Bước Đường Cùng

Chương 25




Hôm sau, chị Pha cắt cơn, nhưng anh bị ông nghị gọi đến, đánh cho một trận thực đau rồi đuổi đi, không cho làm nữa. Ông rất giận: 

- Giá mày tử tế hẳn hoi như người ta, thì hôm qua mày nhận là mày lấy, có phải người ngoài, người ta đỡ cười thằng chủ mày không? 

Ông hẹn cấm cửa anh, và bắt anh phải trả năm thùng thóc vay trước. Anh khóc mếu lạy van, song không ăn thua. Sau cùng phải bắt vợ ốm xanh ốm gầy bế con đến ông nghị, cả nhà thụp xuống đất tế sống ông, ông mới tha. Ông nghị cho chịu, chẳng phải vì rủ lòng thương cái gia đình nheo nhóc, cảnh nghèo bệnh nặng, nhưng là ông trông rõ rằng vợ chồng Pha nay chỉ còn có bộ xương, giá có đẽo mãi mà bán, cũng không đủ tiền thóc. 

Thực vậy, cuộc sinh nhai của Pha rất đỗi gay go, nhất là mấy hôm sau này trời mưa luôn không ngớt. Dự và Tân hết lòng với anh, nhưng hai người này cũng không được dư dật cho lắm, nên sự cứu giúp cũng có chừng mà thôi. 

Rồi may quá, anh tìm được việc làm cho một người làng Đông Xá, vì người ấy hứa có thể trả công ngay bằng gạo. Như vậy, cơm ngày hai bữa anh không phải lo, mà vợ anh cũng không phải nhịn đói. 

Nhưng sự dễ chịu ấy cũng chỉ được có năm ngày. Ngày thứ sáu có lính huyện đem trát quan về làng bắt hai chục phu đi hộ đê, mà Pha là người đầu tiên bị lý trưởng đến tróc. 

Pha phải đến nhà Dự, nhờ em vợ nuôi vợ con, rồi mượn cái cuốc, và cơm nắm muối vừng cùng bọn phu người làng lên mặt đê An Bắc. 

Khúc đê này rất xung yếu. Vì trời mưa dữ quá, nước các ngả đổ về. Nếu có vỡ thì đồng điền làng mạc cả ba huyện phải ngập hết. Vì vậy các ông quan địa phương gần đó và nhân viên sở Lục lộ phải hết sức cứu chữa và lâm thời đắp một cái quai ở trong để phòng nếu khúc đê ấy chẳng may bị thần nước phá tan tành. 

Trời nắng chang chang. Độ quá trưa thì Pha đến nơi. Trên mặt đê, phu phen đã đông nghìn nghịt làm việc tấp nập. Trống ngũ liên thúc rộn. Mặt sông nước đỏ ngòm, cao mấp mé con chạch, chảy mạnh, xoáy hoắm, đùn lên những đám bọt trắng xóa. 

Lý trưởng An Đạo dẫn phu đến điếm trình quan. Quan bảo cho nghỉ một lát rồi đưa phu đến ông thừa, điểm lại và cắt việc. Ông thừa, Pha còn nhớ mặt, bây giờ gầy đi, đen đi, râu mọc tua tủa, nói tiếng khàn khàn, trỏ tay bờ tường, bảo: 

- Cho chúng nó chờ cả đấy. 

Pha ngồi xổm đợi. Anh thấy một người đang nhăn nhó nhìn đống tre trước mặt, nằn nì: 

- Cụ ông lại cho. Làng cháy đủ một trăm tre, cây nào cũng chọn rất kỹ. 

Ông thừa lắc đầu: 

- Chỉ được sáu mươi nhăm cây, còn ba mươi nhăm cây không hợp lệ, bác mang về, mai nộp đủ thì tôi xóa sổ đi cho. 

Người ấy cãi: 

- Ba mươi nhăm cây thế này, sao cụ bảo không hợp lệ? 

Ông thừa gắt: 

- Quan bảo chứ cụ nào bảo? Này, có tử tế tôi giúp cho cách này. 

- Vâng thế cụ dạy cho. 

- Đây tôi có tre tốt, bốn hào một cây, bỏ tiền ra tôi bán cho. 

- Thưa cụ thế thì cao quá, cụ tính bớt đi. 

- Ồ, tôi không mặc cả lôi thôi, tôi muốn cho các bác chạy việc khỏi đòn đánh nên tôi làm ơn, chứ tôi ăn lời ăn lái gì mà cao với hạ? Tiền ngay mới có tre, chứ tôi không cho chịu được. 

Người này nghĩ ngợi một lát rồi đáp: 

- Vâng, cụ làm ơn để lại, thế nào sớm tối nay, tôi cũng xin nộp tiền. 

- Thế tôi biên nhận cho anh một trăm tre nhé. 

Ông thừa viết xong đưa giấy rồi hỏi: 

- Thế anh đưa ba nhăm cây tre kia về à? Phải vạ. Vừa nhọc xác, vừa để làm gì? Có để lại rẻ tôi mua cho. 

- Cụ trả cháu bao nhiêu? 

- Hào một cây thì mua, trừ vào số nợ ban nãy. 

Người này suy tính một lát rồi bằng lòng, Pha và những người phu làng yên lặng xem việc mua bán. Lý trưởng mỉa mai nói khẽ với người tuần: 

- Thế là ba nhăm cây tre này lại thành ra hợp lệ để chốc bán cho người khác. Ngon quá. 

- Nhận sáu nhăm mà biên là một trăm. Cứ một vụ đi đê ông ấy làm giàu được. 

Ông thừa coi cho người đứng thành một dãy dài, từ ruộng xa chân đê đến qua ngang mặt đê, chỗ cho chạch. Một người cầm mai đào ba góc đất, rồi một người cúi xuống, bê tảng đất lên, chuyền tay nhau cho đến người cuối cùng thì be cho con chạch thêm vững. 

Mặt trời như thiêu vào lưng. Phu phen chỉ đóng chiếc khố mồ hôi nhễ nhại. Nước ào ào cuộn. Trống thùng thùng đánh liên hồi. Các người coi đê, quần lấm như trát đất, đi lại tấp nập hò hét. Sức nước xem thế rất mãnh liệt, nhưng sức người cũng găng. Cả một dãy dài hàng hai cây số, hoạt động không ngừng, nhưng bên kia, bên cánh đồng, chạy rộng như một bức thảm nhung xanh, gió hiu hiu, lúa má vẫn bình tĩnh lơi lả, có vẻ êm đềm như các ông điền chủ đợi ngày thu thóc. 

Đến chiều, trời oi bức, như báo trước một tai nạn chẳng vừa. Quả nhiên, lúc mọi người đương nghỉ tay, ngồi ở vệ đê bốc cơm ăn, thì một cơn giông nổi lên. Sóng to vỗ mạnh vào con chạch kêu óc ách. Mây đen kéo mù mịt, rồi mưa to như trút đổ xuống. Phu phen chạy như vịt. Nhưng một lệnh truyền ra những ngọn roi mây quất lia lịa, bắt họ phải đứng đó để chờ. Bỗng tin dữ dội ở đâu đâu đưa đến, người báo vỡ khúc đê Đồng Sớm, người đồn như sạt khúc đê Phượng Hoàng. Ai nấy nghĩ đến ruộng nương đều lo lắng, sợ hãi. 

Quan bắt dân phải hết sức nhanh chóng, be con chạch cho cao, cho rộng thêm lên. Nước mưa ở trên trút xuống như giội. Trời tối dần. Những ngọn đèn pin thỉnh thoảng lòe sáng để đếm từng hàng xem có thiếu người nào không. Mãi nửa đêm, ngớt mưa, bọn phu mới được nghỉ. Nhưng sáng hôm sau mực nước lên gần mấp mé mặt con chạch đã đắp cao. Nhiều nơi nước rỉ sang đồng, mà trời vẫn u ám. Mưa lại trút một trận nữa. Rồi mưa mãi. Mưa cho vừa ba ngày. 

Người ta không còn hy vọng giữ vững đê An Bắc nữa. Các nhà chức trách ngày đêm hò hét, thôi thúc dân phu, nhưng thế nước mỗi giờ một lớn. 

Những nhà ở gần đê đã sắp sửa sự tránh lụt. Người ta lo lắng đêm ngày, cho đi hỏi tin, nhưng không ai dám chắc khúc đê có thể vững được. Người ta đem trâu bò lợn gà bán rẻ đi. Nhà giàu có thóc thì bắc sàn cao để giữ cho nước khỏi làm mọc mầm hoắc ủng thối. Nhà nghèo thì than khóc mấy sào lúa sắp chết đuối, tiếc công của mấy tháng và nghĩ đến cách sinh nhai trong những buổi đói kém khó khăn. 

Nhưng cả một vùng này tuy chưa hề lụt về vỡ đê, song đã lụt về úng thủy. Trời mưa nhiều, nước tiêu đi không kịp. Nhất là làng An Đạo, vì ở vào chỗ thấp như lòng chảo, nên trừ dinh cơ Nghị Lại làm trên chỗ cao, còn nhà nào cũng ngập, nhà đến sân, nhà mấp mé mặt hè. 

Nước ấy cố nhiên không sạch gì. Nó trộn với các thứ rác rưởi, bè ngổm, bè dừa, phân tro, chuột chết nổi lều phều. Người ta rửa tay, tắm táp, đại tiểu tiện ngay ở đầu hè, rồi cũng chỉ khỏa một cái, vục lấy vài gàu dùng vào việc ăn uống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.