Hậu Cung Chân Hoàn Truyện

Quyển 8 – Chương 39: Chương 20 – phần 02




Một hồi lâu sau, mãi tới khi tôi sắp nghẹt thở, y mới chậm rãi buông tay
xuống, chăm chú nhìn tôi, nói: “Trẫm vốn muốn sờ mái tóc của nàng, thế
mà lại sờ phải những thứ đồ trang sức châu ngọc tột cùng băng giá.”

Tôi cố kìm nén không để tim mình đập loạn, nói giọng vui đùa: “Dạ phải,
Hoàng thượng vốn muốn sờ mặt của thần thiếp, thế nhưng lại sờ phải một
lớp son phấn rất dày, thực là quá chán ngán.”

Ánh mắt Huyền Lăng
có chút thâm trầm bất định, đồng thời lại có chút ngẩn ngơ mơ màng,
giọng nói thì đầy vẻ phiêu hốt: “Đúng thế, nàng bây giờ đã là nữ nhân
tôn quý nhất trong chốn hậu cung này rồi, tất nhiên phải trang điểm lộng lẫy thì mới áp chế được những người khác.” Y lặng lẽ suy nghĩ một lát,
nơi đáy mắt toát ra một tia dịu dàng khó tả. “Trẫm chợt nhớ lại những
ngày tháng trước đây, khi đó trẫm và nàng đang tránh nóng ở Thái Bình
hành cung, chiều tối đến rảnh rỗi không có việc gì liền cùng nhau hóng
mát, mái tóc của nàng buông xõa, chẳng có thứ đồ trang sức nào, nàng cứ
thế gối đầu trên đùi trẫm, mái tóc dài bồng bềnh tựa mây, thực là đẹp
biết nhường nào.”

Y đột nhiên nhắc lại chuyện từ thời xưa cũ,
giọng nói thì dịu dàng như một áng mây màu đẹp đẽ trên đỉnh núi, như thể muốn dựa vào đó để nhấn chìm người ta.

Tôi có chút ngẩn ngơ, hồn
phách như đã bay ra khỏi Tử Áo Thành, tiếng chuông ngân vang ở chùa Cam
Lộ từ rất nhiều năm trước vang vọng mãi bên tai, tôi và y đang cùng nhau ngồi trên con thuyền nhỏ giữa dòng sông mênh mang phía dưới chùa Cam
Lộ. Những vì sao lấp lánh đầy trời cùng in bóng xuống dòng sông, những
cây bèo giữa sông đung đưa lay động, chèo nghỉ thuyền dừng, con thuyền
của chúng tôi tựa như đang ở giữa dòng sông Ngân lấp lánh. Y nắm chặt
lấy bàn tay tôi, tôi tựa đầu lên gối y, vì đang để tóc tu hành nên mái
tóc dài của tôi được buông xõa, chẳng hề có thứ đồ trang sức nào. Chiếc
áo dài màu xanh của y vừa mềm mại vừa mang đầy cảm giác thân thiết,
giọng nói thì hệt như tiếng chuông gió dịp tháng Ba: “Đêm xưa chẳng chải đầu, tóc xõa buông hai vai.” Tôi cất giọng uyển chuyển tiếp lời: “Gối
tình lang tựa khẽ, nhìn sao thật đáng yêu.” Y mỉm cười đưa tay kéo tôi
vào lòng, ngón tay luồn vào mái tóc tôi. Ở trong lòng y lúc nào cũng có
một thứ mùi thơm thanh nhã, ấy chính là mùi hoa đỗ nhược.

Những
tháng ngày đó mới là quãng thời gian vui vẻ nhất trong cuộc đời này của
tôi, tiếc là nó thật ngắn ngủi biết bao. Sống mũi tôi bỗng cay cay,
chừng như sắp rơi nước mắt, liền vội vàng ngoảnh đầu đi hướng khác.
Thoáng chỉnh lại xiêm y, tôi quay đầu lại nhìn thẳng vào mắt Huyền Lăng, chậm rãi gỡ bỏ những thứ đồ trang sức trên đầu xuống, lại gỡ búi tóc ra để mái tóc dài buông xõa như dòng thác, sau đó mới khẽ cất tiếng hỏi y
và cũng là tự hỏi chính mình: “Là thế này đúng không?”

Trong mắt Huyền Lăng lập tức thoáng qua một nét mừng vui vô hạn. “Hoàng quý phi, dung nhan của nàng chẳng khác gì trước kia.”

Vậy ư? Dung nhan vẫn như xưa, nhưng người xưa thì sớm đã rời khỏi cõi đời này rồi.

Mặc cho dung nhan không đổi khác, nếu người thương đã chẳng còn, vậy thì
tấm dung nhan ấy là dành cho ai xem đây? Còn có ý nghĩa gì nữa đây?
Chẳng qua chỉ như một bông hoa giữa nơi vắng vẻ, tự nở tự tàn.

Nghĩ tới đây, lòng tôi bỗng như thắt lại, ôn tồn nói: “Đa tạ Hoàng thượng ngợi khen.”

Thế rồi hai chúng tôi đều im lặng, tưởng chừng như sự tĩnh lặng sẽ kéo dài
mãi. Chợt bên ngoài điện vang lên vài tiếng sấm, bầu không khí lại càng
ẩm thấp hơn. Cuối cùng vẫn là Huyền Lăng lên tiếng trước, giọng nói nghe rất hờ hững: “Mới mùa xuân mà thời tiết thật là oi bức quá.”

Tôi
nghe thấy thế bèn mỉm cười, đứng dậy nói: “Dạ phải. Vừa rồi Yến Nghi
muội muội có bảo nhà bếp hầm sẵn canh sâm mang tới đây, để thần thiếp
hầu hạ Hoàng thượng ăn tạm một chút, vừa hay có thể đề thần bổ khí.”

Tôi bèn xúc một thìa canh sâm lên nếm thử xem nhiệt độ đã vừa chưa, sau đó mới đưa tới bên miệng y.

Huyền Lăng uống được mấy ngụm canh, tinh thần đã tốt lên một chút, bèn tựa
người vào gối tán gẫu với tôi. Tôi chọn lấy mấy việc triều chính quan
trọng nói lại với y, y gật đầu, nói: “Nàng xử lý tốt lắm.”

Tôi vẫn cúi đầu kính cẩn, dịu dàng nói: “Thần thiếp vốn ngu muội, nhờ đi theo
Hoàng thượng xem tấu sớ mấy năm, lại thường xuyên được nghe lời dạy bảo, vậy nên mới học được một chút vỏ bề ngoài, tất thảy đều do Hoàng thượng thánh minh đó thôi.”

Y cất giọng ngợi khen: “Nàng cực kỳ thông
minh, đây là điều mà ai cũng rõ, bằng không, dù trẫm có nâng đỡ thế nào
thì nàng cũng chẳng thể có được ngày hôm nay.”

Tôi nói: “Thần
thiếp khi xử lý sự vụ có nhiều lúc lực bất tòng tâm, những việc lớn rốt
cuộc vẫn phải nhờ Hoàng thượng làm chủ. Do đó mong Hoàng thượng hãy chú ý giữ gìn long thể, sớm ngày khang phục.”

Y mỉm cười nhìn tôi chăm
chú. “Tất nhiên là vậy rồi, hơn nữa trẫm sớm ngày khang phục không chỉ
là vì nàng, còn là vì Hàm Nhi của chúng ta nữa.” Y chợt ngoảnh đầu ngó
nghiêng khắp xung quanh, khẽ cất tiếng hỏi: “Hàm Nhi không theo nàng tới thỉnh an ư? Trẫm đã mấy ngày chưa gặp nó rồi.”

Tôi bất giác thầm
chấn động, lại chậm rãi múc một thìa canh sâm nữa bón cho y. “Hồi sáng
thằng bé có tới thỉnh an rồi, có điều khi đó Hoàng thượng còn đang ngủ
nên nó không dám quấy rầy. Bây giờ có lẽ nó đang theo sư phụ luyện viết
chữ, lũ trẻ con hiếm có khi nào chịu tĩnh tâm mà hạ bút như vậy. Hàm Nhi dạo này cũng thường xuyên đòi tới gặp phụ hoàng đấy, đợi lát nữa thần
thiếp sẽ kêu người gọi nó tới đây.”

Huyền Lăng gật đầu, nói: “Nó
có tấm lòng hiếu thảo như thế thật là hiếm có, nhưng việc luyện chữ cũng không thể bỏ bê được, nàng phải để ý đốc thúc đấy. Còn chuyện thỉnh an
thì trẫm với nó vốn là cha con ruột thịt, gặp nhau lúc nào chẳng được,
đâu cần để ý tới cái sự nhất thời.”

Huyền Lăng cố ý nói nhấn bốn chữ “cha con ruột thịt”, ánh mắt như vô tình như hữu ý lướt qua khuôn mặt tôi.

Tôi hé môi cười, nói: “Dạ phải! Tính tình của cha con thường giống nhau
nhất đấy. Nghe sư phụ của Hàm Nhi nói thằng bé rất thích đọc Sở từ, thật chẳng khác gì Hoàng thượng.”

Sau khi lấp liếm qua quýt, tôi lại
nhớ tới một việc cực kỳ khó mở miệng, bèn trù trừ nói tiếp: “Có việc này làm thần thiếp hết sức khó xử, tuy đã bàn bạc với Quý phi và Đức phi
mấy lần rồi nhưng vẫn chẳng có cách giải quyết, xin Hoàng thượng đưa ra
chủ ý giúp cho.”

Y khẽ “ồ” lên một tiếng, uể oải nói: “Lại có việc mà nàng không thể quyết định được ư? Hãy nói ra trẫm nghe xem nào.”

Tôi cau mày thở dài, than: “Quý phi và Đức phi vào cung đã lâu, biết nhiều
hiểu rộng, vốn cũng không khó đưa ra quyết định, có điều việc này có
liên quan đến thể diện của hoàng gia, thần thiếp không thể không xin
Hoàng thượng đưa ra chủ ý. Vốn Hoàng thượng đang bệnh, thần thiếp kỳ
thực không nên nói ra mấy lời này.”

Tôi làm bộ muốn nói mà lại thôi, Huyền Lăng tất nhiên đã nảy lòng nghi ngờ, bèn cau mày nói: “Nàng mau nói đi.”

“Tôn Tài nhân ở Cảnh Xương cung tư thông với thị vệ, hiện giờ đã bị Đức phi
cấm túc trong cung của mình, chỉ còn đợi Hoàng thượng hạ chỉ xem nên xử
trí như thế nào thôi.”

Lời của tôi không hề mềm mỏng, còn gọn ghẽ chẳng mang theo một tia tình cảm nào, tựa như đao búa bổ thẳng vào tai y.

Huyền Lăng biến hẳn sắc mặt, cất giọng khàn khàn vẻ không dám tin: “Nàng nói cái gì?”

Trong số các phi tần mới vào cung gần đây, Tôn Tài nhân thông minh, xinh đẹp, được Huyền Lăng ân sủng. Có điều mấy tháng nay Huyền Lăng đổ bệnh, tất
nhiên chẳng thể sủng hạnh cô ta rồi.

Hoàng thượng vừa mới đổ bệnh, sủng phi đã vội vã chạy đi tư thông với người ta, như vậy rõ ràng là
coi y như người sắp chết, chẳng thèm để vào trong mắt. Huyền Lăng thân
là cửu ngũ chí tôn, có lý nào mà lại chẳng bừng bừng nổi giận.

Tôi cất giọng hờ hững: “Tôn Tài nhân tư thông với người ta, xin Hoàng thượng đưa ra ý chỉ xem nên xử trí thế nào.”

Huyền Lăng giận dữ điên cuồng, mặt mũi tái xanh. Y đột ngột vung tay hất tung bát canh mà tôi đang cầm, làm nước canh bắn ra đầy đất. Tôi chẳng có
tâm tư để ý tới việc gì khác, vội vàng quỳ xuống, nói: “Hoàng thượng bớt giận.”

Y cố hết sức kìm nén cơn giận trong lòng, trầm giọng nói: “Chuyện không liên quan tới nàng.”

Tôi rơm rớm nước mắt, nói: “Đều tại thần thiếp không tốt, lẽ ra không nên nói việc này với Hoàng thượng mới phải.”

Y dùng sức vỗ mạnh xuống giường, nhưng vì người đang yếu quá nên tiếng vỗ không hề vang, giọng nói thì đầy vẻ tức giận: “Cái gì mà không nên nói
với trẫm chứ, chuyện xảy ra từ bao giờ? Nàng mau nói rõ ràng mọi việc
cho trẫm biết đi!”

Tôi cố hết sức xoa lưng cho Huyền Lăng và
khuyên y bớt giận, kế đó liền chậm rãi kể: “Tôn Tài nhân đã quen người
đó từ khi còn ở trong khuê các, chắc hẳn là hai bên tâm đầu ý hợp, à
không, là sớm đã gian díu với nhau. Sau khi Tôn Tài nhân vào cung, người đó vẫn chẳng chịu nguội lòng, mới tìm cách trở thành thị vệ để có thể
trà trộn vào cung gặp lại Tôn Tài nhân. Thường ngày bọn họ qua lại với
nhau thế nào thì thần thiếp không rõ, nhưng đêm hôm trước, sau khi Đức
phi và Hân Phi tới thỉnh an Hoàng thượng xong thì đã rất muộn, bèn quay
về cung của mình luôn, chẳng ngờ khi đi qua Cảnh Xương cung thì lại nghe thấy có tiếng động lạ vang lên giữa khóm hoa sau tường... Cảnh Xương
cung của Tôn Tài nhân vốn nằm ở nơi vắng vẻ, vào giờ đó sẽ chẳng có ai
đi qua, chỉ vì Hân Phi muốn đưa Đức phi về nên mới tình cờ chọn con
đường đó, sự việc cũng vì vậy mà bại lộ. Đức phi vốn nắm quyền hiệp trợ
quản lý lục cung, nghe thấy tiếng động ấy thì cho rằng có cặp cung nữ,
thái giám nào đó đang làm chuyện bậy bạ, tất nhiên là không thể cho qua, bèn dẫn hai ả cung nữ đi vào, chẳng ngờ lại nhìn thấy Tôn Tài nhân và
gã cuồng đồ kia đang ra sức điên loan đảo phượng với nhau ngay dưới bụi
hoa, chẳng biết trời đất gì nữa cả... Đức phi lập tức cho người bắt giữ
hai kẻ đó lại, kêu Hân Phi tới cung của thần thiếp để bẩm báo lại việc
này.” Tôi đưa mắt liếc qua thấy Huyền Lăng có vẻ càng lúc càng tức giận, mới dè dặt nói tiếp: “Thần thiếp từ khi chưởng quản lục cung tới giờ
chưa từng gặp phải chuyện như vậy, thậm chí chưa từng nghe nói đến, khi
vội vã chạy tới nơi thì thấy hai người đó vẫn mồ hôi đầm đìa, mà chiếc
áo yếm màu đỏ thêu hình uyên ương của Tôn Tài nhân thì đang treo trên
dây lưng của gã cuồng đồ kia, chứng cứ hết sức rõ ràng, căn bản không
thể chối cãi. Thần thiếp đành sai người nhốt Tôn Tài nhân lại, đồng thời đày gã cuồng đồ kia vào Bạo thất.”

Chiếc áo yếm màu đỏ thêu hình
uyên ương của Tôn Tài nhân treo trên dây lưng của gã cuồng đồ kia, đó là một cảnh tượng ướt át đến cỡ nào cơ chứ? Huyền Lăng khi nghe thấy câu
đó, sắc mặt quả nhiên trở nên vô cùng khó coi, cơ hồ sắp nứt toạc ra tới nơi.

Tôi càng miêu tả kĩ càng tường tận thì Huyền Lăng lại càng
có cảm giác như được tận mắt nhìn thấy, dù có nhắm mắt lại thì trong đầu vẫn hiện lên cảnh tượng kia, không thể nào bình tĩnh lại được.

Mấy cơn gió thổi vào khiến những bức rèm mỏng trong điện quấn rít vào nhau, tựa như muốn bay đi mất, tiếng sấm phía ngoài thì càng lúc càng lớn,
chậu trúc cảnh để trên bệ cửa sổ bị gió thổi làm cho lung lay liên tục.
Tôi đứng dậy đi đóng cửa sổ lại, tiếng sấm đã bị chặn ở bên ngoài, thế
nhưng bầu không khí vẫn vô cùng ngột ngạt.

Một hồi lâu Huyền Lăng
không nói năng gì, lồng ngực phập phồng dữ dội, cuối cùng y mới gằn
giọng hỏi: “Gã cuồng đó... là người như thế nào?”

Tôi ung dung đáp: “Một gã cuồng đồ như thế vốn chẳng đáng nhắc đến, kẻo lại làm bẩn tai Hoàng thượng.”

Huyền Lăng chỉ nói ra một chữ ngắn gọn: “Nói.”

Tôi làm ra vẻ rất khó mở lời, sau khi lén nhìn thần sắc y mới nói tiếp: “Là một gã thị vệ tướng mạo chẳng ra gì, thậm chí còn rất xấu, gia cảnh thì hết sức tầm thường, trong nhà không có ai có quan tước gì cả.”

Nếu đó là một thiếu niên phong lưu tuấn tú hoặc là một bậc anh hùng hay tài tử có chỗ nào đó hơn người, có lẽ Huyền Lăng sẽ dễ chịu hơn một chút,
nhưng lúc này biết người khiến mình bị cắm sừng chỉ là một kẻ tầm thường như vậy, chẳng biết Huyền Lăng sẽ tức giận đến mức độ nào nữa.

Tôi quan sát một chút, biết y đã tức giận đến cực điểm, bèn khẽ nói:
“Chuyện này bây giờ đã bị làm ầm lên đến độ mọi người đều hay biết, thần thiếp và Quý phi, Đức phi đều không dám tự tiện làm chủ, đành đến xin ý chỉ của Hoàng thượng. Hoàng thượng có muốn ban thủ dụ không ạ?”

“Mọi người đều hay biết?” Huyền Lăng giận dữ điên cuồng, trên trán nổi rõ
gân xanh. “Hai đứa tiện nhân vô liêm sỉ đó lại dám làm một việc bẩn thỉu như vậy, ban thủ dụ thì chỉ làm bẩn thủ dụ của trẫm thôi! Nàng mau thay trẫm đi truyền khẩu dụ...” Trong mắt y lóe lên một tia hung tợn tột
cùng. “Giết! Ngũ mã phanh thây!”

Y là một người rất trọng thể
diện, làm sao lại chịu ban thủ dụ để lưu lại chứng cứ cho sự ô nhục của
mình. Tôi chỉ cung kính nói: “Thần thiếp lĩnh chỉ, ắt sẽ xử lý thỏa đáng việc này. Hoàng thượng xin hãy nghỉ ngơi!” Tôi lại để lộ vẻ tự trách,
nói tiếp: “Tất cả đều tại thần thiếp, thần thiếp không thể thay Hoàng
thượng trông coi hậu cung cẩn thận, vậy nên mới xảy ra việc hôm nay
khiến Hoàng thượng phiền lòng. Thần thiếp thật vô dụng quá!”

Huyền Lăng xua tay, nói: “Ái phi mau đứng dậy đi! Nàng phải thay trẫm phê
duyệt tấu chương, lại phải chăm sóc mấy đứa nhỏ, tự lo cho mình đã vất
vả lắm rồi.” Sau đó y lại cất giọng hậm hực: “Quý phi, Đức phi và Trinh
Nhất Phu nhân đúng là vô dụng, có tới ba người mà chẳng thể trông coi
hậu cung, thật phí công trẫm ban cho họ ngôi vị cao như thế.”

Tôi
không khỏi cảm thấy ấm ức thay cho bọn họ, bèn nói: “Hoàng thượng nói
vậy là trách nhầm ba vị nương nương rồi. Đoan Quý phi xưa nay vốn yếu
đuối nhiều bệnh, chỉ một lòng ở Thông Minh điện chủ trì việc cầu phúc
cho Hoàng thượng. Trinh Nhất Phu nhân không phải người ưa quản việc, sau khi Hoàng thượng đổ bệnh thì thường xuyên ở lại Hiển Dương điện chăm
sóc long thể, vô cùng vất vả. Đức phi thì vừa phải chăm sóc cho các vị
Hoàng tử, Công chúa lại vừa phải lo liệu mọi việc trong cung, cũng rất
khó khăn… Dù sao chốn hậu cung cũng có rất nhiều việc vặt, làm sao mà lo được tất cả. Nhưng lần này quay về, thần thiếp nhất định sẽ bảo bọn họ
cẩn thận, không để xảy ra chuyện như vậy nữa.”

Huyền Lăng nghe
thấy thế thì không kìm được lộ vẻ xót thương, chậm rãi nói: “Thực là khó cho các nàng quá, trẫm vừa đổ bệnh là mọi việc đều đổ lên đầu mấy nữ tử yếu ớt các nàng, các Hoàng tử thì hãy còn nhỏ.”

Tôi ôn tồn nói:
“Vì Hoàng thượng, bọn thần thiếp có thể làm bất cứ chuyện gì, chỉ mong
Hoàng thượng sớm ngày khang phục, như thế bọn thần thiếp mới có thể yên
tâm được.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.