Ở Rể (Chuế Tế)

Quyển 3 – Chương 192: Đẩy tay




- Đây là thơ gì?

- Không hợp quy tắc mà...

- Đạo lý đúng là rất đơn giản, bài Kê trong kinh Phật sao?

- Phật kê cũng không có thế này...

Chờ mong quá lớn thường sẽ sinh ra sai lệch quá lớn. Sau khi Ninh Nghị viết lên giấy tám câu thơ kia, tiếng bàn luận xôn xao không ức chế được vang lên từ phía sau, cũng có người ở phía ngoài không nhìn thấy thì nghi hoặc hỏi người phía trước nội dung là gì.

Kỳ thật câu cú, đạo lý đều rất đơn giản, để ở thời đại này, không dùng điển cố uyên thâm, không hề làm ra vẻ huyền bí gì, ai đọc cũng có thể hiểu được, bi kịch chính là nó thậm chí còn không gieo vần, mọi người thấy thì đều thay đổi sắc mặt, nhất thời chẳng biết nên định nghĩa tám câu thơ này thế nào cho thỏa đáng.

Trong khoảng thời gian ngắn, lại không ai đưa ra nghi ngờ gì. Đây dù sao cũng là thứ mà Ninh Nghị đã viết ra, nó không hài hước như vè, đúng thật là từa tựa với Phật kê, nói về một đạo lý thoạt nhìn rất không tệ. Nhưng nó đương nhiên không phải là Phật kệ.

Một lát sau, Liễu Thanh Địch nhìn Ninh Nghị, nhíu mày hỏi:

- Đây chính là... thứ Ninh huynh viết ra?

Ninh Nghị cúi đầu nhìn tám câu thơ kia rồi cứ thế gật đầu, sau đó lại nhìn Liễu Thanh Địch, cười nói:

- Dường như Liễu huynh cảm thấy... đây không tính là thơ?

- Thoạt nhìn, nó rất thông tục dễ hiểu, nhưng vài câu mà Ninh huynh viết này lại không gieo vần, đương nhiên không thể tính là thơ rồi. Hôm nay văn hội chính là...

- Chậc!

Liễu Thanh Địch còn chưa nói xong, Ninh Nghị đã nhún vai, cười nói:

- Không tính thì không tính.

- Vậy... tính là cái gì?

- Thơ cũng được, từ cũng tốt, tóm lại thứ viết trên giấy chính là bốn mươi chữ này, tại hạ nay dạy học ở tư thục, đám học sinh bất kể là viết thế nào, gieo vần hay không thì cuối cùng vẫn là viết ra này nọ, Liễu huynh cứ cho đây là một bài thơ rác không hề gieo vần đi nhé, ha ha...

Lời này của Ninh Nghị hơi vô lại, nhưng trong khoảng thời gian ngắn này mọi người đúng là không tìm được lý do để phê phá hắn một phen. Hiện tại không phải khoa cử, cũng không phải tỷ thí, không phân chia cao thấp, nếu hắn có thể viết ra kiệt tác, mọi người có lẽ là thán phục một phen, nhưng hắn lại thuận tay viết ra một bài thế này, nhất thời không nói được là hắn làm nhục văn nhã.

Dẫu sao thì dù là đại văn hào cũng sẽ không thể thuận miệng nói ra văn hay được, ở giữa một đám bằng hữu, ngươi chỉ đùa một chút, viết hai ba bài vè cũng không phải là chuyện quá đáng gì. Lúc trước không khí thoải mái, Liễu Thanh Địch không có chân chính bày xong cục, lúc này cau mày không biết nên nói thế nào.

Đám Tào Quan thì thở phào nhẹ nhõm trong lòng, sau đó lại nghĩ đến một chuyện:

- Thơ này của Ninh huynh, không biết là nên hiểu như thế nào? Ninh Nghị cười:

- Ta tiện tay viết xuống thôi, mọi người cứ tự nhiên là tốt rồi.

Lý Sư Sư đứng ở một bên đọc bài thơ kia, nhíu mày nghĩ chuyện này, sắc mặt thi thoảng lại đỏ bừng lên, sau đó biểu hiện lại không giống là đang thẹn thùng. Nàng liếc Ninh Nghị một cái với ánh mắt hơi hoài nghi, sau đó lại cúi đầu xuống, người bên ngoài không biết là nàng đang suy nghĩ gì.

Bên cạnh Chu Bang Ngạn, Phương Văn Dương và Đường Duy Diên thì đang xì xào bàn tán gì đó, vẻ mặt cổ quái, lúc thì nhíu mày, lúc lại lộ vẻ chế giễu. Những người cùng Lý Sư Sư đến từ kinh thành này không biết rõ về Ninh Nghị lắm, lúc này chính là lần đầu tiên hiểu con người này, dù sao cũng không phải lúc nào cũng có thể đọc được tác phẩm truyền đời sau của người ta, cảm xúc vẫn rất bình tĩnh. Đám Tào Quan, Liễu Thanh Địch thì hiểu biết hơn bọn họ một chút, nhưng lại mang theo tâm tình thiệt hơn nên với hành vi này của Ninh Nghị thì chỉ cho là hắn đang đùa giỡn mà thôi. Nhưng Khởi Lan xen lẫn trong đám người kia vốn thích thi từ của Ninh Nghị, cũng hỏi thăm rất nhiều về hắn nên lúc này hơi thất vọng.

Bộc Dương Dật cũng đã đến gần, y nhìn bài thơ kia, nghĩ một chút rồi lại nở nụ cười. Khởi Lan liền quay đầu nhìn y.

- Công tử cười gì vậy?

- Nàng cảm thấy thi tác kia như thế nào?

- A... Múa bút thành văn, thông tục dễ hiểu, không hẳn là vè, cũng có thể gọi là thi tác, lại không gieo vần, nhưng đọc xong lại khiến người ta cảm thấy rất có lý... Ninh công tử không câu nệ tiểu tiết, có thể là bỗng dưng muốn vui đùa, có lẽ là chỉ có tính tình phong lưu không kiềm chế được này mới có thể viết ra được những tác phẩm kinh tài tuyệt diễm nha Thanh ngọc án kia.

Bộc Dương Dật nhìn nàng, đợi nàng nói xong mới cười rộ lên, khẽ nói:

- Thập Bộ Nhất Toán, đúng là danh bất hư truyền! Hắn làm việc luôn không có khói lửa như vậy, nếu hắn là đối thủ của ta, ta đúng là có điểm sợ hắn.

- Ồ? Sao công tử lại nghĩ đến việc kinh thương rồi?

- Thế nhân thiên vạn chủng, phù vân mạc khứ cầu, tư nhân nhã thải hồng, ngộ thượng phương tri hữu... Vài ngày trước ta từng nhờ hắn tả từ cho nàng, tiếc là hắn với Lý Sư Sư kia có chút sâu xa nên việc này không tiện nhờ hắn giúp, đành phải bỏ qua. Lúc này hắn đương nhiên cũng không nên đi giúp Lý Sư Sư, nhưng vừa rồi mọi người đều nói, từ chối nhiều thì cũng không nên. Hắn viết ra loại thơ này coi như là không giúp ai cả, hơn nữa bài thơ múa bút thành văn này kỳ thật không ảnh hưởng mấy tới tài danh của hắn. Mà điều quan trọng nhất là, Khởi Lan nàng thử nói xem bài thơ này nên hiểu như thế nào?

- Hiểu như thế nào ư...

Khởi Lan suy nghĩ một lúc,

- Vừa rồi mọi người bảo hắn làm thơ cho Lý cô nương, bài thơ này...

- Hiểu không được, lại hiểu thế nào cũng được.

Bộc Dương Dật khẽ tiếp lời,

- Những người này vây quanh Lý cô nương, nếu ở phía Lý cô nương thì sẽ rất dễ hiểu, thực sự đơn giản, câu kết là "Tư nhân nhã thải hồng, ngộ thượng phương tri hữu", từ đây có thể nói là mãi đến khi gặp được Sư Sư cô nương mới biết được nhân gian nghìn vạn thế nhưng lại thực sự có người giống như cầu vồng. Nhưng nếu là ở trong lòng người khác, nàng xem đám Chu Bang Ngạn kìa, mấy kẻ vây quanh Sư Sư cô nương, từ kinh thành theo tới đây, nhưng thế nhân trăm ngàn loại, mây bay rồi chớ có đi tìm... Vừa rồi có người nói hắn và Lý cô nương có mối quan hệ không tệ, mấy người thân mật kia đương nhiên là không thích thú gì, bài thơ này vừa độ lượng lại vừa là khuyên nhủ, nếu bọn họn có ghen tị trong lòng thì hai câu kia đúng là tả thứ bọn họ nghĩ, sẽ không thể không suy nghĩ.

- Nói như vậy, Ninh công tử...

- Ứng tình, ứng cảnh, ai xem đều có ý nghĩ riêng, không thể nổi danh nhưng lại có lợi, thậm chí Nguyên cô nương ở bên cạnh hắn kia cũng sẽ không vì chuyện này mà ghen tuông. Lúc nãy chỉ trong một lát ngắn ngủi, hắn đã có thể nghĩ ra cách ứng đối này, thậm chí còn viết ra câu thơ không mặn không nhạt kia, tất nhiên là đáng để bội phục.

Khởi Lan suy nghĩ thật kỹ:

- Bộc Dương công tử ở thương trường lâu quá rồi nên gặp chuyện gì cũng phải nghĩ theo phía đó, thiếp thân vẫn cảm thấy Ninh công tử chỉ là một vị văn sĩ tao nhã, lại không câu nệ tiểu tiết thôi.

Bộc Dương Dật cười ha ha, cũng không để ý. Bài thơ này hệt như một tay Thái cực quyền khéo léo, tuy có vẻ lộn xộn đấy nhưng nhất thời lại khiến cho không ai có thể mở miệng. Dù sao lúc này mới bắt đầu đạp thanh được một lúc, tất cả mọi người đều đang thêm nhiệt và cười nói, khó có ai lại lập tức nhảy ra khiêu khích giương cung bạt kiếm làm gì cả.

Mọi người nói vài câu với bài thơ này rồi bắt đầu chú ý những tác phẩm của người khác, có suy nghĩ thì cũng tạm thời để ở trong lòng.

Sau đó mọi người cười cười cười nói nói, khi có người đề nghị lấy Kim Lăng làm đề để tả thơ, Trần Lạc Nguyên lại lấy một bức họa cuộn tròn bản gốc của Ngô Đạo Tử thời Đường làm phần thưởng, không khí lập tức sôi trào, lại có thêm vài trận biểu diễn nữa. Khi đám Khởi Lan nhớ tới Ninh Nghị thì hắn và hai người Nhiếp, Nguyên kia đã không biết đi đâu rồi.

- Oa, đúng là có ôn tuyền thật!

Một giọng nói vui mừng vang lên trong rừng cây, sau đó là tiếng bọt nước vang lên. Một dòng suối chảy theo khe hở ở giữa rừng cây, tới một vùng đất trống thì đúng là một ôn tuyền không lớn cho lắm. Nước chảy từ trên xuống, đến đây thì nhiệt độ đã không còn nóng mấy, xuống chút nữa thì vì dòng nước chảy chầm chậm mà lại giao nhau với một dòng suối khác nên đã không còn nóng là bao.

Nếu Khang Hiền không nhắc nhở, e là mọi người còn không biết bên trên có một nơi như vậy. Ba người Ninh Nghị, Vân Trúc và Cẩm Nhi rửa tay trong suối, gió từ trên đỉnh cây thổi qua, mặt trời sắp mọc lên đỉnh đầu, thật ấm áp.

- Tư nhân nhã thải hồng, ngộ thượng phương tri hữu.

Cẩm Nhi nhớ kỹ hai câu thơ này, chụm tay múc nước suối lên hắt sang phía Vân Trúc, cách hơi xa, Vân Trúc cười tránh đi:

- Đừng nghịch, giờ ướt quần áo thì làm sao?

Cẩm Nhi liền lè lưỡi.

- Nơi này thật sự là không tồi ạ.

Ninh Nghị đứng ở đằng kia, cảm thán một câu rồi lại nói:

- Ta đi xung quanh xem chút.

Cẩm Nhi đã ngồi xuống cạnh bờ suối:

- Ta không đi, ta muốn nghỉ một lát.

Nàng vốn là muốn Vân Trúc tỷ cũng nghỉ lại chỗ này cùng nàng, nhưng trong ba người, Vân Trúc không tỏ thái độ gì, chỉ cười đi cùng với Ninh Nghị.

Cẩm Nhi thò tay khuấy khuấy dòng nước, nhìn bóng dáng hai người biến mất mới cong môi lên nói:

- Cẩu nam nữ! Gian phu!

Sau đó lại lén lút nhìn xung quanh, không có bóng người, nàng bèn cẩn thận cởi tất, kéo ống quần lên rồi bỏ đôi chân trần nhỏ bé trắng nõn nà dưới ánh mặt trời kia vào trong ôn tuyền. Một lát sau, nàng híp mắt lại, trông khá hưởng thụ như một chú cún con.

- Lập Hằng rất thích nơi này sao?

Bên kia, Ninh Nghị và Vân Trúc dạo bước trong rừng, ánh nắng ở giữa tán cây loang lổ chiếu xuống, rừng xanh yên tĩnh, nên lời của nàng cũng có vẻ nhẹ nhàng.

- Cảm thấy rất không tệ, có ôn tuyền, có rừng cây, muội thấy thế nào?

- Muội... cảm thấy quá cao, mùa đông gió thật to.

- Bờ sông cũng thế?

- Ừ, đừng nói là mùa đông, mùa thu cũng chẳng dám ra ngoài viết gì cả, giấy đều bị thổi bay hết, như lần trước ở trên sân phơi kia ấy, thành ra luống cuống hết cả chân tay.

Nàng là nói đến chuyện mùa thu năm ngoái, ngày đó Ninh Nghị cũng có mặt. Lúc đó bên bờ sông gió lớn, nàng đặt mấy tờ giấy ở bên ngoài, kết quả là gió thổi bay đầy trời, khá chật vật. Lúc này nhắc đến, hai người nhịn không được mà bật cười. Cứ như vậy đi dạo một vòng xung quanh rồi dựa theo ấn tượng đi trở về, Vân Trúc nhìn quần áo của Ninh Nghị, nói:

- Lập Hằng, huynh đến phía trước ngồi một lát đi.

- Ừ?

- Quần áo bị rách kìa.

Đó là chỗ bị rách khi trượt cỏ lúc nãy, lúc ấy chỉ là một cái lỗ nho nhỏ, bất tri bất giác đã to ra. Ninh Nghị nở nụ cười, đến ngồi xuống một tảng đá bên một gốc cây ở phía trước. Nơi này ánh sáng mặt trời không bị che lấp, mà chiếu xuống khiến không gian tràn đầy màu vàng ấm áp. Vân Trúc gập gối ngồi trên cỏ ở cạnh hắn, lấy một bọc nhỏ từ trong lòng ra, trong bọc đó là châm tuyến.

Ninh Nghị nhìn vài lần:

- Lúc giả nam tử lại còn mang theo châm tuyến ở trên người, đúng là không chuyên nghiệp gì cả.

- Nào có.

Vân Trúc nói:

- Vốn là không mang, nhưng lúc nãy thấy áo huynh rách nên muội nhờ gia đinh của Trần gia lấy cho.

Nàng nói xong thì lấy sợi chỉ để lên chóp lưỡi liếm liếm rồi sau đó xỏ vào kim, trong rừng chỉ có hai người bọn họ, tĩnh lặng và bình yên, ở trong ánh nắng mặt trời ấm áp kia đã tạo thành một bức tranh duy mỹ.

Một người ngâm ôn tuyền cũng nhàm chán, huống chi lại chẳng thể thật sự cởi quần áo vào ngâm, ở bên bờ suối, Nguyên Cẩm Nhi quay đầu nhìn nhìn rồi rụt chân ra khỏi nước, bỗng cảm thấy cô độc như bị bỏ rơi.

Từ rất xa, dường như tiếng ca của Lý Sư Sư theo gió núi truyền tới, du dương mà đẹp đẽ. Nàng mặc tất rồi đi vào trong rừng...


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.