Lời Chưa Nói

Chương 3




Vy học cách lớp tôi ba lớp. Hiếm khi nào đứng từ hành lang bên này nhìn qua mà tôi thấy em xuất hiện cả. Duy chỉ có một lần đi lấy nước, vô tình gặp lại nhau, Vy gọi tôi thật rõ:

- Đại!

Bất giác tôi cũng quay lại đáp:

- Vy!

Vy nhìn tôi và lại cười. Nụ cười của em khiến cho tim tôi đập nhanh hơn vài nhịp mỗi giây. Tôi tới gần hỏi chuyện:

- Cậu đang làm gì thế?

- Tớ đang lấy nước về cho lớp!

- Tớ cũng vậy! Mà mình cậu sao bê được?

- Khánh bê hộ tớ rồi. Tớ chỉ việc ký tên vào sổ sau đó lên lớp thôi!

Tôi không biết người Vy nhắc đến là ai nhưng cũng cười trừ. Hình như từ khi gặp Vy cho đến bây giờ lần nào tôi cũng tự cười theo bản năng mà rõ ràng não không hề điều khiển. Hay do trái tim tôi đang điều khiển chăng?

Vy là người đầu tiên tác động trực tiếp tới tư duy viết nhạc của tôi. Tình ca của tôi không còn copy cảm xúc của các ca sĩ khác nữa mà lấy chính những cảm xúc của bản thân làm đề tài. Qua âm nhạc, tôi kể về lần đầu gặp Vy, về ánh mắt, nụ cười, giọng nói của em và trọng tâm thì vẫn là nụ cười hồn nhiên, tỏa nắng của cô gái 12 tuổi. Nhưng đó vẫn chỉ là những vẻ bề ngoài mà tôi được chứng kiến. Tôi muốn hiểu rõ hơn về Vy, về lý lịch trích chéo của em và về cái mà người ta gọi là "cô gái hay cười". Tuy nhiên, ngoài việc gặp gỡ tình cờ ra, thật khó để có thể hẹn Vy ở một nơi nào đó và tìm hiểu thêm về em.

Đằng sau trường tôi có một con phố vắng, hai bên đường trồng đầy những cây chò nâu cao vút, lá gối đầu cả vào cửa sổ các lớp học. Phố này ít người qua lại vì không nối liền với cung đường lớn và cũng chẳng có nhà dân nào ở xung quanh. Bức tường phía bên kia là tường sau của một xưởng gỗ, nơi các cô cậu học trò thường viết lên đó những cái tên ghi dấu kỉ niệm của tuổi thơ. Nhưng đó là hồi trước, khi mà cổng trường còn mở về phía này. Năm tôi vào trường thì cánh cổng bên hướng đó đã được lấp lại hơn hai năm, thành ra con phố vắng trở thành địa điểm thích hợp cho các cặp đôi hẹn hò và làm quen nhau. Tôi cũng muốn một ngày nào đó được cùng Vy dạo bước trên con phố này, có điều từ giờ đến lúc đó chẳng biết liệu có tiến xa được chút nào hay không!

- Trang, mời em lên kiểm tra bài cũ!

Đó là tiếng cô giáo chủ nhiệm lớp tôi. Lớp tôi có tổng cộng 31 đứa mà lần nào tôi cũng bị gọi trúng, chắc là do đi học hay lơ tơ mơ nên bị cô trù. Hôm nay cũng vậy, vào giờ rồi mà mắt tôi còn dán vào mấy cây chò đằng sau trường, nghĩ cách bắt chuyện với Vy. Tôi hơi giật mình nhẹ khi bị cô gọi tên vì chưa học bài, lên bảng ấp úng vài chữ rồi đành khai thật:

- Thưa cô, em chưa chuẩn bị bài ở nhà ạ!

Cô chủ nhiệm nhìn tôi bằng ánh mắt không thể đoán được suy nghĩ và gạch một dấu đỏ trong sổ giáo viên. Tính từ đầu năm đến nay tôi đã có tổng cộng 3 dấu đỏ trong cuốn sổ này, cả ba đều vì lý do chưa học bài. Cũng tại tôi khá lơ là việc học khi bắt đầu bước vào lớp Sáu, phần vì mải suy nghĩ về âm nhạc, phần vì tương tư đâu đâu. May sao, chính nhờ sự không thuộc bài ngày hôm nay mà tôi lại có cơ hội gặp Vy một lần nữa.

Mồ hôi ròng ròng trên áo, tôi phải ngồi đợi giáo viên mời phụ huynh tới trong phòng giám hiệu để trao đổi. Đã ba lần không học bài, tôi không có cơ hội mắc thêm lần tiếp theo. Sự kỉ luật lần này không biết có nặng như tôi nghĩ không nhưng mới hình dung tới chuyện mời phụ huynh là tôi đã sợ xanh người. Đã vậy, cô lại còn bắt tôi phải ngồi đợi lâu ơi là lâu đến khi hết tiết vì không muốn bỏ dạy giữa chừng.

Bất ngờ thay, Vy cũng có mặt ở phòng giám hiệu lúc đó. Không biết em tới đó để làm gì nhưng nét mặt có vẻ không được tốt cho lắm, hình như cũng bị phạt như tôi.

- Vậy là chúng ta hai lần bị phạt cùng nhau rồi, đúng không? - Tôi hỏi Vy

- Không phải! Tớ phải gọi điện cho mẹ để đi về khám bệnh, tự dưng thấy chóng mặt quá!

Nhìn sắc mặt của Vy lúc này rất khác so với những lần cười tươi rói với tôi khi trước, trông nó xám lại và bớt hồng hào đi hẳn! Đúng là em đang bị bệnh trong người thật!

- Tại sao cậu không xuống phòng y tế? - Tôi thắc mắc.

- Phòng y tế đóng cửa rồi, với lại tớ không chỉ chóng mặt thường đâu!

Nghe Vy nói như thế tôi cũng hơi lo. Nhưng biết làm sao bây giờ. Nếu hỏi han nhiều quá thì sẽ làm phiền em, mà không hỏi thì cũng áy náy chút chút. Thậm chí bây giờ tôi còn quan tâm đến bệnh tình của Vy hơn cả khuyết điểm của tôi. Tiết học chưa kết thúc, cô chưa rời bục giảng, mà nếu rời ngay bây giờ thì đúng là đáng lo thật!

Chẳng mấy chốc thì mẹ Vy cũng đến. Tôi chỉ bất ngờ vì mẹ em không đưa đón em bằng xe máy hay xe đạp như bao ông bố bà mẹ khác mà đi ô tô trông rất sang trọng không khác nào một đại gia. Điều đó làm tôi thoáng chút buồn bởi nếu mẹ Vy giàu như thế thì ắt hẳn em phải là một tiểu thư, phải sống cuộc sống sung sướng lắm! Còn tôi, bản thân tôi thì là một đứa trẻ nhà quê: Xe đạp xịn còn không có để đi, phải hàng ngày tới trường trên con xe cọc cạch; áo quần thì ngoài đồng phục ra chẳng có bộ nào tử tế để chưng diện cả; giày dép thì có mỗi một đôi đi đến mòn gót vẫn cứ dùng cố ngày qua ngày. Nếu khoảng cách đã xa như vậy, liệu bao giờ tôi mới có thể "chạm tới" Vy đây?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.