ nha khoa ở bệnh viện răng hàm mặt Tân An - Giang Kinh, họ đã đưa ra các phim X quang răng của ông ta.

Trùng khớp.

Nhân thân của Yên Vệ Bình cũng mau chóng được xác định. Anh ta khám cùng bệnh viện với Đới Hướng Dương.

Nhân thân của người chết thứ ba, vẫn là một câu hỏi không có chứng cứ, không có ghi chép nha khoa.

Cả hai cái xác trong két sắt cũng thế.

Đường Vân Lãng gọi điện báo cho Ba Du Sinh và các cảnh sát đang họp: rằng vẫn trong quá trình điều tra và thanh lý hiện trường, chưa gom đủ các bộ phận cơ thể của ba người chết trong đại sảnh, mà có lẽ không thể gom đủ. Hiện giờ thu được phần đầu và một số mảnh vụn, người thứ ba là nam giới, điều này chắc chắn rồi, còn lại thì mới chỉ là phỏng đoán.

Ví dụ, lứa tuổi.

Đường Vân Lãng nói, ít ra phải 60, thậm chí 65 tuổi.

Ba Du Sinh ngạc nhiên.

Anh tưởng mình nghe không rõ, bèn hỏi lại.

Đường Vân Lãng nói, “Xin lỗi, ở đây hơi ồn. Tôi đoán là 60 thậm chí 65 tuổi. Phải chờ pháp y và phòng thí nghiệm cho câu trả lời thì mới chính xác. Lúc này tôi chỉ nhìn diện mạo để phán đoán sơ bộ, đầu và mặt bị cháy không quá nghiêm trọng, có nhiều răng sâu răng hỏng, khó lòng là người trẻ tuổi, nên mới đoán người này đã đứng tuổi, cuộc sống cũng long đong.”

Ba Du Sinh chìm trong suy tư.

Điều này thật là kỳ lạ!

Qua các bút lục đã có, không hiểu sao anh và các cảnh sát cùng phân tích và nhất trí rằng: ba tên cướp dù đều bịt mặt nhưng cách nói năng và hành động chứng tỏ chúng đều là thanh niên hoặc trung niên là cùng, kể cả tên đã chết trong vụ nổ, sao bây giờ lại mọc ra một ông già sáu mươi?

“Anh Lãng, chiều cao thì sao?” Ba Du Sinh hỏi.

Đầu dây bên kia hơi ngập ngừng. “Căn cứ vào độ dài cánh tay, đôi chân, đoán rằng người này tương đối cao, gầy, rất có thể là người miền Bắc.”

Khương Minh nhìn Ba Du Sinh, xòe tay lè lưỡi tỏ vẻ khó hiểu: lúc nãy thì nói chỉ có một kết luận chắc chắn là về giới tính thôi, bây giờ lại nhìn đống thi thể tan nát mà nhận ra người miền Bắc! Như thể nhìn thấy vẻ mặt của Khương Minh qua sóng vô tuyến, Đường Vân Lãng giải thích, “Điều này phải cảm ơn Cát Sơn, từ dạ dày người chết… cái bụng bị nổ tung… Các cậu có dám nghe tiếp không?”

Ba Du Sinh, “Bọn tôi chịu đựng được tất! Anh cứ nói đi!”

“Bụng toác, dạ dày văng ra ngoài, Cát Sơn rạch nó ra. Trong đó có đủ thứ: hải sản, nấm thảo, điều thú vị là còn có cả một miếng bánh bột chưa kịp tiêu hóa, bánh kê hoặc bánh ngô, vì thế tôi đoán là người miền Bắc. Đoán vậy thôi, chứ chưa thể kết luận.”

Vậy là một tay cao và gầy, người miền Bắc, có khả năng là tên cướp C.

Nhưng rõ ràng là Đường Vân Lãng từ hiện trường đang bề bộn đã đưa ra mấy câu thông báo rất đặc sắc, nhất là câu cuối cùng, khiến mọi người đang ngồi họp phải kinh ngạc.

“Chưa hết đâu. Áo người này đã cháy quá nửa nhưng vẫn nhận dạng được, là loại jacket nilon màu ghi giá 16 đồng bán đầy vỉa hè, càng củng cố phán đoán hắn ta đang sống rất chật vật. Quần vải màu xanh, còn đôi giày thì đã cháy hết…” Đường Vân Lãng ngập ngừng, chừng như nhận ra bầu không khí ngạc nhiên ở phòng họp. “Tôi biết các cậu đang nghĩ gì. Đúng thế: người này không phải tên cướp bịt mặt, mặc đồ đen mà các con tin nhắc đến.”

Khoảng ba tiếng bốn mươi lăm phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.

Tại sao các con tin đều nói tên cướp bịt khăn đen, mặc đồ đen?

Hay là vải đen đã cháy hết, lộ ra áo quần bên trong?

Một tên cướp định chạy trốn, chỉ cần hơi có chút kinh nghiệm sẽ không mặc đồng phục màu đen để phóng đi khắp đường ngang ngõ dọc, vì rất dễ gây chú ý. Hắn cần nhanh chóng trút bỏ bộ đồ đen, tốt nhất là mặc sẵn bên trong một bộ thường phục, khi cần thiết sẽ cởi phăng bộ đồ đen ra là xong. Trong vụ này, nếu lửa đốt mất bộ đồ đen mặc ngoài thì hắn đương nhiên sẽ lộ “nguyên hình”.

Ba Du Sinh và các đồng nghiệp còn chưa kịp nghĩ kỹ về tình tiết kỳ quái mà Đường Vân Lãng vừa cho biết, thì một nữ cảnh sát đã bước vào nói nhỏ với Ba Du Sinh: người nhà của Đới Hướng Dương đến.

Ba Du Sinh chỉ hơi hơi kinh ngạc vì cái thông tin này, ý nghĩ đầu tiên nảy ra là: vợ con Đới Hướng Dương đang ở Mỹ kia mà? Nhưng anh lại nhớ ra: Đới Quyên.

Cảnh sát đã xác định Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình tử vong, xác và các mảnh vụn thi thể đã đưa đến Trung tâm Giám định Pháp y của Sở Công an, anh không biết Sở đã thông báo với Đới Quyên chưa, nhưng vụ cướp hội quán Tiêu Tương xôn xao rầm trời như thế, dù cấp trên có dặn dò chiến sĩ giữ kín như bưng thì tin tức đồn đại suy đoán vẫn cứ bay đến tai giới truyền thông, Đới Quyên sẽ nắm được đầy đủ thậm chí quá nhiều thông tin, trừ phi cô ta đang sống trong môi trường… chân không!

Huống chi, Lương Tiểu Đồng là người hùn vốn với Đới Hướng Dương, tất nhiên rất biết Đới Quyên, anh ta không thể không gọi điện báo cho cô ta một câu.

Ba Du Sinh để Khương Minh tiếp tục chủ trì cuộc họp, tổng hợp kết quả điều tra, nhắc Khương Minh hỏi thêm các cán bộ đang khám nghiệm hiện trường. Rồi anh vội vã bước ra ngoài.

Ba Du Sinh rời buồng bệnh được một lúc thì Na Lan ngồi dậy, ra khỏi giường.

Hôn mê quá lâu, ngủ quá lâu, thức ngủ lơ mơ cũng quá lâu, bị “giam” ở phòng ICU và bị nằm giường khiến chứng nhức đầu từng cơn lại càng thêm nặng. Cô cần hít thở không khí tự nhiên trong lành, cần có những hoạt động kích thích một chút.

May mà lúc này bác sĩ Trương Lỗi không có mặt trong buồng hay ngoài cửa, nếu không chị sẽ gay gắt bắt cô quay lại nằm nghỉ. Rõ ràng hôm nay là ngày bận rộn nhất trong tháng Năm của phòng hồi sức ICU, các y tá đi qua đi lại tất bật không để ý đến Na Lan, nhưng cô không qua được đôi mắt của một nữ cảnh sát xinh đẹp ở hành lang.

“Thủ trưởng Ba Du Sinh đã dặn dò: tuyệt đối không để chị đi lại lung tung.” Nữ cảnh sát ngồi ghế nhựa ở hành lang đứng dậy, cô còn quá trẻ, cứ như học trò cấp 3, khuôn mặt phinh phính với cái mũi xinh xinh và dù không cần mỉm cười cũng có hai lúm đồng tiền trên má. Na Lan nhớ rằng Ba Du Sinh gọi cô ta là Dương.

“Tôi không đi lung tung đâu!” Na Lan mỉm cười. “Cô đi cùng tôi được không?”

“Tôi không được rời vị trí. Trái lời sếp thì tôi chỉ có chết.”

Na Lan đành nói ngọt “dụ dỗ” vậy, “Quả thật là không thể nằm lỳ trong đó mãi, đầu nhức kinh khủng, tôi phải đi dạo một lúc mới ổn. Cô cứ đi kèm tôi, chúng ta ra sân một lát. Cô có máy bộ đàm, tôi trốn đi đâu được?”

Dương hơi do dự nhưng rồi cũng đồng ý, “Nhưng chỉ đi trong sân bệnh viện thôi.”

Na Lan mừng rỡ, “Cảm ơn cô! Nếu anh Ba Du Sinh trách cô, tôi sẽ phản công cho!”

Cả hai vừa trò chuyện vừa ra khỏi phòng ICU, rồi tiến về phía cổng khu cấp cứu. Dương hỏi, “Ta đi đâu bây giờ?”

Na Lan buột miệng, “Đến ban chuyên án của các cô.”

Dương nhăn nhó, “Thế thì không xong rồi! Tôi vừa ở đó hai tiếng đồng hồ để ghi bút lục, xoay xở mãi mới kiếm được chân giám sát phần tử xấu nhà chị, giờ quay về đó hay sao?”

Na Lan thuyết phục, “Đến đó, ít ra chúng ta vẫn an toàn, đến tận chỗ làm việc của cảnh sát thì không ai trách nói là chúng ta ‘đi lại lung tung’, đúng chưa?

Dương bỗng nghĩ ra, “Hiểu rồi. Chị rỗi quá không chịu nổi, muốn đến đó giúp đội trưởng Ba Du Sinh làm việc, đúng không? Xem ra, những lời đồn đại ở Sở Công an về chị đều không sai.”

Na Lan ấm ức, “Chắc là bị tô vẽ ghê lắm đây! Mỗi lần làm việc, đều do anh Ba Du Sinh ép buộc đấy chứ. Lần này cũng thế, vì tôi chứng kiến vụ cướp. Nhưng tôi lại không nhớ nổi các tình tiết.”

Dương cười tinh quái, “Chị muốn đến để đọc các bút lục chứ gì? Trong đó sẽ có nét chữ thanh thanh của tôi. Nhưng tôi không có quyền đưa chị đọc, mà phải đợi sếp Ba phê chuẩn. Hình như các anh ấy đang hoàn tất thủ tục chính thức mời chị làm cố vấn… Lúc nãy anh ấy vào buồng bệnh, chị không nói gì với anh ấy à?”

“Có nói.”

“Anh ấy bảo sao?”

Na Lan cũng đáp lễ bằng nụ cười tinh quái, “Anh ấy vận dụng sở trường… im lặng, không nói gì hết!”

“Thế thì…” Dương định nói “tức là chị bị từ chối” nhưng cô bỗng hiểu ra, “Chị mới tỉnh lại, vừa được đưa về thì đầu óc vẫn lơ mơ, tất nhiên anh ấy chưa thể ừ được. Bây giờ chị đến tận nơi, chứng tỏ mình đã ổn rồi, ai nỡ đuổi chị ra? Anh ấy sẽ phải nghĩ lại và chấp nhận chị.”

Na Lan tủm tỉm, “Phức tạp như vậy tôi đâu có nghĩ nổi? Trực giác mách bảo, nếu mình cứ đến thì có nhiều khả năng anh ấy sẽ đồng ý.”

Dương dẫn Na Lan vào tòa nhà hành chính của bệnh viện, đang định đi lên ban chuyên án trên tầng hai thì phía sau có người gọi, “Xin hỏi, tôi muốn tìm đội trưởng Ba Du Sinh…”

Một người phụ nữ thanh tú, tuổi ngoài ba mươi, nếu không vì vẻ mặt ủ rũ mệt mỏi thì có lẽ không ai nghĩ là đã đến ngần ấy tuổi, mái tóc ngắn vào nếp gọn gàng, khuôn mặt trắng trẻo sáng sủa, hài hòa cân đối, làn da mịn màng, đôi mắt hơi đỏ, chắc là vừa mới khóc. Na Lan cảm thấy cô ta trông quen, hoặc chí ít cũng đoán ra cô ta là ai.

“Anh ấy đang rất bận, hôm nay không có lấy một phút rỗi rãi. Chị ở đâu? Cần gặp anh ấy về việc gì?” Dương cố ý nhấn mạnh công việc nhưng cũng cảm thấy bùi ngùi trước vẻ u buồn của cô ta.

“Tôi… tôi muốn được biết tin chính xác… về vụ nổ ở hội quán Tiêu Tương… tôi là Đới Quyên, tôi là…”

“Chị chờ một lát nhé!” Không cần Đới Quyên nói thêm, Dương đã biết mình nên làm gì. Cô nói với Na Lan, “Chị cũng chờ một lát.” Rồi cô rảo bước lên gác.

Na Lan và Đới Quyên nán lại ở đầu cầu thang. Na Lan tươi cười nhìn người mới đến, nhưng thấy ánh mắt cô ngập nỗi lo âu, bèn cúi đầu không nỡ nhìn. Bầu không khí chợt nặng nề và buồn bã. Na Lan dù cố nén không nghĩ ngợi thì vẫn cảm nhận được nỗi u buồn của một con người bỗng dưng mất đi hai người thân.

Và còn cảm thấy Đới Quyên rất nghị lực vì vẫn có thể đứng ở đây.

Cô bỗng nhận ra mình không xứng là một người làm về tâm lý học. Sao lúc này mình không thể nói gì đó, an ủi, động viên người phụ nữ này chia sẻ tâm tư? Cô lại nhìn sang, đón gặp ánh mắt Đới Quyên, mỉm cười và cố thể hiện sự thông cảm. Nhưng cô không biết diễn xuất, đành chỉ bộc lộ tấm lòng một cách tự nhiên. Đới Quyên bỗng hỏi, “Cô là Na Lan phải không?”

“Vâng. Chúng ta quen nhau hay sao?” Có lẽ cảm giác đã từng quen nhau không phải bỗng dưng mà có.

Đới Quyên lắc đầu, “Chưa. Hôm nay mới gặp lần đầu… Cù Đào nói… Cù Đào phụ trách quầy tiếp tân của Tiêu Tương, cho tôi biết… cô cũng có mặt ở lầu chính và cũng trải qua… vụ việc đáng sợ ấy. Nhưng cô vẫn ổn, tôi mừng cho cô.” Nói đến chữ “mừng”, Đới Quyên trào nước mắt.

Đúng thế, mình có vẻ vẫn ổn. Còn chị ấy đã mất những hai người thân.

Nhưng chị vẫn chưa nói tại sao chị lại biết tôi?

Thắc mắc này nhanh chóng được giải đáp.

Ba Du Sinh đã xuống cầu thang, chạy lại nắm chặt tay Đới Quyên và gật đầu với Na Lan.

Dương chạy theo sau anh, hỏi, “Em đưa Na Lan lên trước nhé?”

“Cảm ơn.” Na Lan đã sẵn ý định khác. “Chúng ta cùng nói chuyện, được không?”

Đới Quyên hơi ngạc nhiên, nhìn Ba Du Sinh, “Được, nếu anh Ba Du Sinh đồng ý… Thật ra tôi chỉ muốn hỏi tình hình của chú tôi và chồng tôi…”

Ba Du Sinh gật đầu, “Đương nhiên là được. Và tôi cũng muốn hỏi cô mấy câu, không phải là thẩm vấn. Nếu cần ghi bút lục, chúng tôi sẽ hẹn sau.”

Dương và Na Lan đi trước, Dương nói, “Chị nói đúng: anh Ba Du Sinh bằng lòng để chị đọc các bút lục. Hợp đồng tư vấn cố vấn sẽ soạn sau.”

Na Lan phấn khởi, “Tốt quá rồi! Nói chuyện xong tôi sẽ lên đọc.”

Dương dẫn cả ba người đến một gian nhỏ mượn tạm của bệnh viện làm phòng thẩm vấn. Rồi cô khép cửa lại, bước ra ngoài.

Cả ba ngồi xuống, ngồi quanh bàn chứ không ngồi đối diện như kiểu thẩm vấn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.