Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 095




HỒI 95

Mã Tốc trái lệnh mất Nhai Đình;

Võ Hầu gảy đàn đuổi Trọng Đạt.

Ngụy chủ Tào Tuấn sai Trương Cáp làm tiên phong theo Tư Mã Ý, một mặt sai Tân Tỷ, Tôn Lễ, hai người dẫn năm vạn quân ra giúp Tào Chân. Hai người vâng lệnh ra đi.

Tư Mã Ý dẫn hai chục vạn quân ra cửa ải hạ trại, mời Trương Cáp đến dưới trướng bàn định rằng:

- Gia Cát Lượng bình sinh cẩn thận, không giám hấp tấp làm việc gì. Nếu phải tay ta dùng binh, thì trước hết ra hang Tí Ngọ, đến tắt Trường An, thì lấy được đã lâu rồi. Hắn không phải là vô mưu, chỉ vì không giám làm liều đó thôi. Nay hắn phải đem quân ra Tà Cốc, lại lấy My thành, nếu lấy My thành, tất chia binh làm hai đường, một đường lại lấy Cơ Cốc. Ta đã đưa hịch sai Tử Đan giữ vững My thành, giặc đến không nên ra đánh. Lại sai Tôn Lễ, Tân Tỷ chặn giữ cửa hang Cơ Cốc, hễ quân địch đến, thì kéo quân bất ngờ ra mà đánh.

Cáp hỏi:

- Nay đô đốc tiến binh lên mặt nào?

Ý nói:

- Ta vốn biết mé tây núi Tần Lĩnh, có một con đường gọi là Nhai Đình. Cạnh đó, có thành Liệt Liễu. Hai xứ ấy đều là cổ họng đất Hán Trung. Gia Cát Lượng khinh Tử Đan không phòng bị, tất từ con đường ấy tiến sang. Nay ta cho người đến tắt đó cướp lấy Nhai Đình, nhìn thẳng về ải Dương Bình không bao xa nữa. Gia Cát Lượng nếu biết ta chẹn mất đường cốt yếu, nghẽn lối vận lương, thì một miền Lũng Tây không sao giữ vững được, tất phải rút ngay về Hán Trung. Nếu hắn rục rịch rút lui ta đem quân lẻn ra các đường nhỏ mà đánh, chắc sẽ được to. Nếu hắn không về, ta chặn lấp hết các đường nhỏ các nơi, chỉ trong một tháng thì quân địch cạn lương, phải chết đói cả. Gia Cát Lượng chắc bị ta bắt không sai.

Trương Cáp nghe ra, lạy phục xuống đất, nói:

- Đô đốc thực mưu kế như thần.

Ý nói:

- Tuy vậy Gia Cát Lượng không ví như Mạnh Đạt đâu, tướng quân làm tiên phong chớ nên khinh tiến, phải truyền cho các tướng men theo mé tây núi, xa xa mà dò thám, không thấy quân phục, sẽ tiến binh lên! Nếu coi thường, Trễ nải, tất mắc phải mẹo ngay đấy!

Trương Cáp vâng lời, dẫn quân đi.

Khổng Minh đang ở trong trại Kỳ Sơn, sực có thám mã ở Tân Thành về báo rằng:

- Tư Mã Ý đi gấp đường đất, tám ngày đã đến Tân Thành. Mạnh Đạt chưa kịp giở trò gì, lại bị Thân Đam, Thân Nghi, Lý Phụ, Đặng Hiền làm nội ứng, bởi thế đã bị giết chết. Nay Tư Mã Ý rút quân về Trường An cùng với Trương Cáp kéo lại cự nhau với ta.

Khổng Minh giật mình, nói:

- Mạnh Đạt mưu việc không cẩn thận chết đã đành rồi. Nhưng nay Tư Mã Ý ra cửa ải, tất lại chặn mất yếu đạo Nhai Đình của ta. Các ngươi có ai dám dẫn quân ra giữ Nhai Đình không?

Mã Tốc xin đi.

Khổng Minh nói:

- Nhai Đình tuy nhỏ, nhưng rất hệ trọng. Nếu lỡ ra để mất thì đại quân của ta đều vứt đi cả đó. Ngươi tuy biết thao lược, nhưng ở đó không có thành quách hiểm trở gì, thực khó giữ đấy!

Mã Tốc nói:

- Tôi từ thuở nhỏ thuộc làu binh thư, thông hiểu binh pháp, không giữ nổi một xứ Nhai Đình hay sao?

Khổng Minh nói:

- Tư Mã Ý không phải là tay tầm thường, lại có danh tướng Trương Cáp làm tiên phong. Ta e ngươi không địch nổi.

Mã Tốc nói:

- Không kể Tư Mã Ý, Trương Cáp làm chi, cho đến cả Tào Tuấn đến, cũng không ngại gì! Nếu có lầm lỡ, cả nhà tôi xin chịu tội.

Khổng Minh nói:

- Trong quân không phải là việc bỡn!

Mã Tốc nói:

- Tôi xin lập quân lệnh trạng.

Khổng Minh nghe lời, bắt Mã Tốc làm giấy cam kết, rồi bảo rằng:

- Ta cho ngươi hai mươi nhăm vạn tinh binh và một thượng tướng đi giúp đỡ nhà ngươi.

Bèn gọi Vương Bình lại dặn rằng:

- Ta vốn biết ngươi xưa nay cẩn thận, vậy ủy thác cho việc to này, ngươi phải hết lòng gìn giữ cho cẩn thận, Hễ hạ trại, phải tìm chỗ hiểm yếu, khiến quân giặc không đi lọt được. Hạ xong trại, phải vẽ địa đồ cả bốn bề tám mặt, đem về cho ta coi. Phàm việc gì, phải thương lượng cùng nhau mà làm, không nên coi thường. Nếu giữ được xứ ấy chắc chắn, thì là công thứ nhất ta lấy Trường An đó.

Hai người lạy từ, dẫn quân đi. Khổng Minh sợ hai người ấy sơ suất gì chăng bèn gọi Cao Tường đến dặn rằng:

- Mé đông bắc Nhai Đình, có một tòa thành gọi là Liệt Liễu, đó là một lối nhỏ trong xó núi, nên đóng quân lập đồn. Ta cho ngươi một vạn quân ra đó mà đóng, hễ Nhai Đình nguy cấp thì đổ đến mà cứu.

Cao Tường dẫn quân đi.

Khổng Minh lại nghĩ Cao Tường không phải đối thủ với Trương Cáp, phải có một viên đại tướng đóng ở mé dưới Nhai Đình mới có thể giữ được. Bèn sai Ngụy Diên đem quân đóng đồn ở mé sau Nhai Đình.

Diên nói:

- Tôi làm tiền bộ, lẽ lên cho đi trước phá giặc mới phải, sao lại cho vào ngồi chỗ rảnh thế này?

Khổng Minh nói:

- Đi trước phá giặc, là việc của tướng nhỏ. Nay sai ngươi ra tiếp ứng Nhai Đình, chặn đường yếu cửa Dương Bình, để giữ vững cổ họng Hán Trung. Đó là việc to, sao gọi là nhàn rảnh được? Ngươi chớ coi thường mà làm lỡ việc lớn của ta. Ngươi phải ghi lòng để dạ mới được.

Ngụy Diên mừng rỡ kéo quân đi.

Khổng Minh bấy giờ mới hơi vững dạ, gọi Triệu Vân, Đặng Chi vào dặn rằng:

- Nay Tư Mã Ý cầm quân, so với trước kia khác nhiều. Hai người, mỗi người dẫn một toán quân ra hang Cơ Cốc để làm nghi binh. Nếu gặp quân Ngụy, hoặc đánh, hoặc không đánh, để cho giặc hồ nghi, không biết đâu mà lần. Còn ta sẽ mang đại quân, từ hang Tà Cốc đến tắt lấy My Thành. Nếu được My Thành thì Trường An cũng phá xong.

Hai người vâng lời, dẫn quân đi.

Khổng Minh sai Khương Duy làm tiên phong kéo ra Tà Cốc.

Mã Tốc, Vương Bình dẫn quân đến Nhai Đình; xem xong địa thế, Tốc cười nói:

- Thừa tướng cả lo quá chừng! Một chỗ xó núi hẻm này, quân Ngụy đâu dám đến mà sợ!

Vương Bình nói:

- Tuy quân Ngụy không dám đến, nhưng ta nên cắm trại giữ con đường ngã năm này.

Tốc nói:

- Giữa đường không phải chỗ hạ trại; gần đây có một trái núi, bốn mặt liên tiếp với nhau, lại có cây cối, rộng rãi. Thật là trời cho ta chỗ hiểm trở này, nên đóng đồn trên đó thì hơn.

Bình nói:

- Tham quân nghĩ sai mất rồi! Nếu đóng ở giữa đường, đắp nên thành lũy, dẫu quân giặc có mười vạn, cũng không sao đi qua được. Nay nếu bỏ chỗ yếu đạo này, đóng quân ở trên núi, ví dụ quân Ngụy kéo đến vây kín bốn mặt thì cứu làm sao?

Tốc cười nói:

- Thực là kiến thức đàn bà! Binh pháp dạy rằng: “Đứng trên cao trông xuống dưới mà đánh, dễ như chẻ tre”. Nếu quân Ngụy đến đây, ta đánh cho một mống cũng không về được.

Bình nói:

- Tôi đi theo thừa tướng đi đánh trận đã nhiều, mỗi khi đến đâu, ngài đều chỉ bảo cho. Nay tôi coi núi này là chỗ tuyệt địa. Nếu quân Ngụy chặn mất đường lấy nước ăn uống thì quân ta chẳng phải đánh cũng rối bét.

Tốc nói:

- Chớ nói càn. Tôn Tử có câu: “Bỏ vào đất chết rồi mới sống”. Nếu quân Ngụy chặn đường lấy nước, quân Thục tất nhiên phải liều chết mà đánh. Một người sẽ địch nổi trăm người. Ta học binh thư chán ra rồi đây. Thừa tướng mọi việc còn phải hỏi đến ta, sao ngươi cứ ngang ngạnh làm vậy?

Bình nói:

- Có phải tham quân muốn đóng trên núi thì chia cho tôi nửa quân, để lập một trại nhỏ ở dưới mé tây núi, làm thế ỷ giốc. Nếu quân Ngụy đến, còn có thể cứu nhau được.

Mã Tốc không nghe. Bỗng đâu cư dân trong núi, từng đàn từng lũ chạy đến báo tin quân Ngụy đã tới nơi. Vương Bình muốn đi ngay lập tức. Mã Tốc nói:

- Có phải ngươi không nghe lời ta, thì cho ngươi năm nghìn quân ra đó mà lập trại. Khi phá xong quân Ngụy, đến trước mặt thừa tướng, đừng hòng chia công của ta đấy!

Vương Bình dẫn quân cách núi mười dặm hạ trại, rồi vẽ sơ đồ sai người đi kíp báo với Khổng Minh, thuật chuyện Mã Tốc tự ý cắm trại trên núi.

Tư Mã Ý ở trong thành, sai con thứ là Tư Mã Chiêu đi trước do thám tình hình, nếu Nhai Đình có phòng bị rồi thì đóng quân lại không tiến vội. Tư Mã Chiêu phụng mệnh đi thám một hồi, về báo rằng:

- Ở Nhai Đình có quân giữ rồi.

Ý than rằng:

- Gia Cát Lượng thực là thần nhân, ta không bằng được!

Chiêu cười, nói:

- Phụ thân cớ sao lại ngã lòng làm vậy? Con chắc rằng Nhai Đình lấy dễ như bỡn.

Ý nói:

- Mày sao dám nói khoác như thế?

- Con đã đến xem tận nơi, thấy ở giữa đường, không có đồn ải nào, chỉ thấy quân đóng cả ở trên núi, cho nên biết là dễ phá.

Ý mừng, nói:

- Nếu quân Thục đóng cả ở trên núi, thì là trời cho ta thành công đây!

Bèn thay áo, dẫn hơn trăm kị, thân hành đến xem. Đêm hôm ấy, trời lạnh, trăng sáng, Ý đến thẳng dưới núi, đi xung quanh xem khắp một lượt, mới về.

Mã Tốc ở trên núi, trông thấy cười, rằng:

- Số mày còn sống, thì chớ có đến vây núi mà lỡ!

Liền truyền lệnh cho các tướng rằng:

- Hễ có quân đến vậy núi, cứ nhìn lên đỉnh lúc nào thấy phất cờ lá cờ đỏ thì bốn mặt đổ xuống mà đánh.

Tư Mã Ý về trại, sai người dò xem tướng giữ Nhai Đình là ai. Người do thám báo rằng:

- Tướng giữ Nhai Đình tên là Mã Tốc, em Mã Lương.

Ý cười, nói:

- Đồ ấy chỉ có hư danh, chớ tài thì tầm thường lắm. Khổng Minh dùng người ấy, làm gì chẳng lỡ việc!

Ý lại hỏi ở cạnh Nhai Đình có quân nào nữa không.

Thám mã bẩm:

- Ở mé tây núi ấy mười dặm, có Vương Bình cắm trại ở đó.

Ý mới sai Trương Cáp giữ chặn đường Vương Bình đến cứu. Lại sai Thân Đam, Thân Nghi dẫn hai đạo quân vây núi, trước hết chẹn đường ra lấy nước, đợi cho quân Thục rối loạn rồi mới đánh.

Mã Tốc ở trên núi trông ra, thấy quân Ngụy đặc ngàn man dã, tinh kì đội ngũ rất là nghiêm chỉnh. Quân Thục rụng rời hết vía, không ai dám xuống núi. Mã Tốc ngồi trên đỉnh núi, phe phẩy lá cờ đỏ, quân tướng chỉ nhìn nhau đưa đẩy, không ai nhúc nhích. Tốc nổi giận, chém luôn hai tướng. Quân sĩ sợ hãi, phải cố sức ào xuống núi. Nhưng xuống đến nơi, thấy quân Ngụy vẫn đứng vững, không động đậy, lại vội vã chạy trở lên. Mã Tốc thấy việc không xong, sai quân giữ vững cửa trại, chỉ còn chực quân ngoài đến cứu.

Vương Bình thấy quân Ngụy đến vây núi, mang quân lại cứu, bị Trương Cáp đánh chặn lại, Bình ít quân, địch không nổi, phải rút về.

Quân Thục bị vây từ giờ Thìn đến mãi giờ Tuất ở trên núi không có nước, quân sĩ đói khát, trong trại nháo nhác. Đến nửa đêm, quân Thục ở mé nam mặt núi, mở toang cửa trại xuống hàng Ngụy. Mã Tốc quát ngăn lại cũng không được. Tư Mã Ý lại sai người đốt lửa xung quanh núi, quân sĩ lại càng rối loạn lắm. Mã Tốc biết thế giữ cũng chẳng được, phải dắt tàn binh liều chết đánh xuống mé tây núi mà tháo đường chạy. Tư Mã Ý mở đường cho Mã Tốc chạy thoát. Trương Cáp dẫn một đạo quân đuổi theo, ước ba chục dặm, bỗng thấy mé trước mặt trống đánh, tù và thổi rầm rĩ, rồi một toán quân chạy đến, để cho Mã Tốc đi khỏi, lại chặn đường đánh nhau với Trương Cáp. Cáp trông ra là Ngụy Diên, liền quay binh chạy trở về. Diên thừa thế đuổi theo, lại cướp được Nhai Đình, đuổi hơn năm chục dặm nữa, quân phục ở đâu hai bên reo ầm cả lên, tả Tư Mã Ý, hữu Tư Mã Chiêu, lẻn ra phía sau lưng Ngụy Diên đánh ập lại. Trương Cáp cũng quay binh đánh vào: Ngụy Diên xông xáo không sao ra được. Đang khi nguy cấp, may có Vương Bình dẫn một toán quân xông vào đánh cứu. Diên mừng, nói:

- Thôi, ta lại được sống rồi!

Hai tướng hợp binh làm một, đánh rát một trận quân Ngụy mới chịu lui. Hai tướng vội vàng về trại. Đến nơi, đã thấy toàn cờ hiệu quân Ngụy. Thân Đam, Thân Nghi tự trong trại đánh ra. Vương Bình, Ngụy Diên lại chạy về thành Liệt Liễu, đến với Cao Tường. Bấy giờ, Cao Tường nghe tin mất Nhai Đình, bèn cất hết quân ở Liệt Liễu đến cứu. Nửa đường gặp Diên, Bình hai tướng thuật lại sự việc. Cao Tường nói:

- Đêm hôm nay ta đến cướp trại Ngụy, để lấy lại Nhai Đình.

Chiều hôm ấy, quân Thục chia làm ba đường. Ngụy Diên dẫn quân đi trước, đến thẳng Nhai Đình, không thấy một người nào; Diên nghi lắm, không giám tiến vội, phải đóng quân ở cửa ô bên đường, chờ xem làm sao. Một lát, thấy Cao Tường đến. Hai người bàn bạc với nhau, không biết quân Ngụy ở chỗ nào, mà cũng chẳng thấy Vương Bình đến. Đang ngần ngừ chưa biết nghĩ sao, bỗng một tiếng pháo nổ, lửa sáng rực trời, trống đánh chuyển đất, quân Ngụy ào ào kéo ra, vây chặt Ngụy Diên, Cao Tường vào giữa trận. Hai người hết sức xông xáo, không sao thoát ra được. May lại được Vương Bình dẫn quân từ bên sườn núi xông vào đánh cứu, mới cùng nhau chạy về thành Liệt Liễu. Gần đến nơi, lại thấy một toán quân kéo đến, trên cờ hiệu đề mấy chữ; “Ngụy đô đốc Quách Hoài”.

Nguyên là Quách Hoài bàn nhau với Tào Chân, sợ Tư Mã Ý không lập nổi công to, nên cùng nhau đem quân đến đánh Nhai Đình. Đến nơi thấy Tư Mã Ý, Trương Cáp đã lấy được rồi, bèn dẫn quân tắt sang thành Liệt Liễu. Vừa gặp ba tướng Thục chạy về, hai bên đánh nhau to một trận, quân Thục tổn hại rất nhiều. Ngụy Diên lo ải Dương Bình sơ suất gì chăng, mới cùng nhau kéo cả về giữ.

Quách Hoài thu quân, mừng rỡ bảo với các tướng rằng:

- Ta tuy không lấy được Nhai Đình, nhưng cướp được thành Liệt Liễu Này, cũng là một công to.

Nói đoạn, dẫn binh đến dưới thành gọi cửa. Bỗng trên thành nổ một tiếng pháo, cờ quạt dựng lên răm rắp. Trên lá cờ to có đề mấy chữ “ Bình Tây đô đốc Tư Mã Ý”.

Tư Mã Ý, ngồi trên chòi cao, cười ầm lên rằng:

- Quách Bá Tế lại đây sao chậm chạp thế?

Quách Hoài giật mình, nói:

- Trọng Đạt tai quái thật, ta chịu không bằng!

Liền vào thành ra mắt Tư Mã Ý.

Ý nói:

- Nay Nhai Đình đã lấy được rồi, Gia Cát Lượng tất nhiên phải chạy. Ông nên trở về, cùng với Tử Đan đuổi theo quân Thục mà đánh.

Quách Hoài nghe lời, trở ra về.

Y gọi Trương Cát bảo rằng:

- Tử Đan, Bá Tế sợ ta lập được công to, cho nên cũng lại cướp Thanh Trì. Ta không muốn thành công một mình làm gì, cũng là bỡ ngỡ may gặp đó thôi. Ta chắc Ngụy Diên, Vương Bình, Mã Tốc, Cao Tường đã về giữ ải Dương Bình rồi. Nếu ta đến lấy ải ấy, Gia Cát Lượng theo sau chụp đánh quân ta, lại hóa ra ta mắc mẹo mất. Binh pháp có nói: “Quân chạy về chớ đuổi, giặc túng thế chớ theo”. Ngươi nên đi men đường nhỏ, lẻn ra hang Cơ Cốc mà tiến binh. Ta dẫn quân đến cự quân giặc ở hang Tà Cốc. Nếu giặc thua chạy, ta cũng không nên đuổi quá, cứ chặn nửa đường mà đánh, tất cướp được nhiều lương thảo.

Trương Cáp theo lời, dẫn một nửa quân đi. Tư Mã Ý hạ lệnh cho quân theo đường Tây Thành, ra hang Tà Cốc. Tây Thành tuy là một huyện nhỏ trong xó núi, nhưng là chỗ quân Thục chứa lương và là đầu mối của ba quân Nam An, Thiên Thủy, An Định. Nếu được thành ấy, ba quận kia cũng lấy xong. Vì thế, Ý để Thân Đam, Thân Nghi ở lại giữ thành Liệt Liễu, rồi dẫn đại quân kéo đi.

Nói về Khổng Minh, từ khi sai Mã Tốc ra giữ Nhai Đình trong bụng vẫn áy náy không yên. Chợt có Vương Bình sai người mang bản địa đồ đến. Khổng Minh ngồi trên kỉ mở ra xem, bỗng đập tay xuống án, thất kinh mà rằng:

- Mã Tốc không biết gì, làm hại mất quân ta rồi!

Tả Hữu hỏi làm sao, Khổng Minh nói:

- Ta xem trong đồ bản này Tốc bỏ mất đường hiểm yếu, mà đem lập trại trên núi. Ví dù quân Ngụy kéo đến, bốn mặt vây núi, chặn mất đường lấy nước của ta, thì không đầy hai ngày, quân sĩ tự nhiên nhốn nháo cả. Nếu Nhai Đình mất, ta biết về đâu bây giờ?

Trưởng sử Dương Nghi thưa Rằng:

- Tôi tuy bất tài cũng xin ra thay cho Mã Ấu Thường.

Khổng Minh bèn dặn dò Dương Nghi các phép lập trại. Dương Nghi sắp sửa đi, thì có tin về báo rằng:

- Nhai Đình và Liệt Liễu mất cả rồi!

Khổng Minh giẫm chân xuống đất, than rằng:

- Việc to hỏng mất, đó thật là lỗi của ta!

Vội vàng gọi Quan Hưng, Trương Bào vào dặn rằng:

- Hai ngươi, mỗi người dẫn ba nghìn tinh binh, lẻn theo đường nhỏ núi Võ Công, nếu gặp quân Ngụy, không nên ra chống chỉ đánh trống hò reo, tự khắc nó phải sợ mà chạy. Đợi khi quân ta rút hết rồi các ngươi sẽ vào cửa Dương Bình mà về.

Lại sai Trương Dực đi trước, sửa sang cửa Kiếm Cát để dự bị đường về; mật truyền hiệu lệnh cho quân thu xếp sẵn các đồ hành trang, để sắp lên đường, sai Mã Đại, Khương Duy đi chặn hậu, phải phục quân trong hang núi, đợi cho đại quân qua hết, rồi mới được thu quân về. Khổng Minh lại sai người tâm phúc chia đường ra loan báo với nhau lại; quân dân ba quận Thiên Thủy, Nam An, An Đinh, dời vào cả Hán Trung.

Khổng Minh phân phát đâu đấy, dẫn năm nghìn quân ra huyện Tây Thành để chuyển vận lương thảo.

Bỗng đâu hơn mười tin dồn dập về báo rằng:

- Tư Mã Ý dẫn mười lăm vạn đại quân, kéo đến Tây Thành đông như kiến.

Bấy giờ không còn viên đại tướng nào đi kèm với Khổng Minh cả, chỉ có một bọn quan văn, mà trong số năm nghìn quân theo Khổng Minh thì đã chia một nửa cho vận lương về trước rồi, còn vỏn vẹn có hai nghìn rưỡi người ở trong thành. Các quan nghe tin ấy, ai nấy đều mất vía, ngẩng mặt ra nhìn nhau.

Khổng Minh trèo lên mặt thành đứng xem, quả nhiên thấy bụi bay mù mịt, quân Ngụy chia làm hai đường kéo đến.

Khổng Minh truyền cho các tướng rằng:

- Nội bao nhiêu tinh binh phải ngã cả xuống. Quân sĩ đâu cứ giữ đấy, không được nhốn nháo; nếu ai giám thậm thọt ra vào, hoặc là nói năng to tiếng thì chém lập tức. Bốn cửa thành cứ việc mở toang ra, mỗi cửa cắt hai chục tên lính, ăn mặc giả làm cư dân quét tước dọn dẹp. Nếu quân Ngụy đến, không được kinh hãi gì, ta khắc cho phép cư xử!

Khổng Minh mặc áo cánh bạc, đội khăn lượt, đem hai tiểu đồng và cắp một cái đàn trèo lên địch lâu, ngồi tựa vào bao lơn, đốt hương gảy đàn.

Tiền quân Ngụy đến nơi, thấy vậy, không giám đến gần, vội báo với Tư Mã Ý. Ý cười, không tin, mới dừng quân lại, phi ngựa đến đứng tận đằng xa nhìn xem, quả nhiên thấy Khổng Minh ngồi trên địch lâu, miệng cười tươi như hoa, đốt hương đánh đàn, tả có một đồng tử cầm bảo kiếm, hữu có một đồng tử cầm phất trần đứng hầu hai bên. Ngoài cửa thành, vài chục dân phu, cúi đầu quét dọn tấp lập, tựa hồ như không có chuyện gì cả.

Ý xem xong, lấy làm nghi lắm, liền đến trung quân, sai đổi hậu quân làm tiền quân, nhằm đường Bắc Sơn rút chạy.

Tư Mã Chiêu nói:

- Hoặc giả Gia Cát Lượng không có quân, cho nên bày trò ra thế, cớ sao phụ thân lại rút quân ngay?

Ý nói:

- Gia Cát Lượng xưa nay cẩn thận, chưa từng dám làm liều. Nay cửa thành mở toang thế kia, tất có quân mai phục. Quân ta nếu tiến chắc chắn là mắc mẹo, chúng mày biết đâu, nên lui ngay!

Bởi thế, quân hai đường đều lui chạy cả. Khổng Minh thấy quân Ngụy đi xa rồi, vỗ tay cười ầm lên. Các quan ai cũng ngơ ngác, hỏi rằng:

Khổng Minh nói:

- Đó là hắn đồ rằng ta xưa nay cẩn thận, không dám làm liều, cho nên thấy quang cảnh như thế, nghi ta có phục binh, mới rút quân về. Ta không phải là muốn bày trò nguy hiểm thế, cũng là bất đắc dĩ đấy thôi. Người này tất dẫn quân chạy ra đường nhỏ, núi Bắc Sơn, ta đã sai Hưng, Bào hai người chờ sẵn ở đấy rồi.

Chúng đều phục và nói:

- Thừa tướng huyền cơ, quỷ thần cũng không biết đâu mà lường! Giá như chúng tôi, thì đã phải bỏ thành mà chạy rồi.

Khổng Minh nói:

- Quân ta chỉ có hai nghìn rưởi người, nếu bỏ thành chạy, thì trốn làm sao cho kịp. Tư Mã Ý nó chẳng tóm cổ ráo ư?

Người sau có thơ khen rằng:

Gảy đàn ba tấc thắng quân hùng,

Gia Cát Tây Thành đuổi giặc hung.

Hơn chục vạn quân lo tháo chạy,

Thổ dân chỉ điểm ở nơi cùng.

Nói đoạn, vỗ tay cười khúc khích mà rằng:

- Nếu ta là Tư Mã Ý tất không chịu rút quân về vội!

Bèn truyền lệnh do dân cư Tây thành, kéo cả vào Hán Trung, đoán thế nào Tư Mã Ý, khi chạy ra đường núi Võ Công, bỗng nghe sau núi tiếng reo ầm ĩ, trống đánh vang lừng. Ý ngoảnh lại bảo với hai con rằng:

- Đó, chúng bay chẳng bảo tiến binh vào đi? Nếu không chạy mau, thì mắc phải mẹo rồi nhé!

Khi ấy quân Thục kéo lại, cờ hiệu Trương Bào, quân Ngụy quẳng cả gươm giáo mà chạy. Đi chưa đầy thôi đường nữa, lại thấy trong hang núi tiếng reo ầm ầm, trống, tù và om sòm, rồi dưới cờ hiệu, Quan Hưng dẫn quân ùa ra. Quân Ngụy không biết Thục nhiều ít dường nào, bỏ cả xe lương, xô nhau chạy trốn.

Tư Mã Ý thấy trong hang núi chỗ nào cũng có quân Thục, không dám đi ra đường lớn, phải quay về Nhai Đình.

Tào Chân bấy giờ nghe tin Khổng Minh rút quân về, vội vàng kéo quân đuổi theo. Bỗng đâu mé sau núi nổ một tiếng pháo, quân Thục ồ ạt kéo đến, đại tướng là Khương Duy, Mã Đại. Chân giật mình, vội thu quân về, thì tiên phong Trần Tạo đã bị Mã Đại chém chết. Chân dẫn quân lủi thủi chạy mất. Quân Thục đi luôn đêm về Hán Trung.

Triệu Vân, Đặng Chi phục binh ở trong đường Cơ Cốc nghe tin Khổng Minh truyền lệnh đem quân về, Vân bảo Chi rằng:

- Quân Ngụy nếu biết ta rút, tất nhiên đuổi theo. Ông nên mang cờ hiệu của ta, từ từ lui về trước, còn để mặc ta đi sau, ta cứ lững thững bước một, khắc tự hộ tống lấy được.

Đặng Chi nghe lời, dẫn quân lui về trước.

Nói về Quách Hoài, từ khi ở Nhai Đình, dẫn quân trở về Cơ Cốc, gọi tiên phong là Tô Ngung dặn rằng:

- Thục tướng Triệu Vân, khỏe mạnh không ai địch nổi, ngươi phải cẩn thận giữ gìn. Nếu hắn rút quân về tất có mẹo mực, muốn đuổi theo, phải có ý tứ mới được.

Tô Ngung mừng rỡ, nói:

- Nếu đô đốc tiếp ứng cho tôi, tôi xin bắt sống Triệu Vân đem về nộp.

Liền dẫn ba nghìn quân tiền bộ kéo vào hang Cơ Cốc. Dần dần Ngung đuổi kịp quân Thục, thấy bên cạnh núi phất phới lá cờ đỏ đề hiệu Triệu Tử Long. Tô Ngung vội vàng thu quân rút lui.

Đi chưa được vài dặm, tiếng reo nổi lên ầm ầm, một toán quân tràn ra, viên đại tướng tế ngựa xông lại quát to lên rằng:

- Mày có biết Triệu Tử Long là ai không?

Tô Ngung giật mình, không biết ra sao vì vừa thấy cờ hiệu Tử Long đi trước, nay lại có Tử Long ở đây. Ngung trở tay không kịp, bị Tử Long đâm một giáo ngã ngựa, quân sĩ tan vỡ chạy cả.

Vân phá xong quân Ngụy, lại cứ thong thả kéo đi. Chợt có bộ tướng của Quách Hoài là Vạn Chính đuổi theo. Vân dừng ngựa cầm giáo đứng sững giữa đường, đợi tướng kia đến giao phong. Quân Thục đi trước về khỏi ba chục dặm rồi. Vạn Chính biết là Triệu Vân, không dám tiến lên nữa. Vân đợi mãi đến gần tối, mới quay ngựa từ từ đi về. Một lát Quách Hoài đến, Vạn Chính kể chuyện Triệu Vân vẫn hùng dũng như xưa, bởi thế không dám đuổi theo. Hoài truyền lệnh quân sĩ đuổi gấp. Vạn Chính dẫn vài trăm tráng sĩ lại đuổi theo. Đi qua cánh rừng, bỗng thấy tiếng quát to lên rằng:

- Triệu Tử Long ở đây!

Quân Ngụy rụng rời hết vía, hơn một trăm tên ngã ngựa, còn bao nhiêu trèo qua núi mà chạy. Vạn Chính gượng lại đánh, bị Vân bắn một phát tin vào chỏm mũ. Chính sợ hãi, ngã lăn xuống khe núi. Vân cầm giáo trỏ bảo rằng:

- Ta hãy tha hết cho mày, về bảo thằng Quách Hoài đến đây mau mau!

Vạn Chính được thoát, chạy trở về. Vân hộ tống xa trượng về hết cả Hán Trung, dọc đường không mất mát một tí gì. Tào Chân, Quách Hoài lại thu nhặt tàn quân trở lại.

Bấy giờ quân Thục đã về hết cả Hán Trung rồi. Tư Mã Ý lại kéo quân đến Tây Thành thì chẳng còn gì nữa. Đòi dân ở đấy vào hỏi, họ nói là Khổng Minh chỉ có hai nghìn rưỡi quân ở trong thành, không một tướng võ nào, chỉ có mấy quan văn ở lại, mà cũng chẳng có mai phục gì cả. Dân ở trong núi Võ Công nói là Quan Hưng, Trương Bào mỗi người chỉ có ba nghìn quân, hò reo trong núi, cho quân Ngụy khiếp sợ mà chạy đó thôi, chớ không giám đánh nhau.

Ý nghe xong, than rằng:

- Ta không sao bằng được Khổng Minh!

Bèn vỗ về quân dân các xứ, rồi dẫn quân về Trường An, vào chầu Ngụy chủ. Ngụy chủ nói:

- Bây giờ lại khôi phục được các quân ở Lũng Tây, đó toàn là công của ngươi cả!

Ý tâu rằng:

- Nay quân Thục ở cả Hán Trung, chưa tiễu trừ được. Tôi xin lĩnh đại binh, hết sức thu phục Tây Xuyên để báo ơn bệ hạ.

Tào Tuấn mừng lắm, sai Tư Mã Ý lập tức cất quân đi. Chợt có một người bước ra tâu rằng:

- Tôi có một kế này, đủ định xong được cả Thục, Ngô. Đó là:

Tướng sĩ Thục trung vừa rút khỏi,

Vua tôi Ngụy bắc lại bàn mưu.

Chưa biết người dâng mẹo là ai, xem hồi sau phân giải.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.