Mật Mã Maya

Chương 29




Tôi phát hiện ra mình biết kích thước của chiếc hòm tuy chưa từng nhìn thấy hay chạm vào nó. Nó hơi ngắn quá để có thể duỗi hết người ra và hơi thấp để có thể ngồi dậy. Nó vừa khít với tôi. Tôi sợ hãi co người lại.

Ngứa. Mắt ngứa quá. Gãi cái nào.

Không được. Tay bị trói.

Khát quá.

Tôi cố nuốt nước bọt nhưng không ngậm được miệng vào. Tuy thế, rốt cuộc tôi cũng nuốt được, song chỉ là nuốt khan, chỉ tổ khát thêm. Ực! Mẹ kiếp!

Tôi lờ mờ nhận thức được rằng tôi đang nằm cuộn tròn nghiêng về phía bên trái, không, phía bên phải thì đúng hơn. Một cánh tay biến đâu mất. Hoặc có thể nó chỉ bị kẹt dưới người tôi thôi. Tê từ vai tê xuống. Bàn chân phải cũng không thấy đâu. Hay là chân trái nhỉ? Giá nhìn thấy thì dễ nói hơn. Nói chung, phần lớn nửa dưới cơ thể tôi bị tê dại. Nửa trên thì căng cứng và nhức nhối. Sao cũng được.

Ngứa quá. Tôi nhận thấy mình đang quằn quại, cố gại mắt trái vào thành hòm để gãi cho nó. Được rồi. Aaaa! Thật sung sướng.

Hở.

Tôi tưởng mình đã thôi quằn quại, nhưng vẫn còn tí cảm giác lắc lư. Không, không phải do tôi. Cái hòm đang chuyển động. Đi tới đi lui. Không, nó đang lắc lư chứ. Tôi đang bị treo lên đâu đó. Có cao không nhỉ? Tôi lại gại gại má vào thành hòm. Nó có những nút nhỏ và mềm dẻo. Không phải hòm gỗ. Nó được đan bằng liễu gai. Tôi đang nằm trong một cái giỏ. Một cái rọ.

Hừ, cũng dễ hiểu thôi. Không có góc cạnh nào để tự cứu mình, không có sàn cứng để mà đập đầu vào, y như buồng nhốt những thằng tâm thần (Loại buồng trong bệnh viện tâm thần, được lót đệm mềm tứ phía để tránh bệnh nhân tự tử). Họ muốn giữ cho tôi sống. Thật thô bạo. Thảo nào tôi không sao ngậm mồm lại được. Có một đống nùi nhét trong đó để tôi không cắn được vào lưỡi. Tôi duỗi người ra một tí, rồi xoay người một tí bằng cách tì vào thành rọ. Nó rộng chừng một sải tay và dài gấp đôi – đâu đó trong cái đầu rối như mớ bòng bong của tôi, tôi nhận ra mình đã nghĩ đúng theo kiểu người Maya, đo bằng sải tay (khoảng hai mươi sáu inch) chứ không phải bằng mét hay foot – và tôi áng chừng nó cao khoảng một sải rưỡi... tức là không đủ cao để đứng dậy, không đủ dài để duỗi người, không... Ối giời ơi. Một cơn hoảng hốt của người mắc bệnh sợ bị giam trong chỗ chật hẹp nổi lên và tôi suýt thì để nó bột phát ra, nhưng có lẽ do cơ thể mới của tôi quá mệt nên tôi không phun nó ra được. Bình tĩnh nào, bình tĩnh nào, cálmate, không sao đâu, Jed, mày còn sống, mọi chuyện ổn rồi. Nằm yên, nằm yên. Hoảng lên là mày sẽ chuốc vạ vào thân đấy.

Khát quá.

Có thể do điều gì đó khác lạ trong không khí, hay do những viên đá bị hun nóng toả hơi hầm hập bên dưới tôi, hay do tiếng một con chó con ăng ẳng đâu đó phía sau các bức tường đá, không biết nữa, nhưng tôi gần như chắc chắn mình đang ở trong một khoảnh sân trong nhỏ và lúc này là cuối buổi chiều. Tôi lắng nghe. Có tiếng khụt khịt, tiếng những con gà tây kêu oọc oọc, tiếng một con chó khác, không phải con chó con kia, sủa từ rất xa, và xa hơn tất thảy là những âm thanh lộp bộp nhịp nhàng xa xăm nhưng lan rộng khắp, gợi tôi nhớ nhà và muốn trào nước mắt, đó là tiếng những người phụ nữ đang làmwaahob, món bánh ngô, hất những miếng bột nhào từ tay nọ sang tay kia. Âm thanh đó ngàn đời vẫn vậy, không hề thay đổi cho đến tận thời thơ ấu của Jed, ý tôi là thời thơ ấu của tôi. Và xa hơn nữa (ái dà, - tôi nghĩ bụng, - đôi tai mới này ác chiến thật) tôi lờ mờ nghe thấy tiếng hò reo vọng đến từ một trận bóng và tiếng đập bồm bộp đều đều của quả bóng cao su.

Oa.

Hình ảnh của một trận bóng, một trận bóng hông thoáng hiện ra trong óc tôi, và không phải từ kí ức của tôi, mà từ kí ức của Chacal. Một cánh rừng, một bãi đất được dọn quang với một ụ đất xếp lẫn cọc gỗ ở mỗi đầu bãi - một sân bóng hông sơ sài nhất có thể. Hai thằng bé trần trụi đứng đối diện tôi, xa xa, lờ mờ một đám đông đứng vây quanh cuối bãi. Một trong hai thằng bé bị một vết máu trên mặt. Thoạt tiên, tôi ngỡ nó bị phạt. Nhưng rồi tôi nghe thấy, hay đúng hơn là nhớ ra âm thanh gì đó như tiếng hò reo, và tôi hiểu ra rằng đập được quả bóng vào mặt thằng bé đã đem lại cho đối phương rất nhiều điểm. Nhưng tôi chỉ nhìn thấy có vậy trước khi tất cả trở thành một mớ hỗn độn và chuyển sang trận bóng cuối cùng của Chacal, một trận đấu trên vũ đài thực sự, một trận đấu tay đôi với Chim Ruồi Có Nanh 9; vị ahau đóng vai vị anh hùng Hunahpu 7 còn Chacal giả dạng Chúa tể thứ 9 của Đêm Tối. Nghĩa là Chacal đóng vai kẻ xấu. Trận đấu diễn ra vào ban đêm, được soi sáng bởi hàng trăm ngọn đuốc treo cao. Chim Ruồi Có Nanh 9 đứng sẵn ở một đầu sân bóng, mặt che mặt nạ, chân xỏ đôi dép cao như chiếc cà kheo nhưng vẫn rõ ra là một gã lùn do chứng loạn sản sụn (Hội chứng rối loạn khiến người mắc phải chỉ cao chừng 1,3m ở tuổi trưởng thành). Những người đứng sau cánh gà, hay chính xác hơn là "những người vô hình" – như ở rạp hát diễn kịch Noh (Kịch Nô: hình thức sân khấu truyền thống của Nhật Bản) - điều khiển một quả bóng rỗng bằng giấy bằng hai sợi dây mảnh nối với những cây gậy dài, kéo nó đu đưa như một con chim trong vở múa rối. Dĩ nhiên, nó không lừa được mắt khán giả, mà thực ra người ta cũng không định lừa. Đối với tâm linh thì cảm giác nhìn thấy cũng tốt như nhìn thấy thật.

Trong số những khuôn mặt mà tôi gần như chắc chắn là mặt người, có hai người tôi đoán là đồng đội của tôi trong trận này. Một anh chàng mặt còn non bấy tên là Hun Xóc – nghĩa là Cá Mập 1 – và người kia, có bộ mặt bèn bẹt, to bè hơn tên là Tay 2. Nhưng rất khó mà lần mò được trong kí ức của Chacal, cứ như thể...

Hừ, vẫn là một câu hỏi muôn thủa. Cảm giác khi là một phần của ai đó như thế nào? Nó giống như lần mò leo cầu thang trong bóng tối và phát hiện ra mình lọt vào một căn phòng lớn, hoàn toàn xa lạ, chất đầy đồ đạc, vật dụng vướng víu và phải cố mò mẫm mà tìm lối ra. Từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ mình là một người Maya chính cống, nhưng bây giờ tôi mới biết tôi cũng chỉ là một gã Yankee (Yankee: tiếng lóng chỉ người Mỹ ) trưởng giả, thô kệch và ngu dốt, và từ cơ thể này, từ bộ óc này, tôi đang nhìn nhận vũ trụ theo một cách khác hẳn.. Chẳng hạn như, tôi vẫn biết trái đất – hay theo cách gọi của người Maya chúng tôi là mih k'ab', nghĩa là "tầng đất thứ không" hay "tạo vật thứ không" – có hình cầu. Nhưng nếu tôi lãng ý nghĩ đó đi, tôi lập tức có cảm nhận khác hẳn về thế giới xung quanh, nó không tròn, cũng không dẹt, mà giống một chồng bánh ngô. Mỗi lớp, hay mỗi cái vỏ, lại được lồng trong một cái khác, giống như những lớp áo của củ hành bị đập bẹp vậy.

Ngạt thở quá.

Nào. Thở đi. Cái thứ của nợ ở trong mồm. Giẻ rách thì phải. Há ra. Được rồi. Ngậm lại. Không được. Ặc. Cơn đau do trào ngược axit. Tôi cố hớp một ngụm không khí thật lớn vào cái cổ họng khô khốc của mình và cơn đau lập tức dội lên, nhưng tôi lờ nó đi theo cái cách mà tôi không bao giờ làm khi còn là Jed. Thể trạng của Chacal rất khoẻ mạnh, điều đó không có gì phải bàn, nhưng cũng chẳng ích lợi gì mấy nếu tôi không cử động được. Khát quá. Tôi thực sự cần phải nuốt vào. Dùng đến lưỡi đi. Nó đâu rồi? Bị cắt rồi à? Không, chờ đã. Bị tê thôi. Nó vẫn đây. Nào, lưỡi ngoan, động đậy đi.

Tôi rụt cái lưỡi khỏi vòm miệng và cắn được hai hàm răng vào nhau, tuy không khít lắm, tôi nuốt vào nhưng cứ khô khốc, càng đau tợn. Ực, ực. Khoan đã. Chờ tí. Tôi đẩy lưỡi của anh ta... À, của tôi – tôi cứ lẫn lộn cách xưng hô - trở lại vòm miệng, thử ngó ngoáy hòng tìm tí nước bọt và cuối cùng cũng tìm được một ít, rồi bắt đầu sờ lần quanh miếng giẻ, liếm liếm thứ nước chua chua đặc quánh lên những vết rộp và xước trong miệng. Hừ, miếng gá trong miệng tôi đâu rồi nhỉ? À, phải rồi, làm gì còn. Hừ. Có điều gì đó không ổn với bộ răng. Không phải là không ổn. Chỉ là lạ thôi. Hai chiếc răng cửa hàm trên được mài thành hình như chữ L lộn ngược. Tức là khoảng một phần ba của mỗi chiếc răng, ở khoảng tiếp giáp nhau, vẫn mọc bình thường, nhưng hai bên trái của chiếc này và bên phải của chiếc kia khuyết một mảng lớn. Đến bây giờ tôi mới nhận ra là mình thích dùng lưỡi quét vào bộ răng cũ đến mức nào. Nhưng tôi là kẻ hoàn toàn xa lạ với những cái chồi bé tí nhọn hoắt này. Nếu không cẩn thận, tôi sẽ đứt lưỡi với chúng... hơ, cái gì thế này... bên trong, phía bên trái, có một lỗ hổng, hình như mất hai răng hàm. Ồ, phải rồi. Tôi mất mấy cái răng ấy trong trận đấu với Rắn Chuông 22 hôm Sậy 1 ở sân 39, hôm ấy tôi ghi được bốn điểm và giết được...

Không, - tôi tự nhủ, - không phải tôi. Là Chacal chứ. Đó là những trận bóng hông của Chacal. Để ý chứ.

Được rồi. Cố mở mắt ra nào.

Không được.

Sắp hắt hơi.

Mẹ kiếp, - tôi nghĩ, - không ngờ lại khổ sở thế này. Sao lại là tôi phải quay lại đây? Sao tôi không phải là người được ở lại năm 2012? Thằng tôi kia chắc lúc này đang nằm trong túi ngủ với Marena, nếu có thể dùng từ "lúc này". Thằng khốn kiếp. Nó không phải nếm trải tí gì cả. Khoan đã, - tôi nghĩ, - bây giờ mày lại đâm ra tự ghen tức với mình à. Đừng có ám ảnh. Tập trung vào đi.

Nào. Mở mắt ra.

Không được.

Hừ, thế này thì mỹ mãn quá đấy. Một dự án hơn sáu trăm triệu đô la và kết quả là tôi nằm lại trong một cái rọ, không khác gì quả lê mốc meo trong giỏ quà. Tôi nằm trong này bao lâu rồi nhỉ? Vài ngày? Khát quá. Trận núi lửa phun trào thì sao nhỉ? Tôi bỏ qua nó rồi chăng? Không, không thể nào. Tôi ở đây chưa đến ba ngày đâu. Họ đã nói rằng tôi không thể không cảm nhận được trận động đất, ngay cả khi cách xa như thế này, nó vẫn có thể làm tôi nhức màng nhĩ. Và một hai ngày sau, khi những đám mây tro đã tản đủ cao, tôi có thể nhìn thấy những đám lửa rực lên vào ban đêm khi đứng ở bất cứ chỗ nào trong khu vực Mesoamerica.

Hừm, có lẽ người ta đang chờ xem nó có xảy ra như mày nói hay không đấy. Có lẽ mày vẫn còn cơ hội. Ít nhất thì những tính cách thuộc về Chacal trong cơ thể này đã biến mất. Hay nói đúng hơn, tôi không còn nghĩ mình là Chacal nữa. Thể là ổn rồi, phải không? Bản thân là cái mà anh nghĩ đó là mình, chứ không nhất thiết phải là mình thật...

Au. Nhưng cái cặp mắt ngứa này thì thật quá. Gãi cái nào. Rồi. Tôi uốn cong...

RẮC.

OÁI.

Tôi cử động được các ngón ở một bên tay. Mỗi ngón chào đón bằng một tràng kêu răng rắc và những cơn đau nhói. Au! Nào, lôi cánh tay còn lại ra đi. Từ từ đã...

Bỏ mẹ. Bị cắt bỏ rồi! Ối giời ơi.

Tôi dùng tay kia lần lần vào cái mà tôi đoán là gốc tay cụt. Không thấy gì. Mẹ nó chứ. Chờ đã, mày có di chuyển thứ gì đó, chỉ là ngược tay và ngược hướng thôi. Quái thật.

Hừ, có lẽ chiều thuận tay của tôi đã bị đảo ngược. Chắc bây giờ tôi thuận tay phải.

Xem nào.

Phải, đúng rồi. Tôi cố tìm cách dùng bàn tay thuận chà sát vào bên tay bị tê, nhưng nó cứ trượt đi. Chả khác gì tìm cách di chuyển con trỏ trong khi màn hình bất ngờ chuyển từ khổ dọc sang khổ ngang.

Đưa tay lên mắt xem nào. Hừ. Đồ quỷ. Thử lại đi. Tay tôi cứ dừng khựng lại trước khi đến được nơi. À, tôi hiểu rồi. Chúng bị trói lại với nhau ở phía trước mặt và cột lên nóc rọ bằng một sợi thừng dài. Chết tiệt. Tôi ra sức rướn người về phía chúng nhưng không được. Có lẽ phần ngực cũng bị cột vào đáy rọ. Đúng thế. Bực thật. Khát quá.

Tôi hít thêm một hơi dài nữa. Không rõ vì sao, cái mùi ngòn ngọt, nhơn nhớt trong luồng hơi lại gợi tôi nhớ đến con Desert. Trên hai chân trước của nó có những đốm nhỏ. Đó là nhớt hay mủ gì đó rỉ ra từ một vết thương hở. Phải rồi, mùi bệnh ngoài da, chết tiệt, bốc ra từ người tôi cũng nên. Ghê quá.

Yên nào.

Nghe xem.

Tiếng khụt khịt mà tôi nhắc tới ban nãy mỗi lúc một to lên, đến mức không còn là tiếng khụt khịt nữa. Nó giống tiếng ngoào ngoào hơn. Một con mèo chăng? Không, là người. Nó đang rên rỉ.

Tôi tìm cách mở mắt ra nhưng đành bỏ cuộc. Một đứa trẻ ư? Không, không phải, đó là... ôi chao. Đó là một ông già.

Tiếng rền rĩ gợi lại trong ký ức của Chacal một hình ảnh: một dãy chừng tám hoặc mười chiếc rọ đan bằng cành liễu giống hệt cái này treo trên một cành cây trơ trụi đối diện một bức tường. Hình ảnh đó thậm chí còn có màu sắc rất rõ rệt: Hai cái rọ ở đằng xa nhất bên tay phải còn mới và giữ được màu xanh lá cây, nhưng những chiếc bên phải phơi nắng lâu đã bợt thành màu xám. Hình như cũng là cái sân này, nơi tôi đang bị nhốt đây thì phải, hoặc một nơi nào đó tương tự. Qua Chacal, tôi biết rằng mỗi cái rọ nhốt một người tù, rằng tôi đang nằm trong chiếc ở đằng xa phía bên tay phải, rằng tiếng khò khè là tiếng thở của những người tù khác, rằng cái mùi nhơn nhớt ấy là mùi những mảng da thối rữa bong khỏi thịt họ, rằng tiếng rên rỉ phát ra từ một trong mấy cái rọ cũ nhất và rằng người tù ấy đã nằm trong đó năm này qua năm khác.

Mày sẽ còn phải ở trong cái rọ này lâu. Không khéo cả k'atun, nghĩa là hai mươi năm, nếu như đen đủi, cho đến lễ hiến sinh lần sau. Họ sẽ khiến mày thêm đau đớn bằng cách đó.

Ôi quỷ sứ ơi. Là nó đây. Tất cả là thế này đây. Đây là thứ cuối cùng tôi được thấy. Nơi cuối cùng tôi có mặt trên đời. Mãi mãi. Vĩnh viễn. Ôi, Chúa ơi, Chúa ơi, Chúa ơi.

Cơn hoảng hốt ghê gớm tuy không giống như ngủ mê hay bất tỉnh, song cũng khó nhớ lại tương tự. Tôi đoán mình đã vùng vẫy quẫy đạp mất một lúc, có lẽ cả kêu gào nữa, nhưng đó cũng có thể là tiếng kêu gào của những người tù khác, rồi tôi lại cố hé mắt ra nhìn. Nào, mở mắt ra, cố lên, cố lên, mày phải nhìn thấy. Tập trung vào mắt đi.

Tôi hết co rồi lại duỗi. Chẳng ích gì. Có những cơ ở mắt mà thậm chí tôi còn chẳng biết. Tôi tiếp tục co duỗi hết lần này đến lần khác. Vẫn uổng công. Rồi đến một lúc, tôi nhận ra – vừa do cảm giác đau, vừa do cảm giác dính chắc, hoặc vì Chacal đã từng nhìn thấy người ta làm điều này với những người khác – tôi nhận ra hai mí mắt đã bị khâu liền lại. Ôi, trời...

Khoan đã.

Có ai đó ở ngoài kia. Tiến lại gần. Đáng ra mình đừng nên làm cái rọ đu đưa. Họ làm gì thế nhỉ? Xem mình à? Khát quá. Không, không được hỏi xin. Không được để...

Oạch. Tôi nảy tưng lên. Đập phải cái gì đó. Chói quá, ngay cả khi mắt đang nhắm chặt lại. Trận phun trào ư? Khoan đã...


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.