Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 153: (bốn)




Phía chân trời, mây tuôn cuồn cuộn.

Ánh sáng vàng nhàn nhạt đâm xuyên qua những tầng mây rực rỡ, phủ xuống mặt biển mênh mông.

Gió biển ấm áp ẩm mướt mang theo hương vị tanh tanh mặn mặn thổi tung cờ xí, cờ bay phấp phới.

Đám binh lính cầm thương dài trong tay, đứng trên vách đá hiểm trở bên bờ biển.

Gió lớn thổi quần áo bay phần phật, dường như định quăng cả người bọn họ xuống biển, bọn họ vẫn không nhúc nhích, đứng nghiêm trang, phóng tầm mắt bình tĩnh nhìn ra xa.

Mấy chiếc thuyền với cột buồm cao vút bắt đầu cập cảng, sau một hồi kèn một tiếng dài ba tiếng ngắn, những lá cờ lớn màu đen bung ra.

Binh lính phòng thủ trên cảng bước lên nghênh đón.

Người người chen chúc xô đẩy, chen vai thích cánh nhưng không ai dám nói ra tiếng, chỉ có tiếng bước chân dồn dập nặng nề, đến một tiếng ho khan cũng không nghe thấy.

Đám thương nhân trên biển được binh lính lịch sự mời ra khỏi tàu, bước chân lên mặt đất vững chắc, nhìn nhau, run rẩy, khép chặt áo bào trên người, mặt mày rầu rĩ.

Đúng tối ngày hôm quá, sau nửa tháng chỉ bao vây chứ không hề tấn công lên đảo Song Ngư và hay đánh vào thành lũy trên đảo, Hoắc đốc sư đột nhiên lợi dụng lúc đêm tối sương mờ dày dặc, tàu thuyền của Phật Lang Cơ phòng thủ lơi lỏng, xông vào cảng, đánh lên đảo, phá hủy thành lũy được xây dựng kiên cố trên đảo, đánh đắm tàu thuyền của người Phật Lang Cơ.

Sau một hồi hải chiến kịch liệt, người Đại và Tiểu Phật Lang Cơ, người Hồng Mao [1], người Tây Dương, người Oa đều bị giết tại chỗ.

[1] Từ chỉ người da trắng theo ngôn ngữ Mân Nam (được dùng ở Phúc Kiến và Đài Loan).

Cuộc chiến nằm ngoài dự liệu, tới tận khi kết thúc vẫn khiến đám thương nhân trên biển trở tay không kịp. Trong số bọn họ vẫn có nhiều người chưa kịp hoàn hồn, đội quân trên biển đã thua từ người Phật Lang Cơ, Ronin Nhật Bản [2], người Triều Tiên, cho đến cướp biển Trung Nguyên lại bỗng nhiên thành công cướp lại đảo Song Ngư.

[2] Ronin là những samurai không còn chủ tướng (chủ tướng đã chết hoặc không tin tưởng người đó nữa), trở nên nghèo khổ, lang thang.

Hoắc đốc sư chỉ bao vây chứ không tấn công trong nửa tháng trời, hóa ra không phải không làm gì được bọn họ, mà là chậm rãi chờ thời cơ, vây hết bọn họ lại hết trên đảo rồi bắt hết cả lượt.

Bọn họ là những thương nhân trên biển người Trung Nguyên nên mới thoát chết lần này, bị thuộc hạ của Hoắc đốc sư bắt sống, đưa tới hòn đảo nhỏ cách đảo Song Ngư chỉ một khe biển hẹp này.

Nhưng nghe người ta nói, Hoắc đốc sư cũng chẳng định buông tha cho bọn họ mà là định đưa bọn họ về Trung Nguyên lăng trì xử tử.

Triều đình nhất định phải đuổi cùng giết tuyệt bọn họ.

Đám thương nhân trên biển đờ đẫn, nhanh chóng bị lùa đến một bãi đất trống.

Gió biển gào thét, thoang thoảng đâu đây có mùi tanh tưởi của máu tươi, máu của người Phật Lang Cơ bắn tung tóe khắp cảng.

Có người nhớ lại cảnh tay chân rơi rụng trôi nổi trên cảng biển, khom lưng nôn mửa, khóc ròng mà không dám phát ra tiếng.

rõ ràng đã vào xuân, trời ấm áp, nhưng khung cảnh lại đìu hiu lạnh lẽo.

Đúng lúc này, ở cảng truyền tới tiếng kèn lảnh lọt, một tiếng dài hai tiếng ngắn.

một chiếc tàu lớn xé rách màn sương mù, từ từ cập cảng.

Cờ xí trên boong tàu bay phần phật, một người đàn ông cao lớn mặc áo giáp tay bó đứng ở mũi tàu, tay chắp sau lưng, dưới ánh mặt trời, người đó như thể một ngọn núi cao hùng vĩ đầy khí thế.

Đó chính là người đã suất quân tấn công cướp biển, Hoắc đốc sư.

Đám thương nhân trên biển chưa bao giờ được gặp mặt người này nhưng trong trận hải chiến, họ đã nhìn thấy một đại tướng quân sừng sững tựa núi cao đứng trên tàu chỉ huy binh lính giao chiến với người Phật Lang Cơ, gặp biến không kinh, gặp nguy không loạn, chỉ trong vòng cùng lắm là một canh giờ đã đánh cho đám người Phật Lang Cơ tưởng như không ai bì nổi kia một trận tơi bời hoa lá, thất thểu chạy trốn.

Vị Hoắc đốc sư này không chỉ dũng mãnh quyết đoán mà còn võ nghệ cao cường. Trước khi lên đảo, ngài ấy đứng ở bên mép thuyền, kéo cung cài tên, bắn ba mũi tên về phía đám cướp biển đang chạy tán loạn, từng mũi tên một, mũi nào cũng bắn trúng thủ lĩnh của lũ cướp biển, lực cánh tay hơn người, kỹ thuật bắn tên chuẩn xác, mạnh mẽ tới mức không ai chống lại nổi.

Năm đó tổng đốc Chiết Giang cũng đã chết trên tay Hoắc đốc sư, chết một cách vô cùng thê thảm, bị băm thành thịt vụn để an ủi vong linh của Hoắc gia quân!

hiện giờ, vị sát thần này lại xuất hiện rồi!

Đám thương nhân trên biển sợ hãi, run như cầy sấy.

Tại cảng, trong sự hộ tống của thân binh, Hoắc Minh Cẩm từ trên tàu bước xuống.

Vừa mới đánh thắng một trận, biểu cảm trên mặt chàng cũng chẳng có gì đặc biệt, đôi mắt sâu thẳm quét qua những thương nhân trên biển đang run lập cập, không nói một lời.

Đại tướng quân từng chinh chiến nhiều năm, không cần mở miệng, chỉ một ánh mắt lướt qua cũng khiến người ta sởn cả tóc gáy.

Mấy tiếng bịch bịch vang lên, đám thương nhân trên biển quỳ rạp xuống đất, hết người này đến người khác, dập đầu xin tha.

Tiếng khóc lóc nổi lên khắp nơi.

Hoắc Minh Cẩm không nói gì, tỏ ra lơ đãng nhìn xung quanh.

Viên quan nhỏ ở phủ Triệu Khánh Viên Lãng Bác hiểu ý, lập tức bước lên, lớn tiếng quát tháo đám thương nhân: "Các ngươi cùng một giuộc với giặc Oa, buôn lậu, xâm phạm lệnh cấm biển, tội ác tày trời!"

Đám thương nhân trên biển khóc lóc: "Chúng tiểu nhân cũng là bị ép buộc, bất đắc dĩ nên mới làm như vậy!"

"Đúng thế, chúng tiểu nhân bị giặc Oa ép buộc!"

Viên Lãng Bác cười lạnh một tiếng, "Giặc Oa ép các ngươi à? Ta thấy rõ ràng các ngươi bị lợi ích che mờ mắt, để kiếm chác lợi nhuận kếch xù, tự ý buôn bán, lũng đoạn thị thường, còn ngầm tư thông với giặc Oa, cản trở việc phòng thủ trên biển, cướp bóc các thị trấn vùng duyên hải. Đừng có mà giả vờ đáng thương nữa."

hắn vừa dứt lời, đám thân binh đã lao vào trong đám đông, túm lấy một thương nhân cao to vạm vỡ ấn xuống mặt đất, vung tay chém. Sau mấy tiếng răng rắc khiến người ta tê cứng cả người, máu tươi văng khắp nơi, một chiếc đầu lăn lông lốc bên cạnh.

Đám thương nhân trên biển thét lên thành tiếng, có kẻ nhát gan còn đái dầm ngay tại chỗ.

Viên Lãng Bác nhìn cái xác mất đầu vẫn còn đang run rẩy, cũng hơi cảm thấy khó chịu, cố nén cơn buồn nôn xuống, tiếp tục trách mắng đám thương nhân.

Nhìn thấy liên tục có người bị lôi ra ngoài chém đầu, những người còn lại hồn phi phách tán, nước mắt rơi lã chã.

Nhưng đúng vào lúc này, người đang đứng trên vách đá phóng tầm nhìn ra biển rộng là Hoắc Minh Cẩm bỗng nhiên giơ tay lên.

Viên Lãng Bác vội vàng ra lệnh cho thân binh dừng tay, đi tới mấy bước.

Đám thương nhân trên biển nhìn nhau, lo lắng sợ hãi, nhìn theo ánh mắt Hoắc đốc sư.

Mấy chiếc tàu lớn uy phong lừng lững đón gió rẽ sóng đang chạy như bay về phía đảo nhỏ.

Những người trên tàu đều mặc đồ đen, đội mũ đen. Dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh, tiếng trống dồn dập vang lên như sấm rền, âm thanh thấu tận trời xanh.

Chỉ nhìn thôi cũng biết, những chiếc tàu này không phải thuyền của quan phủ nhưng lại có khí thế kinh người, tốc độ cực nhanh.

Tới khi tàu lại gần, mọi người mới nhìn thấy cờ xí màu vàng tung bay trên cột cờ cao vút, trên đó có một chữ "Hồ".

Có tiếng hít vào kinh ngạc vang lên trong đám người.

Có người lo sợ nghi hoặc, có người kinh ngạc, có người không hiểu chuyện gì, có người vui mừng khấp khởi.

Thử hỏi hiện giờ trong những con tàu lui tới trên biển, ai dám treo cờ hiệu của Hồ gia?

Đương nhiên chỉ có chủ thuyền Hồ Phong!

Cái người tên Hồ Phong này vốn là người phủ Kim Hoa, Chiết Giang, do gia cảnh bần cùng nên phải cùng đồng hương ra biển mưu sinh, buôn lậu. Ông ta là người hào sảng, nghĩa khí, mưu trí, thường xuyên qua lại trong vùng duyên hải Mân Chiết, buôn bán trao đổi với người Phật Lang Cơ và người các nước phụ thuộc ở Tây Dương. Năm hai mươi tuổi, ông ta đã làm chủ một đội thuyền buôn. Năm đó Đổng Hàn Chi công phá đảo Song Ngư, tuy nhanh chóng qua đời nhưng vẫn giáng một đòn mạnh mẽ vào đám cướp biển. Nội bộ cướp biển nảy sinh nội chiến, Hồ Phong mượn cơ hội này nhanh chóng vùng lên, thu nạp đám thương nhân trên biển đã tan tác vào dưới trướng, cộng thêm cả đám cướp biển ở vùng duyên hải Phúc Kiến, Chiết Giang, cuối cùng trở thành bá chủ trên biển ở vùng duyên hải Mân Chiết, được người người công nhận.

Bởi hắn có quen biết với những lãnh chúa (daimyo) của Nhật Bản, định cư lâu dài ở Nhật Bản, còn có hẳn cả một quân đoàn trên biển để buôn bán với các quốc gia khác, và lui tới các nước Tây Dương nên căn bản quan phủ không thể đối địch với hắn. hắn hoành hành trên biển mấy năm, không ngừng qua lại với tất cả những người buôn bán trên biển, cướp biển cũng phải dè chừng hắn, đến đội quân trên biển của quan phủ cũng không dám đâm đầu vào mũi giáo của hắn.

Đội tàu của Hồ Phong được trang bị súng ống hoàn hảo, có những tên cướp biển tinh nhuệ được quản lý theo kiểu quân đội, có những Ronin Nhật Bản kiên cường, có những chiếc tàu chiến lớn không kém gì chiến hạm của Phật Lang Cơ. hắn chính là bá chủ trên biển.

Vì sao ông trùm số một tung hoành khắp biển Đông Hải lại xuất hiện gần đảo Song Ngư?

Hơn nữa lại đúng vào lúc Hoắc đốc sư vừa mới đuổi người Phật Lang Cơ ra khỏi đảo?

Đám thương nhân tim đập thình thịch, ngóng chờ Hồ Phong và Hoắc đốc sư xông vào đánh nhau, đến lúc đó bọn họ có thể nhân cơ hội này để đào tẩu.

Hoặc là Hồ Phong đang tới cứu bọn họ không biết chừng?

Đám thương nhân trên biển suy nghĩ miên man.

Nhưng họ không ngờ những con tàu đó vẫn chưa gác nòng pháo lên mà cứ thế đường đường chính chính cập cảng!

Quan binh cũng không hề ngăn cản bọn họ, để đám cướp biển cứ thế đi thẳng lên bờ.

Đám thương nhân trợn mắt há mồm.

Tàu cập bờ, tiếng trống rung trời cuối cùng cũng ngừng lại.

Chỉ chốc lát sau, một người đàn ông trung niên rời tàu, xung quanh là một đám hộ vệ. Tất cả đều mặc đồ đen, đi giày đen, cao lớn cường trán, mắt sáng như sao, tuy không đông người nhưng lại có khí thế hùng tráng.

Người đàn ông trung niên đi giữa có tướng ngũ đoản [3], mày rậm mắt to, mũi thẳng miệng rộng, diện mạo thường thường nhưng đôi mắt lại ẩn chứa vẻ khôn khéo, bên môi mang nụ cười, nhìn như thể một thương nhân rất bình thường.

[3] Đầu ngắn, mặt ngắn, thân ngắn, chân ngắn, tay ngắn. nói chung là thấp đều nên cơ bản là hài hòa.

Trong những thương nhân trên biển ở đây, có người từng đến Nhật Bản, gặp được cái kẻ kiêu hùng một phương, khiến cho các lãnh chúa Nhật Bản cũng phải thi nhau lôi kéo này, kinh ngạc tới mức bật ra thành tiếng: "Đúng là Hồ Phong thật!"

Mặt Hồ Phong tươi roi rói, ông ta bước lên bờ, cười ha ha mấy tiếng, hồ hởi đi tới trước mặt Hoắc Minh Cẩm, chắp tay thi lễ, "Nhị gia!"

Hoắc Minh Cẩm gật đầu chào ông ta.

Hai người cứ như thể hai người anh em tốt lâu ngày không gặp, trò chuyện vui vẻ trước mặt mọi người.

Đám thương nhân trên biển nghẹn họng nhìn trân trối.

Hồ Phong đứng nơi đầu gió, cười tủm tỉm nói: "Nghe nói Nhị gia mới kết hôn, ta ở tận Nhật Bản xa xôi, không thể tặng quà đúng dịp, những thứ trên tàu coi như chúc Nhị gia tân hôn vui vẻ!"

trên khuôn mặt bình tĩnh không gợn sóng của Hoắc Minh Cẩm bỗng hiện lên nét cười.

Tuy người bình thường khó có thể phát hiện ra nét cười này nhưng Hồ Phong là ai cơ chứ, nhìn thoáng qua đã biết Hoắc Minh Cẩm rất vui, trong lòng không khỏi tò mò vợ mới cưới của chàng rốt cuốc là khuynh thành quốc sắc tới mức độ nào mà lại có thể thuyết phục được vị Hoắc đốc sư cứng rắn nhường này.

Ông ta tò mò thì tò mò nhưng lại không hề để lộ ra, trên mặt vẫn treo nụ cười, nhìn về phía đám thương nhân trên biển đang quỳ rạp dưới đấy run rẩy, hỏi: "Nhị gia chuẩn bị xử trí những người này thế nào?"

Hoắc Minh Cẩm phóng tầm mắt về phía mặt biển dập dềnh sóng nước, chậm rãi nói: "Cướp biển hay thương nhân trên biển chỉ cách nhau một ý nghĩ. Nếu như triều đình gỡ bỏ lệnh cấm biển, cướp biển cũng sẽ trở thành thương nhân, về sau việc buôn bán sẽ được mở lại ở đảo Song Ngư. Triều đình sẽ bỏ qua những chuyện cũ trước đây nhưng nếu như có người có ý đồ gây sóng gió, triều đình cũng sẽ không nương tay."

Hồ Phong tỏ vẻ vui mừng.

Hoắc đốc sư nói vậy có nghĩa là triều đình thật sự sắp giải trừ cấm biển rồi! Lại còn sẽ không đuổi cùng giết tuyệt những kẻ cướp biển lưu vong như bọn họ nữa!

Tuy ông ta đã cư trú ở Nhật Bản một thời gian dài nhưng thật ra trong lòng vẫn luôn hy vọng có thể trở về Trung Nguyên. Đáng tiếc ông ta là giặc Oa, thanh danh vốn chẳng còn gì, không chỉ quan phủ muốn truy sát ông ta, đến cả mẹ già, con nhỏ của ông ta cũng không chịu nhận ông ta.

Ông ta đã hiểu ẩn ý trong lời nói của Hoắc đốc sư, quan phủ muốn vị bá chủ trên biển như ông ta duy trì thế cân bằng để đảm bảo rằng sau khi giải trừ chế độ cấm biển, vùng duyên hải vẫn giữ được trật tự, yên bình.

Nếu như triều đình tha thứ cho những hành động trước kia của ông ta, khiến cho ông ta có thể về quê một cách đường đường chính chính, hơn nữa còn để ông ta tiếp tục làm bá chủ trên biển, ông ta đương nhiên chấp nhận hợp tác với quan phủ!

Đám thương nhân bên cạnh phơi mình dưới ánh mặt trời chói chang, gió biển tấp vào mặt, quỳ trên bãi cái bỏng rát, khiếp sợ.

không được rồi!

Đến cả ông trùm số một trên biển cũng bị Hoắc đốc sư thuyết phục đầu hàng mất rồi!

...

Tin chiến thắng ở Quảng Đông được đưa về kinh sư, Chu Hòa Sưởng vui mừng khôn xiết, không đợi Hoắc Minh Cẩm khải hoàn về triều đã hạ chỉ phong thưởng.

Giải trừ chế độ cấm biển đã là xu thế không thể thay đổi được, đại thần trong triều bắt đầu lo lắng về chuyện giặc Oa sẽ tới cướp phá.

Phạm Duy Bình lên tiếng: "Hoắc đốc sư thuyết phục được Hồ Phong, Đường Uy, Tống Thanh Vân và mấy chục tên cướp biển khác đầu hàng, việc buôn bán trên đảo Song Ngư đã khôi phục trở lại, thông suốt như cũ, lại còn có mấy người như Hồ Phong giúp đỡ, về sau cướp biển đều trở thành thương nhân trên biển, số lượng giặc Oa sẽ giảm mạnh. Trong đám tù binh mà Hoắc đốc sư bắt được có chín thợ thủ công người Phật Lang Cơ, đoạt được tàu thuyền và và Hồng Di đại pháo của bọn chúng, mỡ nó rán nó, chỉ là mấy tên giặc Oa vớ vẩn không đáng lo nữa."

Chu Hòa Sưởng cho rằng ông ta nói có lý, đặc xá cho Hồ Phong, Đường Uy, Tống Thanh Vân và mấy người khác, phong chức quan, tước vị cho bọn họ, trấn an dân chúng vùng duyên hải.

Ban đầu, quan viên địa phương và dân chúng vô cùng bất mãn với việc Hoắc Minh Cẩm vây công đảo Song Ngư, không ngờ triều đình lại không vì thế mà cắt đứt con đường buôn bán giữa phương đông và phương tây, lại còn chính thức giải trừ chế độ cấm biển, đưa thị trường mậu dịch vào quy củ. Cứ như vậy, về sau bọn họ có thể kiếm tiền một cách quang minh chính đại, không cần phải che che đậy đậy, lo lắng đề phòng như trước nữa. Tuy bọn họ sẽ phải nộp tiền thuế nhưng lại đảm bảo được an toàn và hiệu suất. So với lợi nhuận dồi dào kiếm được, mấy đồng tiền thuế có đáng là bao?

Khắp vùng Mân Chiết vui mừng khôn tả, còn vui hơn cả Tết.

Người dân ở các thị trấn có thương nghiệp phát triển trong các vùng Chiết Giang, Phúc Kiến bắt đầu miệt mài lao động ngày đêm để nhân dịp tàu thuyền nước ngoài cập cảng còn kiếm thêm chút bạc.

Còn mấy người Hồ Phong, Đường Uy nhận được phong thưởng của triều đình thì mừng như điên, càng thêm tôn kính Hoắc Minh Cẩm.

Đám cướp biển từng chĩa súng ống vào những thị trấn phồn hoa khi xưa nay đã liên hợp lại với nhau, phối hợp với quân đội của quan phủ, hình thành một tổ hợp lớn mạnh trên biển, đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi, giữ yên Đông Hải, Tây Dương, bảo vệ cho thương nhân Trung Nguyên buôn bán trên biển.

Sau khi xác định được Hồ Phong thật lòng góp sức cho triều đình, Hoắc Minh Cẩm sai người đưa thư mật về kinh. Việc đánh xuống cảng Lữ Tống ở phía nam cần có sự đồng ý của Chu Hòa Sưởng.

Chu Hòa Sưởng đương nhiên sẽ không phản đối.

Vì thế Hồ Phong suất lĩnh thuộc hạ, ùn ùn đánh về cảng Lữ Tống.

Tiếp theo cảng Lữ Tống còn có nước Mãn Lạt Gia ở Tây Dương đang bị Phật Lang Cơ chiếm cứ.

Tàn sát người Hoa, tuy xa vẫn diệt!

Lữ Tống, Mãn Lạt Gia đều là nước phụ thuộc của Trung Nguyên. Nếu Lữ Tống, Mãn Lạt Gia rơi vào cảnh loạn lạc thì Trung Nguyên có nghĩa vụ giúp dân địa phương quét sạch nội loạn!

...

Trong khi tin chiến thắng liên tiếp đổ về, kì thi hội đầu tiên kể từ khi Chu Hòa Sưởng đăng cơ được cử hành.

Quan chủ khảo cuối cùng được xác định là Diêu Văn Đạt và Uông Mân.

Hôm đầu tiên của kì thi, Phó Vân anh không phụ trách giám thị.

Nàng cũng đang làm bài thi.

Trong phòng chỉ có một mình nàng, nàng ngồi sau bàn, trước mặt là đề thi giống hệt của các thí sinh khác.

Điểm khác biệt giữa nàng và mấy người Viên Tam là ở chỗ lúc nàng làm bài thi không có giới hạn thời gian, cũng không bị giám thị nghiêm mật, chỉ có hai nội quan đứng chờ ngoài cửa. Thi thoảng lại có người bưng trà bưng nước đi vào, hầu hạ nàng ăn uống ngủ nghỉ, ban đêm được nằm trên giường lớn mềm mại, bữa nào đồ ăn cũng phong phú ngon lành.

Nàng bình tĩnh, chậm rãi làm xong bài thi.

Chu Hòa Sưởng thường xuyên tiếp kiến Bạch Trường Nhạc, tầm mắt cũng mở rộng ra rất nhiều, tạo ra nhiều thay đổi về tư tưởng, quan niệm, cực kỳ quan tâm tới việc buôn bán trên biển, đề thi năm nay cũng liên quan tới vấn đề này nên nàng trả lời rất trôi chảy.

Năm nay mấy người Triệu Kỳ, Viên Tam cũng gặp may, lúc nàng ở nhà, thi thoảng sẽ nhờ bọn họ giúp đỡ thu thập tài liệu về các nước hải ngoại, lúc bọn họ cầm được đề trong tay hẳn là rất vui mừng.

Nàng viết từng chữ từng chữ một, viết xong kiểm tra lại mấy làn từ đầu đến cuối, đặc biệt những chỗ cần kiêng dè [4] thì phải xác định là không có gì sai sót rồi mới vỗ tay để nội quan đi vào.

[4] Những chữ cần tránh ví dụ như tên của Hoàng đế, Hoàng hậu phải dùng từ có ý nghĩa hoặc cách phát âm tương tự để thay thế. Đây chính là kị húy.

Nội quan cười tươi chúc mừng nàng, cầm bài thi đi.

Trước khi kì thi hội kết thúc, nàng là đồng giám khảo chấm thi, không thể ra khỏi trường thi một bước.

Làm bài thi giống hệt như các học sinh chỉ là hình thức để tiện cho việc ban cho nàng công danh tiến sĩ sau này.

Hôm sau, nội quan đưa Phó Vân anh đi gặp những giám khảo khác.

Mọi người đều đã bị nhốt mấy ngày, tâm trạng không tốt lắm, đứng trước hành lang, chắp tay chào hỏi lẫn nhau rồi chờ bốc thăm.

Sau khi bốc thăm, số trên thẻ sẽ tương ứng với số phòng mà họ ngồi trong đó để chấm thi. Cũng giống như những người đi thi, phòng chấm bài thi cũng ngăn cách độc lập với nhau, không ai biết mình sẽ được phân đến phòng số mấy, lúc chấm bài cũng chỉ có thể đọc được những bài thi được giao đến tay mình. Bởi các phòng đã được ngăn cách với nhau, giám khảo này cũng không thể nói chuyện với giám khảo khác.

Mỗi người nhận được bài thi, đưa ra đánh giá của bản thân, nếu trong đó có một bài thi có những đánh giá quá khác biệt thì quan chủ khảo cần phải đưa ra nhận định của mình về ưu khuyết điểm của bài thi đó.

Phó Vân anh số may, rút được phòng chấm thi yên tĩnh lại khô ráo thoáng mát.

Trước kia khi còn ở thư viện, nàng đã thường xuyên phê chữa bài cho học sinh, chuyện chấm bài thi không khó khăn gì với nàng.

Bởi có sai sót trong khi chấm bài sẽ bị truy cứu trách nhiệm nên khi chấm bài thi nhất định phải đọc kỹ từng câu từng chữ, xác định câu chữ có lưu loát hay không, trình bày có rõ ràng hay không, có ngôn từ nào đại nghịch bất đạo hoặc quên những chỗ cần tránh hay không, sau đó phải viết lời bình của mình vào đó. Những bài thi được đánh giá tốt nhất sẽ được đề cử cho quan chủ khảo phê chữa.

Việc này không khó, chỉ có điều quá rườm rà.

Mười mấy ngày sau, mấy người giám khảo bọn họ cuối cùng cũng chấm thi xong, được cho phép rời khỏi trường thi.

Sau khi về đến nhà, Phó Vân anh vội vã tắm rửa, đặt lưng xuống là ngủ luôn.

Nghỉ ngơi suốt hai ngày mới lấy lại được tinh thần.

Xuân về hoa nở, hoa hạnh trong kinh nở rộ, lại đã đến lúc yết bảng kì thi hội.

Khắp phố lớn ngõ nhỏ trong kinh thành đều đang bàn tán chuyện năm nay ai sẽ là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.

Lần này người có thể đạt được vị trí thám hoa chính là một học sinh ở Chiết Giang, hắn còn trẻ, quan tâm đến ăn mặc, trắng trẻo thư sinh, đẹp như con gái, học hành lại khá tốt, có được kỳ vọng rất lớn.

Ngày yết bảng, Phó Vân anh không chờ tin tức mà ở trong cung chơi chủy hoàn với Chu Hòa Sưởng.

Nàng vào cung báo cáo với hắn về việc mấy người Ngưu Ngân đi lưu đày ở đảo Song Ngư. Nàng báo cáo xong, đang định đi thì Chu Hòa Sưởng giữ nàng lại, rủ nàng sang Tây Uyển, vừa chơi chủy hoàn vừa bàn bạc với nàng về kế hoạch cụ thể chuyện chiêu mộ nhân tài đi Tiểu Lưu Cầu và đảo Song Ngư.

Văn bát cổ đã trở nên lỗi thời, rập khuôn, hạn chế tư tưởng. Học sinh trong thiên hạ ai cũng biết điều đó.

Thi khoa cử chỉ chấp nhận bát cổ văn, còn khiến cho những quan lại được tuyển chọn tuy tài hoa, đọc đủ thứ thi thư nhưng lại chẳng quan tâm chút nào tới chuyện quốc kế dân sinh, dẫu có học học vấn cũng chẳng dùng được vào việc gì.

hiện giờ cần phải thay đổi ngay tình trạng quan địa phương không biết quản lý dân chúng, không thể làm được việc gì lớn.

Nhưng khoa cử lại là gốc rễ của quốc triều, không thể sửa đổi, hơn nữa trước mắt, nó lại thực sự là cách công bằng công chính nhất để tuyển chọn quan lại.

không thể thay đổi chế độ tuyển chọn quan lại thì phải bắt đầu từ những người phụ tá cho quan viên.

Trị quốc an bang không chỉ dựa vào mấy trăm quan viên, những sai dịch, tiểu lại có số lượng đông đảo cũng có thể phát huy tác dụng lớn.

Hình danh sư gia am hiểu luật pháp, văn án sư gia phụ trách soạn thảo công văn, sư gia quản thuế ruộng quản lý thu nhập từ thuế. Các chức lại thường là những người ở lại một vị trí lâu nhất, quan viên thường phải luân chuyển vị trí, những tiểu lại ở địa phương này lại trở thành mối đe dọa lớn, bọn họ mà hợp tác với nhau thì có thể che mắt cả quan viên.

Chu Hòa Sưởng định thông qua việc thi chuyên môn để tuyển chọn nhân tài đưa tới đảo Song Ngư và Tiểu Lưu Cầu nhưng kì thi này lại khác với khoa cử bình thường, không có công danh.

hắn sầu lo: "Nhỡ không có ai tới báo danh tham gia thi thì sao?"

Thế thì quá xấu hổ, Hoàng đế cũng cần thể diện đấy nhé!

"Hoàng thượng lo quá lên rồi." Phó Vân anh nói, "Đây là kì thi do ngài chủ trì, tuy không có công danh nhưng không có nghĩa là không có tiền đồ. Những cử nhân thi trượt đó chắc chắn sẽ chủ động đi thi. Hơn nữa, Hoàng thượng muốn tuyển chọn những người thực sự có thực lực, ít người một chút cũng chẳng sao, chỉ cần có khả năng là được."

Chu Hòa Sưởng gật đầu, gác gậy đánh bóng sang một bên, nhận khăn lau mồ hôi, "Đúng rồi, Hồ Phong mang quân đi đảo Lữ Tống, phải tống cổ hai gã sứ thần kia đi thế nào bây giờ?"

Hai gã sứ thần của Phật Lang Cơ tới triều giải thích về vụ việc tàn sát người Hoa còn chưa đi mà Hồ Phong, Đường Uy đã dẫn đội tàu đánh xuống phía nam, tới đảo Lữ Tống.

Bọn họ sẽ không bỏ qua cho những kẻ tàn sát người dân vô tội.

Phó Vân anh cười: "Cứ nói thật với bọn chúng là được."

Đánh thì cũng đánh rồi, sợ gì trở mặt với người Phật Lang Cơ nữa.

đang nói chuyện, nội quan tới báo cung nữ trong điện của Khổng Hoàng hậu tới, nói Khổng Hoàng hậu không được khỏe, mời Chu Hòa Sưởng sang bên đó.

Phó Vân anh lập tức xin phép ra về.

...

Mấy ngày trước, Khổng Hoàng hậu có tin vui, nàng ta mang thai. Nếu như sinh được con trai, đích trưởng tử nhất định được sắc phong là Thái tử, hiện giờ cả hoàng cung đều coi Khổng Hoàng hậu là bảo bối, đến đại thần trong triều cũng cực kỳ chú ý đến cái bụng của Khổng Hoàng hậu.

Chu Hòa Sưởng lần đầu làm cha lúng ta lúng túng, không biết làm thế nào để trấn an Khổng Hoàng hậu. Sau khi có thai, nàng ta đột nhiên trở nên thích khóc lóc. hắn chỉ còn cách ngày nào cũng ban thưởng một đống đồ đến tẩm cung của Khổng Hoàng hậu.

Đương nhiên, Khổng gia cũng được phong thưởng rất nhiều.

Lúc mang thai, Khổng Hoàng hậu không khỏi suy nghĩ miên man, khóc lóc nói nàng ta nhớ anh trai.

Chu Hòa Sưởng an ủi nàng ta hồi lâu nhưng vẫn không chịu phái người đưa Khổng Liên về. Khổng Liên bị phái đi Nam Kinh, phải tới sáu tháng cuối năm mới được về kinh sư.

...

Phó Vân anh đi rồi, Chu Hòa Sưởng còn tính triệu kiến Bạch Trường Nhạc để bàn bạc với ông ta về việc đúc Hồng Di đại pháo. Nghe nội quan nói Khổng Hoàng hậu mời hắn qua, hắn do dự một lát rồi nói: "Buổi chiều Trẫm đi cung Khôn Ninh sau, cứ bảo thái y qua xem thế nào trước đã."

Nội quan đi ra ngoài, nói lại nguyên văn cho cung nữ của cung Khôn Ninh nghe.

Cung nữ trở về tẩm điện, cân nhắc câu trả lời: "Nương nương, Hoàng thượng bận tiếp kiến đại thần, nghe nói người không được khỏe, lập tức sai thái y tới đây, đợi ngài ấy xong việc sẽ tới thăm người ngay."

Khổng Hoàng hậu ngồi dựa vào thành giường, mặt mày vàng vọt, bụng đau quặn. Hoàng thượng không tới, nàng ta vô cùng thất vọng, cảm giác như bụng càng đau hơn.

Nàng ta ôm bụng hỏi: "Hoàng thượng đang làm gì?"

Cung nữ rón rén đáp lời: "Hoàng thượng và Phó đại nhân đang chơi bóng ở Tây Uyển ạ."

"Tây Uyển?"

Khổng Hoàng hậu nhíu mày, Tây Uyển có phải cung Càn Thanh đâu, kể cả tiếp kiến đại thần đi chăng nữa, có chuyện gì quan trọng cần bàn bạc thì tại sao lại đến Tây Uyển cơ chứ? Lại còn vừa chơi bóng vừa bàn bạc!

Hơn nữa lại là Phó Vân.

Hoàng thượng cứ triệu kiến "y" suốt. Trong triều có nhiều đại thần như vậy, không thể triệu kiến những người khác hay sao?

Nghĩ tới lời đồn đại trong cung gần đây, tay Khổng Hoàng hậu run lên.

Nàng ta bảo những người khác ra khỏi điện, hỏi nữ quan thân cận nhất: "Ngươi đi dò la xem Phó Vân có từng ngủ lại ở cung Càn Thanh hay không."

Nữ quan giật nảy mình, cúi đầu đáp: "không đâu, nương nương, từ trước đến nay Phó đại nhân chưa từng ngủ lại trong cung. Nhưng thật ra Uông đại nhân, Phạm đại nhân từng ngủ lại phòng làm việc, Hoàng thượng và Phạm đại nhân còn từng thắp nến tâm sự suốt đêm, uống rượu với nhau cả đêm.

Đại khái Phó đại nhân cũng biết tướng mạo xuất chúng của bản thân có thể đưa đến những lời đồn đại không hay, tuy được Hoàng thượng cực kỳ tin tưởng nhưng lại cẩn thận vô cùng, không ngủ lại trong cung. Có một lần trời đã tối đen như mực mà vẫn khăng khăng đòi về. Hoàng thượng biết tính ngài ấy, về sau cũng không giữ ngài ấy lại nữa, nếu thời tiết không tốt hoặc trời tối sẽ nhắc nhở nội quan chuẩn bị xe ngựa cho tốt.

Uông đại nhân, Phạm đại nhân, Diêu đại nhân thì ngược lại, chẳng kiêng dè gì, có mấy lần vua tôi nói chuyện tới khuya, các vị các lão liền ngủ lại phòng làm việc.

Bởi vậy, đại thần trong triều dù có ghen tỵ với Phó đại nhân vì chuyện có quan hệ thân thiết với Hoàng thượng nhưng người ta là bạn bè từ thuở thiếu niên, hơn nữa còn có công bảo vệ Hoàng thượng, muốn được như người ta cũng không được. Thay vì đố kỵ, chẳng thà tạo quan hệ tốt với ngài ấy còn hơn.

Cho đến nay, vẫn chưa có ai dùng loại suy nghĩ này để phỏng đoán mối quan hệ vua tôi giữa hai người họ.

Thứ nhất, Phó đại nhân thanh cao, trong sạch, cần cù làm việc, chính trực quả cảm, không ai có thể nghĩ đến phương diện đó.

Thứ hai, Hoàng thượng quá thẳng thắn, ngài ấy đối xử tốt với ai cũng là thật lòng đối xử tốt với người đó, đại thần căn bản sẽ không nghĩ nhiều.

Hơn nữa, ai mà chẳng biết Hoàng thượng thích mỹ nhân, thương hương tiếc ngọc, chưa bao giờ nuôi nam sủng.

Nữ quan mặt mày ngơ ngác, khuyên nhủ Khổng Hoàng hậu: "Nương nương, người đừng suy nghĩ vẩn vơ, dạo này đêm nào Hoàng thượng chẳng đến đây với người, hôm nay cũng tới mà."

không Hoàng hậu vuốt nhẹ lên bụng mình, mím môi không nói.

...

Lúc về đến nhà, Phó gia giăng đèn kết hoa, khắp nơi nói cười vui vẻ.

trên mặt đất trước cổng nhà văng đầy xác pháo.

Phó Vân anh sửng sốt sững sờ chốc lát, sau đó khóe miệng cong lên.

Từ từ đi vào chính đường, quả nhiên nàng nhìn thấy trong đường là một tờ tin mừng, Viên Tam đỗ cống sĩ rồi.

Số hắn may, đề thi toàn ra vào những phần hắn biết, đỗ thứ năm mươi chín.

không thấy tin mừng của Phó Vân Khải, Phó Vân anh hỏi quản gia đang ra ngoài đón nàng.

Quản gia nói lần này Phó Vân Khải không thi đỗ.

Về mặt học hành, Phó Vân Khải không bằng Viên Tam, chuyện này cũng nằm trong dự kiến của nàng.

Trong chính đường bày mấy bàn tiệc, Viên Tam bị người khác ấn xuống, chuốc rượu tới tấp. Phó Vân Khải ở trong đó. hắn cười ngoác cả miệng, rõ ràng kết quả thi không làm ảnh hưởng tới tâm trạng của hắn chút nào.

Việc này khiến Phó Vân anh vui mừng, cửu ca thật sự trưởng thành rồi.

Nàng không đi vào quấy rầy mấy người Viên Tam mà về viện của mình trước.

Phụ tá lấy kết quả kì thi ra cho nàng xem, mấy người Đỗ Gia Trinh, Lý Thuận, Trần Quỳ đều có tên trên bảng, Đỗ Gia Trinh xếp cao nhất, được thứ ba mươi mốt.

"Buổi chiều mấy vị tướng công tới đây báo tin vui, đều nói muốn mời đại nhân qua uống rượu."

Phụ tá cười nói.

Bạn bè thân thiết và học sinh của đại nhân liên tục tham gia khoa cử, người thi đỗ càng nhiều càng có lợi cho đại nhân, về sau những người này đều sẽ giúp đỡ đại nhân.

Phó Vân anh cười, bảo quản gia đưa quà cáp đã được chuẩn bị sẵn tới tận tay mấy người Đỗ Gia Trinh, ngoài ra còn không bỏ qua những người thi trượt, ai cũng có phần.

Sáng sớm hôm sau, mấy người Trần Quỳ cùng nhau tới nhà mời nàng đi uống rượu.

Nàng uyển chuyển từ chối, nhắc nhở bọn họ nhớ đi thăm các thầy.

Đỗ Gia Trinh cười hề hề, nói: "Tính Diêu các lão vẫn như xưa chứ gì, chiều chúng ta đi sau."

Học sinh người Chiết Giang đứng thứ năm đã bị Diêu Văn Đạt mắng té tát, học sinh kia chính là mỹ nam tử Tô Thừa Dụ được mọi người kỳ vọng. hắn là đồng hương của Diêu Văn Đạt.

Nghe nói Tô Thừa Dụ tinh thần phơi phới, lúc bước vào cổng Diêu gia còn cười mà đến lúc ra đã khóc sướt mướt, nước mắt làm phấn trên mặt cũng bong hết cả ra, nước mắt lã chã, trông đến là đáng thương,

Tô Thừa Dụ chú trọng việc trang điểm, thích tô son điểm phấn, học sinh phương bắc không thích cái này.

Nhưng mà hiện tại "Tô Ý" đang lưu hành, có nghĩa là người Tô Châu trang điểm thế nào, mặc quần áo thế nào, ăn uống thế nào, mọi người ở khắp các vùng từ bắc chí nam sẽ điên cuồng bắt chước. Vậy nên mọi người chỉ dám khinh bỉ sau lưng, không dám nói ra ngoài miệng, sợ bị người khác chê là thô tục.

Phó Vân anh bật cười, không còn nghi ngờ gì nữa, xem ra thám hoa năm nay nhất định là Tô Thừa Dụ rồi

Thời tiết ngày càng ấm áp, hoa hạnh hai bên đường nở bung, nàng không ngồi xe ngựa mà cưỡi ngựa tới Đại Lý Tự.

Lúc xuống ngựa, dân chúng đợi đã lâu trước cửa ùa tới như thủy triều, cho nàng đồ ăn, đồ uống, đồ dùng, còn có người đưa thẳng miếng thịt lợn, bảo phải tẩm bổ cho nàng.

Nàng dở khóc dở cười, phải có Kiều Gia giúp đỡ mới tránh được họ.

Thạch Chính đã đem mấy lu hoa sen tới đặt trước cửa sổ phòng làm việc mới của nàng, lá sen mới lộ ra một đoạn xanh non. Trong viện, cây tử đằng tươi tốt, rủ xuống những chuỗi hoa tử đằng dày đặc như thác nước, tựa ảo mộng.

Phê duyệt công văn được một lúc, nàng đưa mắt nhìn về phía biển hoa ngoài cửa sổ, nghĩ thầm Hoắc Minh Cẩm hẳn phải về rồi mới phải.

Chàng không cần đích thân đi Lữ Tống. Sau này, trật tự ở Đông Hải và vùng biển Tây Dương giao cho mấy người Hồ Phong, Đường Uy là đủ rồi.

Triều đình sẽ trợ giúp người Hoa xây sửa lại phố người Hoa ở cảng Lữ Tống, đoạt lại Mãn Lạt Gia, đưa vương tộc của Mãn Lạt Gia về quê cũ.

Những việc làm này không phải là tốn công tốn sức không đâu, cảng Lữ Tống và eo biển Mãn Lạt Gia đều đều là những cảng biển quan trọng trong việc buôn bán trên biển. Đoạt lại hai địa điểm này có thể mang lại lợi ích rất lớn cho triều đình.

Cũng không cần phải lo thế lực của Hồ Phong sẽ phát triển quá lớn mạnh. một khi thực sự giải trừ cấm biến, thương gia giàu có của Mân Chiết sẽ nhanh chóng nổi lên, sau đó những thế lực này sẽ trở thành đối trọng với Hồ Phong, việc triều đình phải làm khống chế cân bằng mà thôi.

Đảo Tiểu Lưu Cầu nằm trong phạm vi thế lực của Hoắc Minh Cẩm, chỉ cần chàng còn sống thì đến triều đình cũng không động được vào đảo Tiểu Lưu Cầu.

Phó Vân anh biết chàng để lại đường lui nhưng không ngờ mấy năm lưu lạc trên biển chàng lại từng đánh bại Hồ Phong, hơn nữa còn không giết chết đối phương, để lại tính mạng cho đối phương. Vậy nên Hồ Phong vẫn luôn kính sợ chàng, chàng ra mặt thuyết phục ông ta đầu hàng, Hồ Phong chỉ cân nhắc ba ngày đã đồng ý về Trung Nguyên.

Lần trước có vẻ chàng rất thích ăn bánh hoa tử đằng, về nhà nàng sẽ sai người hái ít hoa tươi cất đi, giữ lại để chưng bánh lên ăn, phòng khi chàng về hoa lại tàn mất.

...

Hôm nay, Chu Thiên Lộc tới cầu cứu Phó Vân anh.

Hai gã sứ thần người Phật Lang Cơ biết được triều đình và cướp biển ngày xưa đã kết hợp thành đội tàu ùn ùn đổ về phía nam, đánh vào Lữ Tống nên vô cùng sợ hãi, khóc lóc kể lể rằng Thiên triều bắt nạt bọn họ, yêu cầu triều đình đưa ra giải thích về chuyện này.

Chu Thiên Lộc bĩu môi nói: "thật là càn quấy! Da mặt ta dày thế mà vẫn không đọ được với bọn chúng!"

Phó Vân anh lườm hắn một cái, "Vậy nên ngươi cảm thấy da mặt ta còn dày hơn, nhất định có thể đối phó với sứ thần Phật Lang Cơ sao?"

Chu Thiên Lộc cứng đờ cả người, vội vàng trưng vẻ mặt tươi cười, chắp tay với nàng: "Đó là ta ngưỡng mộ trí thông minh của ngươi, cảm thấy chỉ có ngươi mới có thể kiềm chế được hai gã người nước ngoài kia, ngươi phong thái hơn người, không cần phải mở miệng, chỉ cần đứng dó thôi là đã có thể dọa cho hai gã sứ thần không nói nên lời."

Phó Vân anh cúi đầu đọc bộ hồ sơ đang mở trên bàn, "đi tìm Bạch Trường Nhạc đi, mỡ nó rán nó."

Chu Thiên Lộc sửng sốt, đờ ra một lát, mắt sáng lên, "Sao ta lại không nghĩ tới cơ chứ?"

Rồi hắn chạy đi nhanh như chớp.

Hoắc đốc sư đánh bại người Phật Lang Cơ trên đảo Song Ngư, mấy người Bạch Trường Nhạc nghĩ đến mà sợ hãi không thôi, nếu như bọn họ không bị người của Phó đại nhân giải về kinh sư, hiện tại chẳng phải sẽ giống như những người Phật Lang Cơ khác trên đảo, người một nơi mình một nẻo hay sao?

Để bám chặt lấy Phó đại nhân, cầu xin được che chở, Bạch Trường Nhạc không ngủ không nghỉ mấy ngày liền nghiên cứu tình trạng bệnh của Phó Vân Chương. Lúc Chu Thiên Lộc tới tìm ông ta, ông ta định ậm ừ cho cơ lệ, nhưng nghe nói Phó đại nhân cử hắn tới, ông ta lại như vừa hít được một hơi tiên khí, tinh thần lập tức phấn chấn hẳn lên.

"đi, những kẻ đó không xứng đáng làm con dân của Thượng đế! Lại còn tàn sát người vô tội, đến phụ nữ và trẻ con cũng không tha nữa chứ! Ta sẽ cảm hóa bọn họ cho tử tế!"

Người Đại và Tiểu Phật Lang Cơ gặp nhau, tình hình lập tức mất khống chế.

Chu Thiên Lộc chỉ có thể đứng nhìn hai gã sứ thần và Bạch Trường Nhạc đối mặt chửi mắng lẫn nhau. Bởi thực sự nghe cũng không hiểu bọn họ đang mắng cái gì, hắn chỉ có thể nhìn sắc mặt hai bên để đoán ra xem ai đang chiếm ưu thế.

rõ ràng, Bạch Trường Nhạc là một người truyền giáo có tri thức uyên bác, lại thành kính với tín ngưỡng của mình nên đã mắng hai gã sứ thần một trận không cãi lại được.

Hai gã sứ thần kêu gào đòi bẩm báo với chính phủ của bọn họ, phái thuyền đoạt lại cảng Lữ Tống.

Chu Thiên Lộc cười lạnh lẽo, "không cần các ngươi phải bẩm báo, triều ta sẽ tự thông báo rộng rãi trong và ngoài nước, toàn bộ các nước phụ thuộc ở Tây Dương đều nằm dưới sự bảo hộ của triều ta!" Dừng lại một chút, khóe miệng hắn nhếch lên, "Với cả, về chuyện các ngươi phải bồi thường cho chúng ta bao nhiêu bạc, Bộ Hộ đã tính xong cả rồi, khoản nào ra khoản nấy rõ ràng rành mạch, các ngươi nhớ mang giấy tờ theo đấy, nếu các ngươi không chi tiền ra đây, triều ta sẽ tự đi lấy sau."

Về chuyện lấy thế nào, có rất nhiều cách.

Hai gã sứ thần vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, phất áo bỏ đi.

...

Sau kỳ phục tuyển là lại đến thi đình.

Trong điện Bảo Hòa huy hoàng tráng lệ, không khí trang trọng nghiêm túc.

Hôm nay Phó Vân anh mặc mãng bào, cũng làm quan giám thị trên điện Bảo Hòa.

Tất cả cống sĩ cúi đầu làm bài, không ai dám ngẩng đầu lên nhìn xung quanh.

Thứ nhất, giám thị lần này đều là những vị quan lớn quyền cao chức trọng trong triều đình, bọn họ không dám nhìn. Thứ hai, áp lực lớn, họ chẳng có tâm trạng nào mà nhìn ngó lung tung.

Phó Vân anh đại khái là người thoải mái nhất.

Nàng nhìn quanh một lượt, ánh mắt dừng lại trên người Tô Thừa Dụ.

Trước đây đã nghe người ta nhắc đến bị sĩ tử người Chiết Giang này mấy lần, quả nhiên rất tuấn tú, trắng trẻo thư sinh, nhìn kỹ, mặt có đánh phấn.

Lúc nàng đang chắp tay sau lưng đứng trước bình đồng tính giờ [5], nội quan đi tới gọi nàng.

[5] một dạng đồng hồ tính giờ bằng sự nhỏ giọt của nước

Chu Hòa Sưởng muốn triệu kiến nàng.

Nàng theo nội quan ra khỏi điện Bảo Hòa, cắm đầu cắm cổ đi tới cung Càn Thanh.

Lúc bước lên bậc thang, nàng bỗng nhiên nghe thấy mấy tiếng đập vang, sau đó là tiếng lộp cộp, có người ngã từ trên bậc thang xuống, lăn tới trước mặt nàng.

Phó Vân anh phản ứng rất nhanh, đầu tiên kéo nội quan sang một bên để tránh, biết là sẽ không bị đụng vào mới giữ chặt lấy cánh tay người kia, giữ người đó lại. Nếu cứ lăn tiếp như thế có thể sẽ ngã chết.

Thân thể trong tay mềm ấm, nàng nhíu mày, người mặc quần áo nội quan này hóa ra lại là một cô gái!

Nàng lùi lại mấy bước, bảo nội quan đi tới.

Nội quan vẫn còn sợ hãi trong lòng, vỗ ngực hồi lâu mới lấy lại tinh thần, cúi người xem người mặt mũi bầm dập vừa lăn xuống là ai.

trên bậc thang truyền tới tiếng kêu la hỗn loạn, mấy nội quan, nội thị và nữ quan nhấc váy chạy xuống, túm tụm xung quanh cô gái bị ngã, thấy nàng ta còn thở mới thở phào.

Nữ quan sai người đỡ cô gái kia dậy, cõng đi, rồi xin lỗi Phó Vân anh: "Làm phiền đại nhân."

Nàng thi lễ đáp lại, nhấc chân đi tiếp.

Tới cung Càn Thanh, Chu Hòa Sưởng sai người lấy một phong thư ra cho nàng xem, cười nói: "Quy Hạc đạo trưởng sắp về rồi! Còn bảo sẽ mang nhiều đồ ăn ngon về cho đệ."

Phó Vân anh nhận lấy phong thư, đọc kỹ, hai hàng lông mày hơi động đậy.

Trước khi Chu Hòa Sưởng đăng cơ, Lão Sở Vương từng ép nàng thề, bắt nàng phải đồng ý sẽ không nói cho Chu Hòa Sưởng về thân phận thật sự của mình, đợi đến khi người làm cha là ông ta chết đi, nàng mới có thể nói thật với Chu Hòa Sưởng.

Nàng đồng ý rồi.

Nhưng trong phong thư này, Lão Sở Vương lại ám chỉ một câu thời cơ tới rồi.

nói chẳng giữ lời gì hết, Lão Sở Vương là bậc cha chú mà không đáng tin cậy gì cả.

Phó Vân anh gập thư lại, nhanh chóng suy nghĩ.

Giờ nói luôn cho Chu Hòa Sưởng á?

Thời cơ không thích hợp, Hoắc Minh Cẩm vẫn chưa trở về, nhị ca cũng không ở trong kinh.

Thấy mặt nàng có vẻ khác lạ, Chu Hòa Sưởng nhướn mày, cười hỏi: "Sao thế? Có phải trong thư của Quy Hạc đạo trưởng có gì mà Trẫm chưa hiểu không?"

Ông già và Vân ca nhi chắc chắn có bí mật gì đó giấu hắn, còn không ít nữa cơ.

Nhưng hắn chưa ép hỏi bao giờ, ông già cứ thích làm loạn lên, Vân ca phải đối phó với ông già thôi đã đủ đáng thương rồi.

Phó Vân anh nghĩ ngợi rồi nói: "Hoàng thượng, thần từng đồng ý với Quy Hạc đạo trưởng một chuyện, Quy Hạc đạo trưởng cũng từng đồng ý với thần một chuyện, thực ra hai chuyện này là một."

Chu Hòa Sưởng bưng chung trà lên uống, nghe vậy thì cười, "Chuyện gì thế? Bí mật vậy à?"

Phó Vân anh cúi đầu nói: "Quy Hạc đạo trưởng không ở đây, thần không biết nên nói với Hòang thượng như thế nào."

Chu Hòa Sưởng lắc đầu bật cười, "Được rồi, chờ Quy Hạc đạo trưởng về rồi nói sau."

hắn nghĩ Hoàng hậu mang thai, Vân ca nhi thành thân cũng được một thời gian rồi, không biết vợ đệ ấy có phải cũng mang thai rồi không?

Vốn định đem chuyện này ra trêu chọc mấy câu nhưng lời chưa nói ra, hắn đã nuốt lại vào họng.

Vân ca nhi không thích nói chuyện về việc riêng của đệ ấy, không trêu chọc đệ ấy vẫn hơn.

Ra khỏi Tử Cấm Thành, Phó Vân anh lập tức viết thư cho Hoắc Minh Cẩm, nói cho chàng về nội dung trong bức thư của Lão Sở Vương.

Sau đó nàng phái người đi Hồ Quảng và Lương Hương, những người đi Hồ Quảng thì đón Phó Vân Chương, những người đi Lương Hương phải bảo vệ cả gia đình Phó tứ lão gia.

Gửi thư đi xong, nàng nói chuyện này với Kiều Gia, hỏi hắn xem ở kinh sư nàng có thể tin tưởng những ai.

Kiều Gia nói: "Đại nhân yên tâm, trước khi đi Nhị gia đã sắp xếp xong xuôi cả."

Phó Vân anh gật đầu.

Trong cung Càn Thanh.

Chu Hòa Sưởng ngồi ở bàn phê duyệt tấu chương, ngồi nửa canh giờ bèn thấy đau eo mỏi lưng, gọi cung nữ vào đấm vai đấm lưng cho mình.

hắn nằm trên giường, cung nữ dùng đôi tay mềm mại nhẹ nhàng giúp hắn thư giãn cơ bắp trên lưng.

Bên ngoài bình phong, mấy cung nữ đang nói chuyện với nhau, không biết có phải không biết hắn đang ở trong hay không, bọn họ không hề cố gắng nói nhỏ.

hắn nghe loáng thoáng thấy tên Vân ca nhi, nghiêng người ngồi dậy, hỏi cung nữ: "Bọn họ đang nói gì thế? Cái gì mà Phó đại nhân cứu phi tử?"

Cung nữ vội quỳ xuống đất: "Bẩm Hoàng thượng, bọn họ nói sai rồi, đúng ra là chuyện về Lý nữ quan."

Chu Hòa Sưởng nhíu mày.

hắn biết Lý nữ quan, đó là mỹ nhân Triều Tiên hiến tặng cho hắn. Trước đó, mỹ nhân Triều Tiên đưa tới có tư sắc tầm thường, hắn không thích lắm. Triều Tiên lại nhanh chóng đưa thêm một mỹ nhân nữa tới đây, là con gái đại thần, đọc đủ thứ thi thư, dung mạo cũng xuất sắc.

Tuy hắn thích mỹ cơ nhưng cũng chưa đến mức thấy một người đẹp liền phải nạp ngay vào hậu cung.

Lý nữ quan đương nhiên là đẹp nhưng tính cách lãnh đạm, còn có vẻ rất oán hận người đưa nàng ta vào cung.

Vậy nên hắn không sủng hạnh nàng ta, phong nàng ta làm nữ quan, để nàng ta dạy dỗ quy củ lễ nghi cho cung nữ, dù sao Triều Tiên cũng tặng rồi, không thích cũng đành phải ở để lại thôi.

Cung nữ nói: "Hoàng thượng, khi nãy ở ngoài cung Càn Thanh, Lý nữ quan và những người khác có tranh chấp. Hai bên xông vào đánh nhau. Lý nữ quan ngã lăn xuống bậc thang, may mà đúng lúc ấy Phó đại nhân đi ngang qua, cứu được Lý nữ quan. Lý nữ quan bị thương ở chân, mặt cũng sưng lên, những bộ phận khác không sao."

"Hóa ra bọn họ đang nói về chuyện này."

Chu Hòa Sưởng cười cười.

Mấy ngày sau, đã có kết quả thi đình.

Trạng nguyên là người Nam Trực Lệ, bảng nhãn là người Giang Tây, thám hoa quả nhiên là Tô Thừa Dụ ở Chiết Giang.

Ba người trong nhất giáp đều là người phía nam, học sinh phương bắc ồ lên.

Nhưng mà làm gì được chứ, ai bảo người ta viết văn hay hơn họ cơ chứ?

Mọi người đều chú ý đến ba người đứng đầu, rất ít người chú ý tới chuyện, trong những người đỗ tiến sĩ, số lượng người xuất thân từ Hồ Quảng nhiều hơn lần trước rất nhiều, tuy thứ tự không cao lắm.

Chẳng ai phàn nàn về tư tâm nho nhỏ này của Chu Hòa Sưởng.

Hoàng thượng muốn đề bạt người của mình, ai dám phê bình nào?

Cùng lúc đó, Chu Hòa Sưởng đọc văn bát cổ của Phó Vân anh, ban cho nàng tiến sĩ cập đệ.

Từ lúc nàng đảm nhiệm chức đồng giám khảo đã có người đoán được như thế rồi, nên không ai có ý kiến gì khác.

Lúc nàng tiếp chỉ, trời cao trong xanh, như thể vừa được tẩy rửa.

Phó Vân anh mặc mãng bào, đội mũ sa, đứng nơi đầu gió trên đường vào cung điện, dáng người cao gầy, tuấn tú phong độ.

Nội quan cao giọng đọc thánh chỉ xong nhìn nàng, cười nói: "Chúc mừng Phó đại nhân."

Nàng khấu tạ thánh ân, mỉm cười.

Các đại thần đi ngang qua không thể không lén quan sát nàng, thấy nàng có mãng bào, tuấn tú sáng sủa, thoạt nhìn như thể người ngọc, hiện giờ lại được ban tiến sĩ cập đề, bước tiếp theo nhất định là thăng quan rồi.

Dựa vào công lao của nàng, đúng là cũng nên thăng thật, chỉ không biết Hoàng thượng để nàng làm tiếp ở Đại Lý Tự hay đưa nàng tới Lục Bộ đây.

thật đúng là khí phách ngút trời!

"Gió xuân thỏa sức cho phi ngựa"[6], hẳn chính là như thế này.

[6] Trích "Đăng khoa hậu" của Mạnh Giao, nói về phí phách của người trẻ tuổi sau khi đạt được công danh.

Mọi người nhìn nhau, trong lòng thầm quyết định, sau này nhất định không thể đối đầu với Phó tướng công!

...

Viên Tam đỗ tiến sĩ, Phó Vân anh quyết định làm trái với tác phong lặng lẽ của mình một hôm, mở tiệc cho hắn.

Nàng biết Viên Tam thích thế, hắn vẫn luôn rất để bụng chuyện xuất thân của mình.

Mấy người Đỗ Gia Trinh, Trần Quỳ cũng có tên trên bảng, bạn cùng trường ngày xưa giờ lại thành người thi đỗ cùng một năm, về sau là những người cùng hội cùng thuyền, tình cảm càng thêm sâu sắc.

Mọi người ầm ĩ cả một ngày, đến tận đêm, lúc lên đèn vẫn chưa chơi đã.

Phó Vân anh ăn với họ một bữa cơm, rồi trở về phòng sớm.

Kiều Gia nói: "Nhị gia gửi thư ạ."

Nàng nhận thư, mở ra xem, phong thư này được ra roi thúc ngựa đưa về gấp, trong thư chỉ viết bốn chữ: Yên tâm, có ta.

Lúc viết thư, chắc chắn chàng đang rất bận.

Khóe môi nàng hơi cong lên, cất thư đi.

Mới vừa viết xong thư hồi âm, cửa đã bị đập rầm rầm, Viên Tam ở bên ngoài gọi to: "Lão đại!"

Nàng đặt bút xuống, bảo Kiều Gia ra mở cửa.

Kiều Gia mở cửa, để Viên Tam vào phòng.

Viên Tam được mời không biết bao nhiều lần rượu, mặt đỏ bừng bừng. Miệng toàn mùi rượu, hai mắt sáng lấp lánh, đi tới trước bàn, gãi đầu, cười hề hề hết sức ngây ngô.

Phó Vân anh ngẩng đầu nhìn hắn, cười lắc đầu: "Biết ngươi vui rồi, nhưng cũng không nên uống nhiều như thế.

Viên Tam nấc đánh ọp một cái, bước lên vài bước, đột nhiên cong lưng, ngồi xuống đất, đưa tay ôm cẳng chân Phó Vân anh, cọ mặt lên vạt áo bào của nàng như thể đang làm nũng, "Lão đại, ta thi đỗ rồi!"

Kiều gia nhướn mày, lập tức kéo Viên Tam ra.

Viên Tam ngồi dưới đất, ngơ ngác ngẩng đầu, đờ đẫn hồi lâu.

"Ngươi say rồi, để bảo Đại Lang đưa ngươi về phòng, có gì mai nói sau."

Phó Vân anh vuốt lại quần áo, nói.

Viên tam lắc đầu: "không say, lão đại, đây là ta vui thôi."

hắn tiếp tục ngây ngô cười hề hề, sau đó lấy một chiếc bút đã mòn quẹt, rụng gần hết lông từ trong tay áo ra, đặt lên bàn sách.

"Lão đại, đây là chiếc bút năm đó ngươi cho ta, ta vẫn luôn giữ lại. Ta không biết sửa bút, nó rụng gần hết lông rồi."

Phó Vân anh nhìn cây bút kia, năm ấy lần đầu tiên nhìn thấy hắn là ở ngoài trường thi, nàng còn tưởng rằng đây là một thiếu gia nhà giàu bị gia tộc bỏ bê, tính tình kì quái, không được lòng người.

Sau quen thân rồi mới biết, thằng nhãi này đã dễ bị tổn thương lại còn vô tâm, chẳng để ý gì, bởi từng bị đói nên ăn uống rất tốt, một bữa có thể ăn mấy bát cơm to.

Nàng còn nhớ lúc hắn chủ động bày tỏ mong muốn đi theo mình, tuy rằng ngoài miệng đầy vẻ kiêu ngạo, như thể đang hạ mình chấp nhận nàng, thực ra tay lại run run, sợ bị nàng từ chối.

Ngần ấy năm, Viên Tam vẫn luôn đi theo nàng, nàng nói gì hắn tin cái nấy, chưa bao giờ phản đối hay nghi ngờ nàng.

Nàng mỉm cười, cầm cây bút kia lên, "Ta lại tặng cho ngươi một chiếc mới nhé."

Viên Tam cười nói: "Lão đại, ta muốn bút lông nhỏ, cái đấy mới đắt!"

Phó Vân anh bật cười, gật đầu, "Được."

Viên Tam thẳng lưng ưỡn ngực, hai mắt từ từ tỉnh táo trở lại, "Lão đại, ta đỗ tiến sĩ rồi, sau này có thể giúp đỡ ngươi rồi, ngươi bảo ta làm cái gì ta sẽ làm cái đó, ta nghe ngươi tất."

Ánh mắt hắn vô cùng kiên định.

Phó Vân anh ừ một tiếng, không khách sáo với hắn, nói thẳng, "Sắp tới sẽ sắp xếp cho ngươi làm huyện lệnh Lương Hương, người ở đó đều đã biết đến ta, ngươi qua đó sẽ không có ai làm khó ngươi."

Huyện Lương Hương từng chịu ân nàng mấy lần, để Viên Tam đi Lương Hương không chỉ có thể củng cố thế lực mà còn có thể rèn luyện Viên Tam.

Người của nàng đều sẽ được đưa ra ngoài làm việc, trong triều có mấy người khác giúp đỡ là đủ rồi.

Từ triều đình đến địa phương đều không thể có gì sai sót.

Đợi ba năm sau, nhóm người đầu tiên được đưa ra ngoài sẽ trở về, một nhóm người nữa sẽ lại được đưa ra ngoài.

Đến lúc đó chỗ nào cũng sẽ có người của nàng, thế mới tiện cho việc chấp hành chính sách mới.

Đêm dài đằng đẵng, Viên Tam đi rồi, nàng vẫn ngồi dưới đèn rất lâu.

...

Sau khi đọc thư của Lão Sở Vương, Phó Vân anh thay đổi một phần kế hoạch.

Nhưng mà vài ngày sau, cái vị Quy Hạc đạo trưởng này lại gửi thư về nói lúc ông ta đi ngang quan Quý Châu, cảm thấy phong cảnh nơi này rất đẹp, quyết định ở lại Quý Châu chơi mấy tháng, đến Trung thu mới về lại kinh sư.

Bởi vậy ông ta không nhắc đến chuyện giục nàng nói ra sự thật nữa.

Mí mắt Phó Vân anh giật giật, nàng quyết định không cần biết Lão Sở Vương thế nào, đợi đến thời cơ thích hợp sẽ nói thật, dù sao Lão Sở Vương cũng chẳng làm gì được nàng.

Hoa tử đằng tàn, Hoắc Minh Cẩm đã khởi hành trở về kinh sư, nhưng nhìn vào lộ trình, nàng biết chàng chắc sẽ không được ăn bánh hoa tử đằng tươi.

Lúc này sơn tra ở phía nam hẳn đã chín.

Phó Vân anh lấy thư của Phó Vân Chương ra đọc, trong đó y nói mọi chuyện đã được xử lý xong, sắp sửa về kinh.

Nàng ngẩng đầu, nhìn ra ngoài cửa sổ.

Hoa nở khắp vườn, rực rỡ như ráng chiều.

Cảnh xuân tươi đẹp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.