Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 7: Hồi thứ bảy




Ngưu Cao sốt ruột nói với Nhạc Phi:

- Ngày mai Nhạc huynh lên huyện cố nói với Nhạc lệnh đường ghi tên cho ngu đệ được kháo thí!

Hôm sau một mình một ngựa, Nhạc Phi đến ra mắt nhạc phụ và thưa:

- Chúng con sắp đến Tương Châu khảo thí, song trong bọn chúng con có
người anh em bạn tên Ngưu Cao ngày trước không đi ứng thí nên không có
tên trong danh sách thí sinh, vậy nhờ nhạc phụ ghi thêm tên người ấy vào để anh ấy được đi cùng chúng con luôn thể.

Ông huyện Lý Xuân gật đầu rồi gọi nha lại biên thêm tên Ngưu Cao và nói:

- Như hiền tế có đến Tương Châu ứng thí thì ta sẽ viết cho một phong thư
mang đến trình cho người bạn ta tên Từ Nhân, người ấy làm quan thanh
liêm chánh trực có tiếng, được ông Đô Viện yêu mến vô cùng. Phòng khi có gặp điều chi trở ngại thì ông ta sẽ giúp đỡ cho.

Nhạc Phi cúi đầu cảm tạ rồi lãnh thư ra về.

Khi về đến sân nhà Vương viên ngoại, chàng mừng rỡ reo lên:

- Tên của Ngưu Cao được ghi vào sổ rồi. Ngày mai chúng ta cùng đi xuống tỉnh ứng thí vui quá!

Mấy anh em đi dọc đường nói nói, cười cười, chỉ có Nhạc Phi sắc mặt buồn bã vì chàng nghĩ thầm:

- Ông bà ta ở huyện Thang Âm, ta phải phiêu bạt mười mấy năm ở xứ người.

Chàng càng nghĩ càng đau lòng, nước mắt nhỏ ròng ròng.

Vừa bước vào thành Tương Châu, Nhạc Phi đã thấy một cửa tiệm phía trước có
đề hàng chữ mạ vàng: :Giang Chấn Tử An Ngự Khánh Thương Điếm”.

Bọn Nhạc Phi gò cương lại rồi xuống ngựa bước vào.

Chủ tiệm Giang Chấn Tử từ trong chạy ra niềm nở đón mời, bọn gia nhân kẻ
xách hộ hành lý, kẻ dắt ngựa, riêng phần ông ta thì dắt năm anh em Nhạc
Phi lên lầu dùng cơm.

Nhạc Phi hỏi Chấn Tử:

- Bây giờ là mấy giờ rồi?

- Thưa, bây giờ đã đúng giờ ngọ.

Nhạc Phi suy nghĩ giây lâu rồi lẩm bẩm:

- Thổi để mai đi cũng được.

Chấn Tử tò mò hỏi:

- Chẳng hay chư vị định đi đâu mà có ý gấp vậy?

Nhạc Phi đáp:

- Có thư gửi đến huyện này, do ta mang đến.

Chấn Tử gật đầu:

- Tuy bây giờ đã đúng ngọ, nhưng trong huyện hãy còn làm việc, vì ông
huyện này đến làm quan tại đây đã hơn chín năm, có tiếng là thanh liêm
chánh trực. Nghe đâu có tin đồn đổi đi chỗ khác, nhưng dân chúng quá
thương mến, kêu nài ở lại đấy.

Nhạc Phi lại hỏi:

- Không biết đường từ đây đến huyện gần hay xa?

Chấn Tử đáp:

- Không xa mấy, chư vị đi thẳng chừng trăm bước rồi rẽ qua phía Nam thì trông thấy nha môn ngay.

Nhạc Phi thò tay vào bọc lấy thư rồi cùng bốn anh em đi thẳng đến huyện đường.

Nói qua ông huyện Từ Nhân đêm qua nằm mộng trông thấy một điềm chiêm bao
không biết lành dữ thế nào, lấy làm lo ngại bèn gọi các đề lại tới và
bảo:

- Đêm hô qua ta thấy một điềm chiêm bao rất lại nên kinh hãi, chẳng hay trong huyện đường nài có ai biết đoán mộng hay không?

Một viên thơ lại tên Bá Hiển bèn lên tiếng thưa:

- Tôi đoán mộng hay lắm, chẳng hay lão gia trông thấy chi vậy?

Quan huyện Từ Nhân nói:

- Vào khoảng canh ba ta thấy năm cọp năm sắc nhảy bổ vào phòng chộp ngay
cổ ta, ta thất kinh giật mình thức dậy, mồ hôi toát ra ướt cả áo, chẳng
biết điềm ấy lành dữ thế nào?

Bá Hiểu vui vẻ đáp:

- Thế thì
xin mừng cho lão gia gặp điềm lành đấy. Xưa Châu Văn Vương cũng chiêm
báo thấy gấu xông vào phòng mà có được ông Khương Tử Nha...

Bá Hiểu vừa nói đến đây, quan huyện bỗng đập bàn nạt lớn:

- Ngươi đừng nói bậy! ta là hạng người tầm thường, sao ngươi dám đem so sánh với bậc thánh hiền?

Bà Hiểu sợ hãi làm thinh không dám nói thêm nữa, bỗng có quân canh vào báo:

- Có năm người võ sĩ đến huyện đường xin ra mắt lão gia, để trao thư của
quan huyện Lý Xuân gửi đến, hiện họ còn đứng ngoài đợi lệnh.

Quan huyện lập tức truyền quân canh mời vào. Năm người vào làm lễ xong, Nhạc Phi lấy thư trao ra.

Quan huyện Từ Nhân tiếp lấy thư, và thoáng thấy tướng mạo năm võ sĩ ấy vạm vỡ khôi ngô, nghĩ thầm:

- “Ta nằm chiêm bao trông thấy năm cọp, tượng trưng cho năm người này chăng?”

Quan huyện xem thư xong gật đầu:

- Được rồi, các ngươi hãy về nghỉ, để ta bảo Trung Quân Hồng Tiên giúp đỡ các ngươi trong việc này cho.

Bọn Nhạc Phi cúi đầu tạ ơn rồi cùng nhau ra về.

Qua hôm sau, anh em Nhạc Phi đến ra mắt Hồng Trung Quân xin khảo thí. Hồng Tiên quay lại hỏi hai bên tả hữu:

- Những võ sĩ này đã có lễ vật gì chưa?

- Thưa, không thấy ai mang lễ vật gì đến cả.

Nhạc Phi nghe nói vội chắp ta thưa:

- Kẻ võ sinh này lâu nay chưa biết qui củ thế nào nên không mang lễ vật
theo, vậy xin ngài để tôi sai gia nhân về sắm sửa mang đến sau.

Hồng Tiên gằn giọng:

- Không được, ta bảo cho ngươi biết, lúc nào ngươi mang lễ vật đến ta sẽ
khảo hạch cho, còn bây giờ không có hãy rút lui ngay, đừng xin xỏ uổng
công vô ích.

Nhạc Phi tức giận bảo ra ngoài bàn bạc cùng anh em,
bỗng thấy ông huyện Từ Nhân đi kiệu đến, mấy anh em Nhạc Phi vội bước
xuống ngựa đến hầu.

Ông huyện Từ Nhân hỏi:

- Sao mấy anh em không đến Hồng Trung Quân cho người khảo hạch?

Nhạc Phi thưa lại mọi chuyện, ông huyện Từ Nhân bảo:

- Vậy thì các ngươi hãy theo ta đến ngay quan đầu tỉnh xin ứng thí.

Năm anh em vâng lời theo quan huyện đến viên môn gửi đơn vào xin ra mắt.
Giây phút sau có người ra mời quan huyện vào. Quan huyện là lễ xong,
quan đầu tỉnh Lưu Đô Viện mời ông ngồi. Ông huyện Từ Nhân thưa:

- Hiện có năm tên võ sinh ở Hoàng Huyện đến xin đại nhân khảo hạch cung mã, chẳng biết đại nhận có bằng lòng thu nhận không?

Ông Lưu Đô Viện nghe nói vội sai Kỳ bài quan ra mời năm người vào ngay. Bọn Nhạc Phi vội bước vào quì lạy. ông Lưu Đô Viện trông thấy tướng mạo năm người khôi ngô tuấn tú trong lòng mừng thầm, lại thấy Hồng Trung Quân
bước vào.

Vừa thoáng thấy bọn Nhạc Phi, Hồng Trung Quân liền bẩm với quan đầu tỉnh:

- Năm tên này cung mã hãy còn tầm thường, phải về tập luyện thêm, khoa
sau sẽ đến ứng thí. Sao chúng dám đến đây kêu nài với ngài, chẳng lẽ
chúng dám khinh thường hạ quan đến thế?

Ông huyện Từ Nhân lớn tiếng nói:

- Đó chỉ là vì năm người này không đem lễ vật đến lo lót nên bị đuổi về
chứ gì? Ta thiết tưởng ba năm mới có một kỳ thi, ai mà không vọng tưởng. Xin đại nhân xét lại kẻo tội nghiệp cho kẻ hậu sinh.

Hồng Tiên vẫn nằng nặc bẩm:

- Quả thật năm tên này tôi đã khảo xét rồi, võ nghệ tầm thường trói gà
không chặt, sao ông lại dám cáo buộc tôi như vậy? Nếu ông bảo năm tên
này võ nghệ cao cường thì thử hỏi chúng có dám tỉ võ cùng tôi không?

Nối đến đây Hồng Tiên nhìn bọn Nhạc Phi ra vẻ hằn học.

Nhạc Phi dõng dạc đáp:

- Nếu thượng quan cho phép thì tôi xin tuân theo vậy.

Ông Lưu Đô Viện thấy thế bèn cho phép hai người tỉ thí bộ chiến.

Hồng Tiên ra vẻ dương dương tự đắc sai quân về lấy binh khí Tam Cổ Thác
Thiên Ngại đem đến rồi ông ra thế Ngũ Hổ Cầm Dương đứng hiên ngang giữa
đấu trường lớn tiếng bảo Nhạc Phi:

- Ngươi có giỏi thì nhảy vào đây tỉ thí với ta xem nào.

Nhạc Phi chẳng chút sợ hãi, tay cầm Lịch Tuyền Thương mâu áp dụng thế Đơn
Phụng Triều Tiên, thân chàng bay xẹt lại như con én liệng rồi nói:

- Xin thượng quan chớ chấp nhé.

Dứt lời chàng tiến sát người Hồng Tiên, lão ta đang cơn tức giận lập tức
vận hết thần lực đánh xuống một nhát quyết đập nát thây Nhạc Phi lập
tức. Nhưng Nhạc Phi tránh khỏi một cách dễ dàng khiến mọi người đứng
xung quanh ai nấy đều khâm phục võ nghệ của chàng.

Hồng Tiên nổi
giận sôi gan tránh sang một bên rồi quất ngang một roi, Nhạc Phi tung
mình lên không rồi đáp xuống như một chiếc lá rơi. Chàng muốn đánh trả
lại một thương nhưng lại nghĩ thầm:

- “Ta tỉ thí với lão để người ta trông thấy trình độ võ thuật của mình chứ ta có thù oán chi với lão mà ra độc thủ”.

Nghĩ vậy nên chàng tránh né hồi lâu rồi thối lui ra sau. Hồng Tiên thấy thế mừng rỡ reo lên:

- Thế là ngươi thua rồi.

Vừa reo Hồng Tiên vừa lao mình tới nhằm vào giữa lưng Nhạc Phi giáng xuống
một roi định kết liễu đời chàng. Nhạc Phi nổi giận quay lại lấy thương
gạt ngang một cái khiến lão ta bị giật lùi nửa bước, chàng thừa thế lấy
cán thương đánh vào mình Hồng Tiên một cái rất nhẹ nhàng, nhưng Hồng
Tiên mất thăng bằng nên ngã nhào xuống đất, binh khí rời khỏi tay văng
ra xa. Quan quân đứng xung quanh đều vỗ tay khen Nhạc Phi võ nghệ cao
cường.

Hồng Tiên vừa lồm cồm đứng dậy đã bị ông Lưu Đô Viện chỉ vào mặt, quát mắng:

- Võ nghệ của của ngươi kém cỏi như vậy mà làm quan Trung Quân sao được?

Rồi truyền quân lột áo đuổi khỏi nha môn tức khắc, đồng thời bảo bọn Nhạc Phi lần lượt biểu diễn cung mã cho ông xem.

Bốn anh em Vương Quới, Thang Hoài, Trương Hiển và Ngưu Cao đều biểu diễn
cưỡi ngựa bắn cung hết sức điêu luyện, khiến mọi người vỗ tay rầm rộ,
ông Đô Viện cũng tấm tắc khen thầm. Đến lượt Nhạc Phi ra biểu diễn thì
tài cao xuất chúng khiến ông Đô Viện lòng như nở hoa. Ông bước tới vỗ
vai Nhạc Phi bảo:

- Có phải ông là người ở Hoàng huyện không?

- Thưa đại nhân, nguyên tiểu sinh ở huyện Thang Âm làng Vĩnh Hòa xóm Hiếu Đễ. Nhưng khi mẹ tôi mới sinh tôi được ba ngày thì bị nước lụt, cả làng bị thủy tai, nhà cửa trôi hết. Mẹ tôi bồng tôi chui vào một cái chum
lớn, nước trôi qua Hoàng huyện, nhờ có ân công tôi là Vương Minh cứu vớt cho mẹ con tôi tá túc từ bấy đến nay, lại nhờ có dưỡng phụ tôi là Châu
Đồng truyền dạy văn võ cho năm anh em tôi mới được như ngày hôm nay. Xin quan lớn vui lòng cho giấy để anh em tôi được vào Đông Kinh thi hội.
Nếu mai sau có đặng thành danh thì khi trở về quê cũ, ơn nghĩa của quan
lớn rất cao dày.

Ông Lưu Đô Viện nghe Nhạc Phi phân tỏ đầu đuôi, lấy làm cảm kích và mừng rỡ vô cùng, bảo:

- Các ngươi được Châu tiên sinh dạy bảo hèn chi võ nghệ rất cao siêu. Lâu nay bổn quan đã từng nghe danh ông Châu Đồng văn võ tài toàn, và triều
đình cũng đã cho đến thỉnh cầu đôi ba phen mà ông không chịu ra làm
quan. Vậy các ngươi hãy về sửa soạn để ta giới thiệu ra kinh đô lập công danh.

Nói đến đây, ông quay lại bảo quan huyện Từ Nhân:

-
Quan huyện hãy về điều tra kỹ quê quán của Nhạc Phi và tìm cho ra cái
nền nhà cũ ấy ở đâu, để ta xuất bạc cho hắn xây cất lại nhà cửa, trở về
quê cũ. Ta chắc Nhạc Phi sau này sẽ trở nên một danh nhân chớ chẳng
không.

Quan huyện Từ Nhân chắp tay từ tạ rồi dẫn bọn Nhạc Phi trở về huyện đường, mở tiệc thết đãi và bảo:

- Ta đã sửa soạn nhà cửa thì cháu phải lo sắp đặt đưa lệnh đường trở về quê nhà.

Nhạc Phi tạ ơn rồi cùng mấy anh em trở về nơi quán trọ tính tiền cơm trả cho chủ tiệm, mới từ giã trở về nhà.

Nhạc Phi thuật lại hết đầu đuôi cho mẹ nghe, bà An Nhân vô cùng mừng rỡ. Mấy anh em cũng về thưa lại cho cha mẹ hay rằng Nhạc Phi được quan trên
giúp đỡ cho trở về quê cũ. Mấy ông viên ngoại nghe nói nửa vui nửa buồn. Khi thấy Nhạc Phi đến, ông Vương Minh động lòng, sa nước mắt nói:

- Bàng Cử ôi, khi Châu tiên sinh còn sống thường bảo rằng: Sau này muốn
cho bọn trẻ nên danh thì không nên rời xa Bàng Cử, thế mà hôm nay cháu
trở về quê cũ, thì làm sao ta rời bỏ cho đành?

Nhạc Phi thưa:

- Chỉ vì Lưu đại nhân ân dày nghĩa trọng nên cháu chẳng dám trái lời. Nay cháu đành phải cách biệt thúc bá cùng chư huynh đệ, thật chẳng đành
lòng, nhưng cháu chẳng biết tính làm sao cho vẹn toàn cả.

Ngẫm nghĩ hồi lâu, Trương viên ngoại nói:

- Ta có cách làm cho anh cháu chẳng phải xa cách nhau.

Thang viên ngoại hỏi vội:

- Cách gì vậy?

Trương viên ngoại thong thả nói:

- Chúng mình đây không phải có năm trai bảy gái gì, vậy thì của cải mỗi
người nên chia làm hai phần, một phần để lại cho gia nhân ở lại coi sóc
ruộng nương, còn bao nhiêu mang đến Thang Âm huyện ở với Bàng Cử. Con
mình ngày sau được nên danh phận, chúng mình chẳng được vinh hiển hay
sao?

Các ông viên ngoại đồng thanh nói”

- Ý kiến ấy hay lắm, vậy thì chúng ta nên thu xếp đi.

Nhạc Phi thưa:

- Gia sản của chư thúc bá quá lớn lao mà thu xếp như vậy e bất tiện chăng? Vậy xin chư thúc bá hãy suy tính lại.

Các ông viên ngoại đồng thanh đáp:

- Chúng ta đã quyết định như vậy rồi, Bàng Cử chớ lo.

Sáng sớm hôm sau, Nhạc Phi tạ từ mẫu thân xuống Hoàng huyện ra mắt nhạc phụ. Quan huyện Lý Xuân hỏi:

- Hiền tế đến Tương Châu thi cử thế nào?

Nhạc Phi thuật lại đầu đuôi câu chuyện, chàng không quên nói rõ việc Trung
Quân đòi hối lộ và cuối cùng chàng được tỉ thí rồi được Lưu công giúp đỡ xây cất nhà cửa để trở về sống ở quê hương. Nhạc Phi đứng dậy chắp tay
thưa:

- Mọi việc được may mắn và vinh hiển như hôm nay đều do công ơn của nhạc phụ, nên nay con đến để tạ ơn.

Quan huyện Lý Xuân nói:

- Hiền tế chớ nên nghĩ vậy, đây là nhờ ơn Lưu công nên hiền tế được về
quê hương lập lại sự nghiệp của ông bà, ơn ấy rất trọng. Vậy ta muốn gửi lời hiền tế về thưa lại với lệnh đường rõ ý nguyện của ta.

Ngưng một lúc, quan huyện tiếp:

- Ta muốn cho ái nữ ta về cùng lệnh đường cho có mẹ có con và để người
dạy dỗ. Bảy ngày nữa là ngày Hoàng đạo, ta muốn đưa nó về quê con rồi
làm lễ thành thân. Người ta thường nói “an cư mới lạc nghiệp”, ta muốn
hiền tế thu xếp ổn thỏa việc nhà trước lúc lên đường tìm lập sự nghiệp
công danh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.