Dạ Cậu, Em Là Mùa!

Chương 39




Chị Hồng sảy thai, tôi sốt ruột lắm nhưng không đi gặp chị được, cha tôi nhất quyết không cho tôi đi. Cha tôi bình thường dễ chịu lắm nhưng hễ có chuyện gì đụng tới “vảy ngược” của ông thì tôi đố trên đời này tìm được ai khó tính qua ông. Lo quá, tôi chỉ còn biết nhắn tin hỏi thăm cậu Ba, tình hình sức khỏe của chị Hồng coi bộ cũng không được tốt cho lắm.

Đêm xuống, tôi trằn trọc không ngủ được, ban chiều dì Tư có gọi hỏi tôi sao chưa về, tôi chỉ nói là nhà có chuyện quan trọng cho tôi xin nghỉ. Dì Tư cũng có nói chuyện của chị Hồng, tôi nói là tôi biết rồi để mai tôi lên bệnh viện thăm chị ấy. Nhưng thiệt tình là tôi không hiểu được sao chị Hồng lại sảy thai, rõ ràng lúc tôi đi, tôi thấy chị vẫn còn tốt lắm mà. Trượt chân ngã cầu thang… tin được không vậy?

Nằm xoay qua xoay lại trên giường, tôi chợt nghe tiếng bước chân của cha tôi từ trong buồng bước ra, thấy vậy tôi vội vàng trùm chăn giả vờ đã ngủ rồi nhưng mắt vẫn hí hí để rình xem cha tôi làm gì. Tôi thấy ông bước ra ngoài rồi thò đầu vào mùng xem tôi đã ngủ chưa, với tay kéo mền đắp cho tôi rồi ông mới bước tới bàn thờ của mẹ mà thắp nhang thắp đèn. Tôi thấy ông đứng trước bàn thờ của mẹ, thoáng chốc ông thở dài rồi nhỏ giọng tỉ tê đủ chuyện. Tôi cứ nghĩ đơn giản là cha tôi đang nhớ mẹ tôi thôi chứ tôi không nghĩ là cha tôi… ông sẽ khóc!

– Mình ơi… tôi phải làm sao đây hả mình… tôi thương con Mùa quá… tôi làm khổ nó quá mình ơi!

Tôi nằm yên trên giường, hai mắt nhòe ướt lệ, tay siết chặt góc mền trong tay, môi mím chặt lại không cho tiếng nấc nghẹn được thốt ra ngoài. Sao tôi thương cha tôi quá, tôi biết ông nhẫn nhịn vì tôi nhiều lắm rồi, cả ngày hôm nay ông không hề chửi mắng hay hỏi han gì tới chuyện của tôi và cậu Ba hết. Bà chủ chạy sang chửi cha con tôi, ông cũng không trách tội tôi mà chỉ âm thầm chịu đựng một mình. Tôi có khổ gì đâu, cha có làm gì cho tôi khổ đâu… đâu có đâu.

Không gian trong nhà đột nhiên im ắng lại, tôi nghe rõ tiếng bước chân của ông đang đến gần. Cái giường ọp ẹp vì có người vừa ngồi xuống mà khẽ kêu lên một tiếng kèm theo đó là giọng khàn khàn của cha tôi.

– Cha biết là con chưa có ngủ… từ cái bữa con hỏi cha chuyện của bạn con là cha đã nghi nghi rồi. Cha… cha không có ép uổng gì con đâu, con muốn quen ai cũng được, muốn cưới ai cũng được hết, miễn sao là người ta cũng thương con như con thương người ta là cha hài lòng rồi. Cái cậu hồi sáng này, cha thấy cũng được, cũng lịch sự, nói năng lễ phép hiểu chuyện… nhưng mà chỉ như vậy thôi thì cha không có hứa hẹn cái gì đâu… để cha coi xét thêm đã.

Tôi lau vội nước mắt trên mặt rồi khẽ ngồi dậy, tôi nhìn nhìn cha, giọng cũng khàn khàn:

– Con… con nghe theo ý cha.

Cha tôi vỗ nhè nhẹ lên tóc tôi, ông nói:

– Cha nuôi mày lớn, cha chỉ mong cho mày nên người rồi lấy được người chồng thương yêu mày là cha thấy vui lắm rồi. Cha đâu dám đèo bòng cho mày lấy chồng giàu đâu Mùa… bởi cha sợ… người ta coi thường tao rồi coi thường luôn mày. Cha cũng xin lỗi mày… tại cha nghèo quá nên mới làm mày khổ, mày đừng có giận cha nghe Mùa… nghe Mùa.

Tôi khóc, nước mắt chảy dài trên má, tôi vội vàng lắc đầu:

– Con đâu có giận cha đâu, con thương cha còn không hết nữa… sao con giận cha được… không có đâu cha… không có đâu.

Cha tôi cũng khóc, ông nghẹn giọng:

– Thì ờ… cha biết rồi… cha biết rồi. Con gái cha mà, lúc nào mà không thương cha… phải không con?

Tôi gật gật, nói năng không rõ chữ, lại đau lòng mà ôm cha khóc như mưa. Đó giờ tôi chưa bao giờ trách cha về gia cảnh nghèo khó, bởi tôi biết ông đã cố gắng hết sức mình rồi. Xã hội càng ngày càng phát triển, để nuôi hai miệng ăn đâu phải điều dễ dàng. Cha tôi có nghèo nhưng ông đâu bao giờ để mẹ con tôi phải đói, lại đâu bao giờ để tôi phải thiếu đi tình thương. Đối với tôi, như vậy là đủ rồi, như vậy là hạnh phúc lắm rồi.

Hai cha con ôm nhau khóc một hồi, cha tôi lại trầm giọng nói:

– Ngày mai kêu cái cậu đó qua thưa chuyện với cha… rồi có gì cha tính tiếp. Còn tiền mà cha còn thiếu bà Hằng, để cha bán ruộng trả cho hết luôn.

– Bán được bao nhiêu đâu hả cha? Để đó có cái mà cha trồng lúa chứ.

Cha tôi lắc đầu, giọng ông kiên quyết:

– Cha đi mần mướn cho người ta cũng được chứ nhất quyết không để cho người ta coi thường con. Bán ruộng rồi cũng còn dư được chút đỉnh, cha sửa lại nhà cửa, có chỗ che mưa che nắng cúng kiếng cho mẹ mày. Với lại, cha cũng không phải bán hết ruộng, để lại một miếng nhỏ sát nhà… cha trồng này kia đem ra chợ bán kiếm vài đồng lẻ cũng được.

Tôi nhìn ông, lòng đau như cắt:

– Cha…

– Thôi, cha quyết định vậy rồi, mai mốt cha kêu ông Tứ qua coi ruộng rồi ký giấy bán… vậy nghe, con ngủ đi, ngủ sớm đi con.

Tôi nhìn theo bóng lưng gầy gò của cha mình rồi lại cảm thấy đau lòng mất mát quá đỗi. Cả đời này, cha vì tôi tôi mà hy sinh nhiều quá, bây giờ lớn tướng rồi cứ tưởng là lo được cho cha, cuối cùng vẫn là cha hy sinh đổi lại cho tôi có được hạnh phúc. Khẽ thở dài, sao cái số của tôi nó khổ dữ vậy nè… thiệt là… cay đắng gian nan đủ đường.

………………………..

Ngày hôm sau, cậu Ba tới nhà thưa chuyện với cha tôi từ sớm, cậu bữa nay mặc áo sơ mi trắng bỏ ngoài, quần tây đen thẳng thiu cùng với giày sandal quai hậu trông thư sinh vô đối. Tóc tai chải bảy ba, đi con xe wave Thái trông buồn cười không chịu nổi. Thấy cậu dắt xe vào sân, trên tay là giỏ trái cây đầy ụ, tôi cười hỏi:

– Anh… sao vậy? Quần áo tóc tai như này là sao, cả chiếc xe kia nữa? Bộ… anh bị mẹ đuổi ra khỏi nhà rồi hả?

Cậu Ba cười mỉm, cậu nhỏ giọng:

– Nhập gia tùy tục, anh đang cố lấy điểm lại với cha vợ… em đừng rộn, để anh làm chuyện lớn.

Nói rồi, cậu xách giỏ trái cây đi vào bên trong, từ trong nhà bắt đầu vọng ra tiếng cười nói chào hỏi rộn ràng. Lúc tôi đi vào đã thấy cậu thắp nhang cho mẹ, cha tôi thì đứng kế bên bàn thờ, vẻ mặt của ông cũng không đến mức khó coi, xem ra tình hình tạm ổn.

Thắp nhang xong, hai người đàn ông ngồi xuống nói chuyện quan trọng. Cha tôi lên tiếng hỏi trước cũng không có nhắc gì đến chuyện hôm qua.

– Cậu… năm nay bao nhiêu tuổi?

Cậu Ba cung kính trả lời:

– Năm nay con 29 sang năm 30 thưa bác.

– Cũng lớn tuổi, nếu so với con Mùa thì nó phải gọi cậu là chú mới đúng.

Cậu Ba có chút sượng mặt, lại đưa mắt nhìn nhìn tôi kiểu oan ức lắm. Tôi ngồi ở đây lại thấy hả dạ, mà cha tôi nói cũng đúng vậy, tôi còn nhỏ xíu tuổi, cậu đã đến hàng ba, không già thì là gì.

Cha tôi lại hỏi:

– Cậu làm nghề gì?

Cậu Ba liền trả lời, một chút chậm trễ cũng không dám:

– Con đang kinh doanh, có công ty riêng rồi thưa bác.

– Tôi biết cậu giàu, cậu không cần khoe với tôi.

– Dạ…

Ngừng một chút, cha tôi lại hỏi, câu hỏi càng lúc càng căng thẳng.

– Chuyện hôm qua… tôi không nhắc tới nhưng tôi muốn hỏi cậu, nếu như cậu quen với con gái tôi… cậu có chắc là gia đình cậu sẽ không hành hạ con nhỏ? Cậu cũng thấy mẹ cậu ngày hôm qua… thứ cho tôi hỏi câu hỏi vô duyên… giữa con Mùa với mẹ cậu… cậu về phía ai nếu có mâu thuẫn?

Chà, câu hỏi hóc búa đây.

Cậu Ba suy nghĩ vài giây, giọng cậu nghiêm túc:

– Chỉ cần Mùa không làm chuyện gì có lỗi, con luôn luôn đứng về phía em ấy.

– Tức là… nếu con Mùa làm chuyện có lỗi… cậu cũng cư xử giống mẹ cậu phải không?

Cậu Ba nhìn cha tôi, cậu thẳng thắn trả lời:

– Dạ không, nếu em ấy sai thì em ấy sửa, con là chồng, là bạn trai, con không có cái quyền chửi mắng em ấy, cùng lắm là phân tích chỗ sai và giúp em ấy tìm cách khắc phục lỗi. Với lại, trẻ nhỏ làm sai… cũng không tính là lỗi lầm gì to tát.

Tôi nhìn cậu Ba, khoé môi giật giật… gì mà trẻ nhỏ làm sai? Tôi mà là trẻ nhỏ á?

Biểu cảm trên mặt cha tôi thoáng giãn nở, tôi loáng thoáng còn thấy được ông vừa mỉm cười. Chà, xem ra cha tôi khá là hài lòng với câu trả lời của cậu Ba, cũng được đó.

– Nhưng tôi không nói sẽ gả con gái cho cậu.

Cậu Ba khẽ cười, nụ cười kiên định:

– Nhất định bác sẽ gả con gái cho con, con chắc chắn.

Tôi bỉu môi nhìn cậu, đúng là đồ tự tin thái quá, cậu nói làm như tôi ế lắm vậy, không lấy cậu là không lấy được ai nữa quá. Cuỳ!

Cha tôi gật gật đầu, ông khẽ nói:

– Chuyện gả con gái… tôi chưa chắc, để xem thành ý của cậu như thế nào đã.

– Dạ!

Bàn sang chuyện khác một lát, cha tôi mới quay lại chuyện quan trọng, giọng ông có chút nặng nề:

– Chuyện ngày hôm qua… tôi không trách cậu nhưng tôi trách mẹ cậu, tôi trách bà ấy hồ đồ, cư xử ngang ngược. Nếu sau này cậu và con Mùa có tiến tới thì nhất định mẹ cậu phải sang đây nói năng phải quấy với tôi… tôi mới bỏ qua. Cậu hiểu chưa?

Cậu Ba gật đầu, biểu cảm hơi trùng xuống:

– Dạ, con hiểu rồi.

Ngừng một chút, cha tôi lại nói:

– Tiền tôi còn thiếu mẹ cậu, nay mai tôi sẽ qua trả hết cho bà ấy. Lúc tôi qua, tôi hy vọng cậu có nhà để làm chứng cho tôi… tôi cũng cho con Mùa nghỉ làm luôn ở nhà cậu để tránh cho mẹ cậu chửi rủa con nhỏ.

– Chuyện tiền bạc, bác cứ để con…

Cha tôi cắt ngang lời cậu:

– Không được, nếu cậu muốn cậu và con Mùa sau này lấy được nhau thì bây giờ cậu phải để mọi chuyện tôi sắp xếp. Tiền tôi thiếu thì tôi trả, con Mùa sau này cũng không còn là người ăn kẻ ở nhà cậu nữa… cậu hiểu ý tôi chưa?

Cậu Ba gật gật đầu:

– Con… con đã hiểu.

– Vậy được. Kể từ bây giờ, tôi cho phép cậu qua lại với con Mùa nhà tôi… nhưng mà… tôi cấm cậu dụ dỗ con nhỏ làm bừa. Nếu mà cậu làm bừa… tôi thà để con gái tôi nuôi chứ quyết không gả cho phường lưu manh nhà cậu… Cả hai đứa nghe rõ chưa?

Tôi gật gật như gà mổ thóc, cậu Ba thì mỉm mỉm cười thầm, trông bộ dạng khoái chí lắm. Eo ôi, cha tôi chỉ mới cho quen thôi mà cậu làm như được “hốt” con gái nhà người ta không bằng á, trông cái mặt tòm tem kìa, điêu thật… điêu thật!

Nói chuyện với cha tôi xong, tôi với cậu ra sau nhà xem vịt xem gà chạy quanh chuồng. Tôi làm cho cậu ly cà phê đen, đưa đến tay cậu, tôi cười nói:

– Uống đi, cha kêu em làm cho anh đó.

– Cà phê à?

Tôi gật gật:

– Cà phê, cha em rang ngon lắm, uống thử đi.

Cậu hớp một hơi rồi tậc lưỡi khen ngon, nhớ đến chuyện của chị Hồng, tôi liền hỏi:

– Chị Hồng sao rồi anh?

Cậu Ba đặt ly cà phê xuống bàn, cậu nhàn nhạt nói:

– Sức khỏe tạm ổn rồi, chỉ có điều… từ tối qua tới giờ cô ấy không nói chuyện gì hết.

Tôi rũ mắt, giọng rầu rĩ:

– Chắc chị ấy buồn lắm, chị thương đứa nhỏ biết nhường nào mà. Rồi ông Năm có nói gì không anh?

– Không nói gì nhưng anh biết ông buồn, chú Luân mất đến hai đứa con… sáng nay ông nội lại đi tới từ đường, không biết bây giờ đã về chưa…

– Sao lại như vậy không biết nữa, sáng em đi vẫn thấy chị khỏe lắm mà.

– Trượt chân té cầu thang, chuyện này cũng không ai muốn…

– Chị Hồng cẩn thận lắm, chị đi lên đi xuống cầu thang lúc nào cũng vịn chắc chắn… thật sự, em không tin được là chị trượt chân luôn đó anh. Anh có cho kiểm tra lại chưa, biết đâu…

Cậu Ba chau mày nhìn tôi, cậu nghi vấn, hỏi:

– Ý em là…

Tôi thở dài trả lời:

– Em không biết nữa, em chỉ không tin là chị Hồng bị trượt chân thôi. Em chăm sóc cho chị hằng ngày, chị kỹ lưỡng ra sao em là người rõ nhất mà. Nói chung… cứ để em gặp chị Hồng trước đã, tự em sẽ hỏi chị ấy.

Cậu Ba trầm tư:

– Em với Hồng… có gì giấu anh à?

– Không, có gì đâu… chỉ là…

– Chỉ là thế nào?

Tôi lại thở dài:

– Chỉ là… em thấy chị Hồng giống như là có chuyện gì giấu giếm em vậy… mà hình như là có liên quan đến mợ Diệp. Em không biết phải nói thế nào với anh nhưng em có cảm giác là như vậy, cảm giác này khó nói lắm.

Cậu Ba nhìn tôi, cậu không nói gì, mắt nhìn ra xa như là đang suy nghĩ chuyện gì vậy. Mãi một lát sau, tôi mới nghe cậu cất giọng trầm trầm:

– Chuyện này… để anh hỏi lại chú Luân, nếu anh điều tra được có người xấu tay cố tình làm hại đến con cháu của nhà họ Quý… anh nhất quyết không bỏ qua.

Tôi nhìn ra xa xăm, hy vọng chuyện của chị Hồng chỉ là sự cố không ai mong muốn!

……………………….

Cha tôi sau khi bán hơn phân nửa đất ruộng, ông liền kêu tôi đem tiền qua trả cho bác gái. Đếm tiền xong xuôi, bác gái nhìn nhìn cha con tôi, bà khó chịu lên tiếng:

– Mong… số tiền này không phải là tiền của họ Quý nhà tôi.

Cha tôi chau mày, ông nói thẳng:

– Tiền nhà họ Quý các người khó nuốt lắm, tiền này là tiền họ Nguyễn của tôi, bà nhận đuợc thì nhận, không nhận được cũng phải nhận chứ đừng có ở đây mà nói bậy bạ lung tung.

Bác gái cười trừ:

– Tôi nói vậy thôi, người có tật thì giật mình à.

– Ừ, có tật giật đùng đùng chứ giật mình gì đâu bà ơi, nói xạo còn giật cho méo mỏ luôn chứ giật mình gì.

Thấy có mùi súng đạn, tôi liền kéo cha tôi lại, tôi hướng đến bà chủ, khẽ nói:

– Dạ, cho con xin phép xuống sau dọn đồ.

– Tùy cô, muốn dọn gì thì dọn đi.

Tôi để cha tôi ngồi với cậu Ba, tôi thì đi xuống sau dọn quần áo. Lúc dọn đồ dì Tư có vô hỏi tôi, tôi chỉ nói đơn giản là tôi trả hết tiền rồi nên không ở nữa. Dì Tư coi bộ cũng buồn, ở với nhau mấy tháng trời, giờ nói đi là đi, đừng nói là dì mà ngay cả tôi, tôi cũng chịu không nổi. Tạm biệt mọi người trong nhà, tôi định lên chào hỏi ông Năm mà ông không có nhà. Thấy vậy cũng thôi, tôi liền xách balo đi ra tìm cha tôi rồi hai cha con tôi dìu dắt nhau về. Cậu Ba muốn đưa tôi về nhưng cha tôi không chịu, ông nói để ông chở tôi về.

Ngồi sau xe cha, cha chở tôi chạy ra xa cổng nhà họ Quý, trong lòng tôi không biết nên vui hay nên buồn nữa. Haiz, đúng thiệt là người tính không bằng Trời tính, cuối cùng cũng phải bán đất đi để mà trả nợ…

Thôi thì… như vậy cũng tốt!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.