Đàn Hương Hình

Chương 22




Im ắng một lát, ông Hai thấp thỏm ngó ra ngoài, sợ có người nghe trộm, ông hạ giọng nói:

- Có chuyện đáng sợ hơn, các vị muốn nghe không?

Mọi người nhìn chằm chằm vào miệng ông Hai đợi nghe kể, không ai nói gì.

Ông Hai nhìn quanh, vẻ bí hiểm:

- Ông bạn thân của ta, tiên sinh Vương Vũ Đình, người Bái Nhiên, làm trợ
tá phủ đường Giao Châu, gần đây tiếp nhận mấy chục vụ án kỳ lạ; rất
nhiều đàn ông khi ngủ dậy thấy đuôi sam đã bị cắt cụt.

Mọi người kinh ngạc, không ai dám hỏi gì thêm, chỉ dỏng tai nghe ông Hai kể tiếp:

- Những người bị cắt đuôi sam, thoạt tiên đầu váng mắt hoa, tay chân bải
hoải, tiếp theo là tinh thần thảng thốt, nói năng lảm nhảm, thế là tàn
đời! – Ông Hai nói – Thuốc mấy cũng không khỏi, vì rằng đây không phải
bệnh trong người.

- Chẳng lẽ lại có phong trào tóc dài? – Cậu cả Ngô nói – Tiểu nhân nghe người già kể, những năm thời Hàm Phong, quân
tóc dài đánh lên phía Bắc, cắt đuôi sam trước, chém đầu sau.

- Không phải, không phải! – Ông Hai nói – Lần này là do bọn truyền giáo Đức giở trò ma thuật.

Tú tài Khúc băn khoăn:

- Cắt đi bấy nhiêu đuôi sam dùng vào việc gì?

- Cổ hủ quá! – Ông Hai tỏ vẻ không bằng lòng – Ông tưởng người ta cần cái đuôi sam của ông chắc? Người ta cần là cần linh hồn ông. Vì sao những
người bị cắt đuôi sam lại bị chứng bệnh như vậy? chẳng phải bệnh tâm hần thì là bệnh gì?

- Ông Hai, tui vẫn có chỗ chưa rõ – Tú tài nói – Người Đức bắt đi bấy nhiêu linh hồn để làm gì?

Ông Hai cười nhạt, không trả lời.

- Ông Hai, tiểu nhân đã hiểu, chắc hẳn chuyện này liên quan đến đường sắt.

- Cậu cả thông minh! – Ông Hai hạ giọng, vẻ bí mật – Chuyện này không
được nói lung tung. Người Đức dùng đuôi sam lót đường ray, mỗi thanh ray là một đuôi sam, mỗi đuôi sam là một linh hồn, mỗi ling hồn là một
người đàn ông khỏe mạnh. Các vị thử nghĩ coi, xe lửa là một đống sắt
nặng hàng chục vạn cân, nó không uống nước, không ăn cỏ, vậy mà chạy
băng băng! sức mạnh ấy từ đâu mà ra? Các vị thử nghĩ xem.

Mọi
người ngớ ra, im như thóc. Các ấm siêu trong bếp rít còi lanh lảnh. Mọi
người linh cảm có cái gì đó cực kỳ khủng khiếp ấy sắp xảy ra, gáy lạnh
toát, hình như có cái kéo rình mò phía sau lưng.

Giữa lúc mọi
người đang lo lắng cho cái đuôi sam sau gáy, chú giúp việc ở hiệu thuốc
trên trấn hớt hải chạy tới, thở hồng hộc, nói đứt quãng:

- Bác
chủ quán… không hay rồi… Ông chủ sai cháu báo bác biết, kỹ sư Đức đang
làm nhục bác gái trên trấn… Ông chủ bảo bác lên ngay, để muộn lôi thôi
to!

Tôn Bính thất kinh, đánh rơi cái ấm, nước sôi bắn tung tóe,
hơi nước mù mịt. Tiếp theo là lửa giận bừng bừng đốt cháy toàn thân.
Khách hàng đều nhìn thấy cái cằm đầy những sẹo của ông co giật dữ dội,
vẻ mặt thanh thản vỗ cánh bay đi, ở lại là bộ mặt hung thần ác quỉ. Tay
phải tì mặt quầy, dướn mình lên như chuẩn bị bay, ông vọt ra đường,
thuận tay vớ lấy cây gập chèn cửa bằng gỗ táo.

Khách uống trà
cũng bị kích động, ồn ào như vỡ chợ. Mọi người đang bàng hoàng về chuyện chuyện cắt đuôi sam, đột nhiên được tin người Đức hạ nhục phụ nữ Trung
Quốc, thế là nỗi sợ biến thành cơn giận. Sự bất bình chất chứa bấy nay,
từ khi người Đức làm đường sắt Giao – Tế, cuối cùng trở thành hận thù.
Tính khì người Cao Mật tiềm ẩn trong mỗi con người bùng nổ, lửa giận
bừng bừng, bất kể sống chết, gầm thét chạy theo Tôn Bính ra chợ.

Tôn Bính chạy dọc theo phố hẹp, gió thổi hai bên tai ù ù. Ông cảm thấy máu
dồn hết đỉnh đầu, vì vậy tai ong ong, mắt mờ đi. Những người trên đường
đều như hình nhân bằng giấy, ngả ngiêng trước luồng gió do ông chạy như
điên gây ra. Từng khuôn mặt méo mó lướt qua bên vai ông. Ông trông thấy
một đám người quây thành vòng tròn trên khoảnh đất trống giữa hiệu thuốc Tế Sinh Đường và hiệu tạp hóa Lý Cẩm Ký, không nhìn thấy giữa vòng tròn có gì, nhưng nghe rõ tiếng la đến khản giọng của vợ và tiếng gào khóc
của thằng Bảo con Vân. Ông gầm lên một tiếng như hổ gầm, như sói hú. Ông giơ cao cây gậy gỗ táo màu đỏ sẩm xông tới như một con thú nổi khùng.
Mọi người dãn ra, nhường đường cho ông. Ông trông thấy tên kỹ sư Đức
cẳng như cẳng sếu, đầu như mõ chùa, một tên đứng trước, một tên đứng sau sờ soạng vợ ông. Vợ ông dùng hai cánh tay che chắn, đỡ gạt rối cả lên,
nhưng che được ngực thì hở mông, che được mông thì hở ngực. Bọn kỹ sư
Đức cánh tay lông lá, đỏ au, dẽo như chân bạch tuộc, khó mà tránh. Mắt
chúng chớp chớp, xnah như mắt mèo. Mấy tên cùng hội với hai tên này vỗ
tay tán thưởng. Thằng Bảo và con Vân của ông lê la dưới đất gào khóc.
Ông gầm lên một tiếng như con mãnh thú bị trọng thương, cây gậy gỗ táo
rắn như thép nguội kéo theo làn gió đỏ sẫm, đập vào sau ót tên kỹ sư Đức lưng quay về phía ông, đứng lom khom, hai tay đang thọc trong đũng quần của vợ ông. Ông nghe thấy một tiếng “bịch” khi cây gậy đập vào gáy hắn, và cổ tay ông rung chuyển. thân hình tên kỹ sư dướn lên một cái rất kỳ
quặc rồi mềm nhũn, nhưng hai tay hắn vẫn thọc trong đũng quần vợ ông.
Thân hình cao to của tên kỹ sư đè lên Đào Hồng. Tôn Bính trông thấy rất
nhiều máu đỏ sẫm chảy trên đầu tên kỹ sư Đức và ngay lập tức ngửi thấy
mùi tanh nồng. Ông còn thấy tên Đức bóp vú vợ ông vừa nãy mặt mày nhăn
nhở, giờ miệng há hốc như quỷ sứ. Ông rất muốn vụt tiếp tên ấy, nhưng
hai cánh tay rã rời, cây gậy rơi xuống đất. Cú đập chí mạng vừa rồi,
tiêu hao hết sức lực ông. Nhưng ông nhìn thấy sau lưng một rừng khí
giới, đòn gánh có, cuốc xẻng có, cán chổi có, nhiều nhất là nắm đấm.
Tiếng hò đáng inh tai nhức óc. Một số công nhân làm đường và hai tên Đức khác vội dìu tên kỹ sư sợ đến đờ đẫn thất thểu bỏ chạy, để lại tên Đức
bị đánh vỡ sọ giữa đám người.

Tôn Bính đứng ngây ra một lúc rồi
cúi xuống, cố lật tên Đức sang bên. Tên này vẫn co giật một cách kỳ
quặc. Hai tay hắn thọc trong quần của vợ ông dài như rễ của cây cổ thụ,
kéo mãi mới ra hết. Lưng vợ ông dính đầy máu tên Đức. Ông lợm giọng, chỉ muốn nôn, thậm chí quên cả kéo vợ dậy, vợ ông phải tự làm lấy. Tóc rối
bù, khuôn mặt hơi gầy bê bết bùn đất, xấu đi một cách đáng sợ. Nàng vừa
khóc vừa sà vào lòng ông, nhưng ông chỉ nghĩ đến chuyện nôn ọe, không
còn hơi sức ôm lấy nàng. Đột nhiên, vợ ông nhào ra khỏi lòng ông, chạy
đến chỗ hai con đang gào khóc. Nàng đứng đó, nhìn không chớp mắt tên Đức co giật từng cơn.

Đứng trước thân hình tên Đức như một con rắn
chết, ông mơ hồ cảm thấy đại họa sắp tới gần. Nhưng trong lòng ông, công lý đang lên tiếng biện hộ cho ông: chúng tròng ghẹo vợ tui, tay chúng
đã thọc vào đũng quần của vợ tui. Chúng đã làm tổn thương con cái tui.
Do vậy tui mới đánh hắn. Nếu như hắn thọc tay vào đũng quần vợ anh thì
anh có để yên không? Lại nữa, tui không định đánh chết hắn, chẳng qua là cái đầu hắn mềm quá. Ông cảm thấy mình không có gì sai, tình lý đúng
cả. Bà con xung quanh có thể làm chứng. Những công nhân làm đường có thể làm chứng. Các vị có thể hỏi cái ông kỹ sư kia, chỉ cần ông ấy có lương tâm, ông ấy cũng có thể chứng minh, rằng các ông ấy chọc ghẹo vợ tui
trước, hạ nhục vợ tui, bấn quá tui mới dùng gậy đánh ông ấy. Dù rằng cảm thấy tình lý trong tay, nhưng hai chân ông vẫn nhũn ra, miệng vừa khô
vừa đắng, cái cảm giác đại họa sắp choán hết trong đầu ông, đuổi không
đi, khiến ông không còn khả năng tư duy phức tạp. Người xem rất đông,
lặng lẽ bỏ đi hết. Hàng quán hai bên đường vội vã dọn hàng, xem ra họ
muốn rời khỏi đây, càng sớm càng tốt. Dọc hai bên phố, mới giữa trưa mà
các cửa hiệu đều đóng cửa, lạii còn treo biển đang kiểm kê. Đường phố
bỗng trở nên rộng hơn rất nhiều. Gió heo may tràn về, thổi tróc cây bay
lá trên đường phố thênh thang. Vài con chó màu lông bẩn mắt, nấp trong
ngõ, sủa ran.

Ông đâm hoảng khi nhận ra rằng, gia đình ông hình
như đang ở giữa sân khấu, mọi người đang xem ông biểu diễn. Những ánh
mắt nhìn trộm qua kẽ hở của các cửa hiệu xung quanh qua ô cửa của các
nhà phố bên, và từ các xó xỉnh khác. Vợ ôm hai đứa nhỏ, run cầm cập
trong gió lạnh. Nàng nhìn ông bằng cặp mắt đáng thương, van xin ông hãy
thông cảm và tha thứ cho nàng. Hai đứa trẻ rúc đầu trong vạt áo mẹ như
hai con chim non quá khiếp hãi, bạ đâu rúc đấy. Trái tim ông như bị cứa
bằng lưỡi dao cùn, đau cùng cực. Mắt cay, sống mũi cay cay, một tình cảm bi tráng dâng lên, ông đá tên kỹ sư một cái, chửi: Mẹ mày, giả vờ chết
phải không? Ông ngẩng đầu lên, cao giọng nói với những cặp mắt lén lút
xung quanh:

- Chuyện hôm nay, bà con đã thấy hết. Nếu quan phủ
có hỏi, xin bà con hãy nói theo lẽ phải, tui xin lạy tạ – Ông chắp tay
vái bốn phía, nói tiếp – Tui đánh chết người, tội ai người nấy chịu,
quyết không để liên lụy đến bà con!

Hôm sau, ông vẫn mở quán từ
sáng sớm, lau chùi bàn ghế. Chú giúp việc Thạch Đầu, vẫn ra sức kéo bễ
quạt lò. Bốn ấm nước sôi sùng sục. Nhưng mặt trời đã gần trưa mà vẫn
không có khách. Đường phố trước cửa vắng tanh, không một bóng người,
từng cơn gió lạnh buốt cuốn lá bay đi. Vợ ông mỗi tay bế một đứa, bám
sau ông, không rời nửa bước. Cặp mắt to, trắng đen phân minh, thấp thỏm
không yên. Ông xoa đầu bọn trẻ, cười nhẹ nhõm: về buồng nghỉ đi, không
chuyện gì đâu, chúng tròng ghẹo con nhà lành, nếu phải chém thì chém đầu chúng!

Ông biết mình cố ra vẻ bình tĩnh, vì rằng ông thấy bàn
tay cầm giẻ lau của ông run lẩy bẩy. Sau đó, ông bắt vợ phải vào sân
trong, còn mình thì ngồi ngoài quán, tay vỗ bàn, cất tiếng hát một khúc
Miêu Xoang:

Ngóng quê nhà đường đi xa lắc, nhớ vợ hiền nương cậy vào ai. Như tui nay dữ lành chưa rõ, còn nàng ư, sống chết khôn lường.

Aùi chà chà, toàn thân tui ướt đẫm vì sợ, nhen lửa lòng nung nầu con tim…

Như người ta mở đập nước, khúc thứ nhất hát xong, lời ca mà cả đời tích
cóp, cuồn cuộn chảy theo. Ông càng hát càng ai oán, càng hát càng thê
thảm, lệ chảy từng dòng xuống cái cằm không râu.

Hôm ấy, tất cả người dân ở trấn Mã Tang lặng nghe tiếng hát của ông.

Một ngày dài dặc trôi đi trong tiếng hát. Mặt trời sắp lặn đỏ như máu, quét trên rừng liễu ven đê. Từng đàn chim sẻ đậu trên một ngọn cây liễu,
cùng cất tiếng kêu nháo nhác như mách bảo ông điều gì đó. Ông đóng cửa
quán, cầm cây gậy gỗ táo ngồi đợi trước cửa sổ. Ông chọc thủng giấy dán
cửa, nhìn ra ngoài quan sát động tĩnh. Chú giúp việc Thạch Đầu bên đến
cho ông một bát kê, ông ăn một miếng, nuốt không trôi. Ông bị sặc, hạt
kê vọt ra lỗ mũi như đạn ghém. Ông bảo Thạch Đầu:

- Này con, sư phụ gây đại họa, người Đức sớm muộn sẽ đến trả thù, nhân lúc bọn chúng chưa tới, con nên trốn đi!

- Sư phụ, con không đi, con đánh giúp sư phụ – Thạch Đầu lôi trong bọc cái giàn thun, nói – Con bắn rất trúng.

Ông không khuyên Thạch Đầu nữa. Cổ họng khê đặc, ông nói rất khó khăn. Ông
cảm thấy ngực đau không chịu nổi, y như hồi học nghệ bị ngã khi tập.
Chân tay ông vẫn còn run, trong bụng vẫn hát trầm một hồi ba cảnh của
một vở diễn.

Lúc vầng trăng lưỡi liềm treo trên ngọn cây liễu,
ông nghe thấy tiếng vó ngựa từ phía tây của con đường đá, phi tới. Ông
nhảy dựng lên, bàn tay nóng hổi nắm chặt cây gậy gỗ táo, chuẩn bị đối
phó. Ông trông thấy, dưới ánh trăng sao yếu ớt, một con la to lớn màu
đen, ngất ngưởng chạy tới, người cưỡi mặc đồ đen, đeo mạng đen, không rõ mặt.

Đến trước cửa quán, người ấy lăn khỏi mình con la, gõ cửa cộc cộc.

Ông nắm chắc cây gậy, nín thở, nấp sau cánh cửa.

Tiếng gõ không mạnh, nhưng bức bách.

Giọng khản đặc, ông hỏi:

- Ai?

- Tui!

Ông nhận ra ngay tiếng con gái, mở vội cửa, nàng Mi Nương màu đen lách vào, nói luôn:

- Cha, đừng nói gì nữa, chạy mau!

- Vì sao cha phải chạy? – Ông giận dữ nói – Chính chúng chọc ghẹo con nhà lành trước!

Con gái ngắt lời ông:

- Cha gây họa lớn rồi! Người Đức điện báo cho Bắc Kinh, Tế Nam. Viên Thế
Khải cũng điện cho Tiền đại nhân phải bắt cha ngay trong đêm nay, đội
truy bắt sắp tới rồi!

- Thế này thì còn công lý gì nữa!

Ông định tranh luận, nhưng con gái nổi cáu, nói:

- Nước đến chân rồi! – Con gái nghiêng tai nghe. Từ xa vọng lại tiếng vó
ngựa dồn dập – Cha, đi hay ở tùy cha định liệu – Nàng nghiêng mình lách
ra ngoài, nhưng lại ló nửa người vào trong, nói – Cha chạy đi, bảo dì
Hồng giả điên.

Ông trông thấy con gái nhẹ nhàng nhảy lên mình
la, cúi rạp, gắn người với la làm một. Con la hắt xì hơi, chạy vụt đi,
ánh sao nhảy nhót trên cặp mông, thoắt cái hòa lẫn vào bóng đêm, tiếng
vó xa dần về hướng đông.

Ông vội vàng đóng cửa, quay lại thì đã
thấy vợ xõa tóc, mặt bôi đầy nhọ nồi, vạt trước mở phanh, để lộ mảng
ngực trắng phau, đang đứng trước mặt. Nàng nói, giọng nghiêm túc:

- Nghe lời Mi Nương, chạy đi!

Ông nhìn cặp mắt long lanh trong đêm tối của vợ, trong lòng chua xót. Trong giờ phút đặc biệt này, người đàn bà bề ngoài có vẻ yếu đuối, lại dũng
cảm cơ trí đến thế! Ông nhào tới ôm chặt vợ. Vợ ông dùng sức đẩy ông ra, giục:

- Chạy mau đi, bố nó! Đừng lo cho em và các con.

Ông vọt ra cửa, men theo con đường mòn quen thuộc ngày thường ông vẫn đi
lấy nước, trèo lên đê Mã Tang. Ông nấp sau gốc cây liễu lớn, chăm chú
nhìn xuống thị trấn yên tĩnh, con đường màu xám và ngôi nhà của ông. Ông nghe rõ tiếng khóc nức nở của thằng Bảo và cái Vân mà lòng như dao cắt. Trăng non như mày ngài gác trên chân trời phía tây, đẹp đến não lòng.
Bầu trời mênh mông điểm kín những vì sao, ánh sao lung linh như kim
cương. Thị trấn tối mò, không nhà nào lên đèn. Ông biết, mọi người chưa
ngủ, đang lắng nghe động tĩnh ngoài phố, làm như chìm trong đêm tối thì
triệt tiêu được tại họa không bằng. Tiếng vó ngựa từ xa đến gần, chó
trong thị trấn sủa đồng loạt. Đội khinh kỵ đen ngòm chen lấn nhau phi
tới, không đếm được có bao nhiêu con ngựa, chỉ nghe tiếng cá sắt nện
trên mặt đường đá, bắn lên từng chuỗi lửa hoa.

Đoàn ngựa
đến trước cửa nhà ông, lượn mấy vòng rồi dừng lại. Ông trông thấy loáng
thoáng bọn bắt người, loáng thoáng từ trên lưng những con ngựa nhảy
xuống đất. Bọn chúng hò hét, hình như cố ý để lộ mục tiêu. Hò hét một
hồi, chúng mới đốt mấy cây đuốc đem theo, ánh đuốc soi tỏ đoạn đường,
nhà cửa, và những cây liễu trên đê. Ông vội thu mình nấp kín hơn nữa sau gốc cây. Đàn chim trú đêm thấy động, vỗ cánh aby lên rào rào. Ông
ngoảnh nhìn thấy dòng sông phía sau. Chuẩn bị phòng khi phải nhảy xuống
chạy trốn. Nhưng đội truy bắt không hề để ý lũ chim vỡ đàn, cũng không
một ai lên sục sạo trên đê.

Lúc này ông đã nhìn rõ, tất
cả có chín con ngựa, màu lông lôm côm, trắng có đen có, đỏ có vàng có,
đều là giống ngựa bản địa, dáng không đẹp, mông không trơn, thể lực
không tốt, bờm rối bù, yên cương cũ nát. Có bốn con không yên, thay vào
đấy là chiếc bao tải vắt ngang lưng. Dưới ánh đuốc bập bùng, đầu lũ ngựa trông vừa thô vừa xấu, mắt lũ ngựa vừa sáng vừa trong. Đội truy bắt giơ cao ngọn đuốc soi rõ biển hiệu, rồi thong thả gõ cửa.

Không ai ra mở cửa.

Đội truy bắt đập cửa.

Tôn Bính lờ mở cảm thấy rằng, đội truy bắt không hề có ý bắt ông, định bắt
thì không có ai dềnh dàng như thế, không ai kiên trì gõ cửa như thế. Ông đâm ra rất có cảm tình với bọn truy bắt. Tất nhiên ông hiểu, đằng sau
bọn truy bắt là ông lớn Tiền, và đằng sau ông lớn Tiền là Mi Nương, con
gái ông.

Cửa quán bị phá, bọn truy bắt giơ cao ánh đuốc, dềnh
dàng bước vào. Ông lập tức nghe thấy tiếng khóc chen lẫn tiếng cười điên loạn của vợ ông, và cả tiếng khóc thất thanh của hai đứa trẻ.

Bọn truy bắt ầm ĩ một hồi rồi cầm đuốc quay ra, có đứa lẩm bẩm điều gì đó,
đứa thì ngáp vặt. Bọn chúng lần chần hồi lâu trước cửa rồi hò nhau lên
ngựa bỏ đi, tiếng vó ngựa và ánh đuốc xuyên dọc phố. Thị trấn trở lại
yên tĩnh. Ông đang định xuống đê về nhà, thì thấy đèn đóm của mọi nhà
nhất loạt bừng sáng như có một hiệu lệnh thống nhất. Dừng một khắc, mấy
cây đèn lồng rồng rắn nối nhau trên phố, chuyển động như bay về phía nhà ông.

Dòng nước mắt nóng hổi ứa ra từ đôi mắt ông.

Những ngày sau đó, theo kinh nghiệm của người già, ban ngày ông lánh sang
rặng liễu bên kia sông, nơi có mấy nấm nhà đắp bằng đất dùng để sấy
thuốc lá. Ban đêm yên ắng, vắng người qua lại, ông mới bơi qua sông, lẻn về nhà. Sáng tinh mơ hôm sau, nhét bánh vào bao, lấy nước vào hồ lô,
ông lại sang chỗ ẩn nấp.

Trên mấy cây liễu to gần kề, có tổ chim khách. Ông nằm trên giường đất, ăn rồi lại ngủ, ngủ dậy lại ăn, ban đầu ông không dám ra khỏi nhà, dần dà ông lơi cảnh giác. Ông ra chỗ gốc cây xem bọn chim khách cãi nhau. Một thanh niên chăn dê, vóc người cao to,
kết bạn với ông. Cậu ta tên là Mộc Độc, hiền lành, không giỏi giang gì.
Ông đưa bánh cho Mộc Độc ăn, đồng thời nói mình là Tôn Bính, người đánh
chết tên kỹ sư Đức.

Ngày mồng bảy tháng Hai, tức là ngày thứ năm sau khi tên Đức bị đánh chết. Buổi trưa. Ông ăn mấy cái bánh tráng,
uống một bát nước lạnh, nằm trên giường nghe đám chi khách líu ríu và
con gõ kiến mổ cây làm tổ, mơ màng nửa thức nửa ngủ. Bỗng từ bên kia
sông vọng lại tiếng súng nổ chát chúa. Lần đầu tiên trong đời, ông nghe
thấy tiếng nổ của loại súng khai hậu, bắn nhanh, khác xa tiếng nổ của
súng bản địa. Tim ông nhói một cái, hiểu rằng đại sự thế là đã hỏng. Ông nhảy xuống đất, cầm lấy cây gậy gỗ táo, nấp sau cánh cửa cũ nát, đợi kẻ thù. Lập tức mấy tiếng nổ đanh nhưng vẫn từ bên kia sông vọng tới. Ông
không thể cứ ở trong nhà được nữa, bèn lẩn ra ngoài, lom khom vượt qua
mấy bức tường đổ, chạy vào rừng liễu. Ông nghe bên trấn Mã Tang, tiếng
vợ khóc, tiếng con gào, tiếng ngựa hí, tiếng lừa kêu, tiếng chó sủa,
cùng dậy lên, nhưng không thể nhìn thấy cái gì. Cái khó ló cái khôn, ông giắt gậy vào cạp quần, trèo lên cây liễu cao nhất. Lũ chim khách bị phá rối, từng đàn từng lũ tấn công ông quyết liệt. Ông khua gậy đuổi chúng
đi, hết đợt này đến đợt khác. Ông đứng bên một cái tổ to bự của chim
khách, tay vịn chạc cây, nhìn sang bên kia sông. Tình hình bên trấn lần
lượt diễn ra trước mắt ông.

Ông trông thấy, có đến bốn mươi chín con ngựa tây cao to đứng rải rác trên khoảng đất trống cửa nhà ông, bọn lính tây quần áo rực rỡ, đầu đội mũ ống cài lông chim, tay cầm súng màu xanh đen lắp lưỡi lê, nhằm cửa ra vào và cửa sổ nhà ông mà bắn. Từng
đám khói trắng phụt ra từ đầu nòng như từng chuỗi bông cúc nhỏ, rất lâu
mới tan. Những cúc áo bằng đồng, và những lưỡi lê bằng thép, sáng loáng
dưới nắng. Đứng đằng sau đám lính tây, là bọn lính dõng nhà Thanh, đầu
đội nón có tua đỏ, trước ngực sau lưng đáp thêm miếng tròn bằng và
trắng. Mắt ông mờ đi, cây gậy tuột khỏi tay, va đập vào cành cây trước
khi rơi xuống đất. May mà tay ông bám chắc chạc cây, không bị ngã theo.

Lòng như lửa đốt, ông biết đại họa đã thực sự giáng xuống, nhưng trong lòng
còn le lói chút hi vọng, đó là trông mong vào tài diễn xuất của vợ, nhất là những vai giả dại. Bọn Đức rồi sẽ nhưng đám lính dõng, náo loạn một
hồi rồi tay không ra về. Cũng đúng vào lúc này ông quyết định, qua được
đận này, ông sẽ đưa vợ con đi thật xa.

Điều kinh khủng nhất đã
xảy ra. Ông trông thấy hai tên lính Đức kẹp chặt hai tay vợ ông, lôi lên đê. Vợ ông gào lên, hai chân kéo lê trên mặt đất. Hai đứa trẻ, bị một
tên Đức hộ pháp cầm chân xách ngược như người ta xách gà xách vịt, đem
lên mặt đê. Chú Thạch Đầu tuột khỏi tay một lính Đức, hình như còn cắn
nó một miếng. Ông trông thấy cái thân hình bé nhỏ và đen thủi của Thạch
Đầu cứ lùi, lùi nữa, cho đến khi lưng chú chạm mũi lê của thằng lính Đức đứng sau, lưỡi lê lóe sáng dưới nắng, xuyên qua người chú.

Hình như chú kêu lên một tiếng, hình như chẳng có tiếng kêu gào nào phát ra, như một quả bóng màu đen, chú lăn lông lốc xuống sông. Tôn Bính dán
mình trên cây, mắt tối sầm khi nhìn thấy bãi máu trên đê.

Bọn
Đức đã rút hết lên mặt đê, có tên quì một chân, tên thì đứng, nâng súng
nhằm bắn người trong trấn. Chúng bắn rất chuẩn, gần như mỗi phát là một
người gục xuống hoặc bật ngửa, trên đường cũng như trong sân. Quân Thanh cầm đuốc đốt nhà ông. Lúc đầu khói đùn lên như một cái cây vươn thẳng
lên trời, tiếp theo là đám lửa phừng phừng màu vàng kim. Ngọn lửa reo
phần phật, nổ ran như pháo tép. Đột nhiên trời nổi gió to, khói lửa ngả
nghiêng hết đông sang tây, mùi khét, mùi bụi đất bay tới trước mặt ông.

Chuyện càng kinh khủng hơn đã xảy ra. Ông trông thấy lính Đức giằng kéo vợ ông đến quần áo rách bươm, cuối cùng, vợ ông không còn mảnh vải che thân…
Ông đập trán vào cành cây đến tóe máu, miệng cắn ngập vỏ. Trái tim ông
như quả cầu lửa bay sang bờ bên kia, còn cơ thể ông thì như trói chặt
vào thân cây, cứng đờ như đã chết. Người Đức cầm tay chân đánh võng cái
cơ thể trắng phau của vợ ông rồi lẳng xuống dòng sông Mã Tang, không một tiếng động, nước sông im lặng tung bọt trắng, vợ ông chìm ghỉm. Cuối
cùng, lính Đức dùng lưỡi lê xộc hai con ông cũng quẳng xuống sông. Trước mắt ông toàn một màu máu, ông như bị ma ám trong cơn ác mộng, lòng như
lửa đốt, tay chân cứng đờ. Ông cố sức vùng vẫy, cuối cùng bật ra được
một tiếng kêu, cơ thể được giải phóng. Ông cố sức chồm lên làm gãy mấy
cành cây, rồi nặng nề rơi xuống cát ẩm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.