[Đạo Mộ Bút Ký] Lão Cửu Môn

Chương 12: Nguyệt mãn Tương giang




T/N:Cả lò tiếng xấu vang xa mà sao miêu tả cụ Hai như em Lâm muội muội tái thế thế này:v Rảnh háng ngắm cảnh thương xuân bi thu, thiếu điều đem hoa đi chôn chắc em quỳ luônggg:v

Nhị Nguyệt Hồng bước đi trong rạp hát, rạp hát ở bên này là do khách đãi cát ở Tây Bắc quyên tiền xây nên, rồi đem tặng cho anh. Cũng không biết là tháng nào năm nào, xem được một vở tuồng anh diễn, liền âm thầm cứ thế tặng nguyên cả một sân khấu tuồng. Đáng tiếc lại chẳng hiểu quy củ, sân khấu lại hướng về phía Tây. Sân khấu hướng về phía Tây còn gọi là đài Bạch Hổ, trước khi “trảm đài” không thể diễn kịch. Thế mà đây lại là quà người ta tặng, văn khế mới được gửi đến cách đây ba ngày, hôm nay nếu không khai diễn thì cũng là điềm xui xẻo.

Khuôn mặt anh có chút âu lo, nhắc nhở tiểu nhị mấy chỗ bụi bẩn, rồi bước ra sau sân khấu, quản gia đang chuyển hòm đồ diễn tối nay vào trong. Cũng lại một khuôn mặt cau có, sau khi xếp giá vũ khí dựa vào tường xong, lại vội vội vàng vàng bước lên trước châm hương. Vừa quay đầu thì thấy Nhị Nguyệt Hồng, bèn vội chạy tới đón.

“Giờ không kịp trảm đài rồi, đương gia, ngài xem có nên mời Bát gia tới giúp chúng ta nghĩ cách hay không?” Quản gia lau mồ hôi, hỏi.

Nhị Nguyệt Hồng nhận hương, đến trước bàn thờ, cung kính cắm hương, lạy ba lạy, rồi thản nhiên nói: “Cậu ta phân âm dương mà kiếm sống, chuyện sân khấu tuồng, có liệu được chăng?”

“Còn không phải vì các tiên sinh khác đều nói hết cách rồi sao.”

“Cho thêm ba đồng bạc, ai cũng có cách hết thôi.” Nhị Nguyệt Hồng thở dài nhìn ra ngoài cửa sổ. Đằng sau rạp hát là một cái sân, đằng sau cái sân là cổng sau, bên ngoài cánh cổng đó chính là bãi sông Tương. Lúc nay trăng mới ló, ánh trăng rải xuống mặt sông, có thể nhìn thấy những con thuyền chài đậu trên bãi.

Bên kia bờ sông chính là bến đò nhà mình. Lúc này bên ấy đèn đuốc sáng trưng, bóng người đi qua đi lại, đó là những người dân rời quê chạy nạn xuống Tây Nam.

Ngày trước, khắp phố phường ngõ ngách đều đồn rằng, quân Nhật không thể đánh được đến đây đâu, nào ngờ đâu, chớp mắt đã nghe thấy tiếng đại bác ầm ầm rồi. Trong lòng Nhị Nguyệt Hồng vẫn bình thản, “thay đổi”, đối với anh mà nói, đó là một loại giày vò.

Anh nghe tiếng nước sông có chút xuất thần, ngồi xuống ghế bên cửa sổ, đến khi hồi thần lại, đã nghe thấy tiếng thanh la rộn rã trước rạp hát, chứng tỏ bắt đầu có khách vào rạp rồi. Khách tuồng Trường Sa đều quen mặt cả, khách tuồng nhiều ít cũng có qua lại với nhau, vì vậy, anh bèn ổn định lại tinh thần, không suy tư gì nữa.

Quản gia nghe tiếng thanh la trước rạp mà giật mình, tuy rằng rạp hát của lão gia rất có danh tiếng, nhưng sao thanh la lại vang lên sớm như vậy, đài Bạch Hổ còn chưa trảm, thực làm ông hết cả hồn. Vén mành bước ra ngoài, chỉ thấy khách đã đến đầy bốn, năm bàn rồi, các bàn khác thì toàn khách quen. Tuy nhiên, ở loạt bàn hàng phía sau có một nhóm người mặc áo khoác lông Tây Bắc, đội mũ Thát thêu hoa văn dân tộc thiểu số, bên hông đeo roi ngựa. Trong đó có một tên cầm đầu, trong mặc áo chẽn da beo thêu chỉ vàng, trên người đeo đủ các loại dây xích linh tinh trang sức. Tên đó cũng không ngồi xuống, mà chắp tay sau lưng, đi một vòng nghiền ngẫm một lượt sân khấu tuồng, vẻ mặt rất hứng thú, nói với thuộc hạ: “Đồ phương Nam tốt thì tốt thật, nhưng trông vẫn thực là chật hẹp, keo kiệt bủn xỉn. Rõ ràng rạp hát ta tặng mà xây thành cái loại trông như kịch bóng vậy, chả trách lúc ta gởi tặng, Nhị Nguyệt Hồng cứ mấy lần từ chối, khó khăn lắm mới chịu nhận, đến lúc ta tới đây mà anh ta còn chẳng thèm đích thân ra đón.”

Đám thuộc hạ cười ồ lên xôn xao, khiến các bàn khác đều phải quay lại nhìn.

Quản gia nghe vậy, nghĩ thầm thì ra đây chính là vị khách đãi cát đã tặng rạp hát, lúc đó khi người đến xin tặng đã từ chối mấy lần, chỉ sợ loại người này quá phiền phức. Bèn lập tức sai đứa đầy tớ đến dâng trái cây. Ông cũng không hoảng sợ gì, nếu đây là loại gánh hát bình thường, gặp phải loại hào khách này bao giờ cũng phải kinh hồn bạt vía, nhưng đây là địa bàn của Trường Sa Nhị Nguyệt Hồng, cho dù là đứa đầy tớ cũng có cả ối cách xử lý.

Đứa đầy tớ bưng mâm trái cây đi tới, chắp tay hành lễ với mấy người khác, cũng không biết nó nói cái gì mà mấy gã hào khách đang ồn ào liền lập tức im bặt lại. Sau khi quay về, quản gia bèn hỏi nó đã ứng phó thế nào. Đứa đầy tớ bèn nói: “Ngài quản gia, con nói với bọn chúng, Nhị gia bây giờ phải diễn, diễn xong sẽ mời chúng bữa rượu, lúc đó sẽ hát Hoa Cổ cho bọn chúng nghe.”

Quản gia nhíu mày: “Thằng nhãi này, Nhị gia sao có thể làm việc này. Diễn xong bọn chúng lại được thể nháo một trận.”

Đứa đầy tớ bèn đáp: “Ngài quản gia, diễn xong thì mời Nhị gia đi, con liền dẫn bọn chúng ra bãi ven sông, đến phía Đông Nguyệt Mãn Giang, cứ để con hầu hạ là được.”

Quản gia thở dài: “Mày cũng không cần phải hại đến tánh mạng người ta, Nhị gia không thích đâu.”

Đứa đầy tớ liếc mắt nhìn đám hào khách một cái, lạnh lùng đáp: “Vâng, làm xong việc là con về ngay, vừa nãy chúng có nói, sân khấu này hướng Tây là vì bọn chúng đến từ phương Tây, đây là có ý Nhị gia phải cống nạp cho chúng. Một câu này, con nghe xong liền bực mình.”

Sắc mặt quản gia tối sầm lại, cũng không đáp lời lại, chỉ sai bảo một câu: “Đám người này không cần phải báo Nhị gia đâu.” Nói xong bèn quay về phía sau sân khấu.

Nhị Nguyệt Hồng đã bắt đầu hóa trang, thờ ơ hỏi: “Ông với Trần Bì ở ngoài to nhỏ cái gì đấy?” Quản gia vội vàng đáp không có gì cả, thầm nghĩ bữa này diễn trên đài Bạch Hổ, Nhị gia cứ cố gượng thế này vẫn là không ổn, bây giờ lại sắp đến giờ rồi. Chỉ e sau này lại xảy ra chuyện. Bèn vội vội vàng vàng lên thắp hương cho tổ sư gia.

Bên này, Nhị Nguyệt Hồng lên đài khai diễn, toàn bộ rạp hát ngay cả ở hành lang cũng đều chật cứng người. Khi Trương Khải Sơn đến nơi đã không còn chỗ ngồi nữa, bèn đứng ở hàng sau cùng phía xa xa. Từ xa đã nghe mùi rượu nồng nặc, thấy mấy gã khách đãi cát đứng hàng sau, lại nhìn cả sảnh đường đầy tiếng reo hò hoan hô, đã rất sốt ruột rồi. Vẫn đứng đợi cho đến khi kết thúc, các thính khách ai nấy đều chắp tay xin ra về, quản gia tiễn khách từng người từng người một. Trương Khải Sơn bấy giờ mới chen lên, tiến về phía sân khấu, nói với quản gia: “Báo với Nhị gia một tiếng.”

Quản gia vừa nhìn thấy Trương Khải Sơn, bèn thầm cả kinh nghĩ, quả nhiên là xảy ra chuyện rồi. Không chờ ông đáp lời, đột nhiên phía sau Trương Khải Sơn nghe “vút” một tiếng roi quất, quất ngay trúng mặt Trương Khải Sơn. Trương Khải Sơn hơi né ra, nhưng mặt vẫn bị sượt một chút, không khỏi nhói đau.

“Đồ con lợn, đến trước xếp trước, đến sau xếp sau, hiểu không?” Gã áo da beo chỉ vàng giơ roi lên, “Cút sang một bên cho ông ——” Nói xong lại muốn giơ roi. Trương Khải Sơn xoay người, lạnh lùng nhìn gã, Áo Da Beo vừa nhìn, lập tức vụt roi. Đám thuộc hạ đều vây kín xung quanh.

Chú thích:“trảm đài” hay còn gọi là “phá đài”, “đả đài”, một nghi lễ của các đoàn kịch trong xã hội cũ. Trước đây khi một rạp hát mới xây, đêm trước ngày khai diễn đầu tiên phải thực hiện nghi lễ “trảm đài” đã, không được để quần chúng nhìn thấy. Nói chung là mở rạp mới, mở sân khấu mới, phải làm lễ trước cầu thần tế thánh để mong may mắn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.