Bước Đường Cùng

Chương 21




Chân trời đằng Đông dần dần trắng như sữa. Sao mỗi lúc một nhạt. Gió hiu hiu. Chị Pha đặt con nằm một mình, đánh thức chồng dậy rồi ra chống liếp cửa lên. Bắt đầu từ hôm nay, Pha đến làm mướn cho Nghị Lại. Sở dĩ anh phải quay đầu về với ông nghị vì xong vụ thuế, vợ chồng anh không còn kế gì sinh nhai. Mà ở làng này, sau vụ thuế ngoài ông nghị ra, không nhà ai còn có tiền mướn người làm nữa. 

Chiều hôm qua, khi đến nhà ông nghị xin việc anh được Phát gọi vào ngay. Ông nghị không chối đi vắng nữa, vì thừa hiểu hẳn anh không còn đồng xu nào để nằn nì ông nhận nợ. Khi thấy anh ngỏ ý xin cho vợ chồng làm, ông nghị lắc đầu, nói rằng độ rày công việc cũng rỗi rãi. Sau, may có vợ chồng anh Hai xin nghỉ về quê vài hôm, anh chị Pha mới được thay tạm vào chân ấy. 

Pha hớn hở mừng, đỡ phải lo chạy gạo lại được thêm mỗi ngày mỗi người hào rưỡi, như tiền công ông nghị vẫn trả anh Hai. Món ấy tuy hạ, song còn hơn nằm nhà nhịn đói. 

Chị Pha bế con sang gửi cái Bống rồi hai người đến nhà ông nghị ăn cơm. Lúc mang gầu ra đồng thì đã rõ mặt người. 

Nền trời xanh ngắt. Ánh hồng đỏ rực từ rặng tre trước mặt như phun lửa, hứa hẹn một ngày nữa nắng như thiêu. 

Pha thấy bức, cởi áo vắt vai. Tia mặt trời chiếu mạnh vào bụng như những mũi tên nóng. Đến nơi, hai người nghỉ một lát, rồi đứng hai bên bờ, còng lưng vục gầu xuống ao, ưỡn người, hắt nước ra ruộng. Tiếng nước xì xòm. Mặt trời lên hết rặng tre, ánh nắng đã nóng quá. Chị Pha dừng tay, cởi áo, và chữa nón, rồi lại làm việc. Gió không có. Mặt, cánh tay, lưng, mồ hôi chảy ròng ròng. 

- Lâu ngày không quen làm gì nặng, bây giờ mới tát được vài gầu đã mỏi rời. 

Chồng thương hại, cười: 

- Vài hôm nó quen đi chứ lỵ. Trông đằng kia họ làm nhanh chưa? 

- Phải quen, đến lúc quen thì vừa ốm xác. 

Pha nói lảng: 

- Cánh đồng này, gần hết là ruộng ông nghị. 

- Thì thửa này cũng của ông lý đương vừa bán ngày năm ngoái đây mà. 

Rồi chị thở dài: 

- Kể người ta giàu cũng sướng. Chỉ ngồi không chẳng phải mó tay vào việc gì, tự khắc những người vất vả quanh năm đầu tắt mặt tối phải đem thóc đến nộp. Thật đã giàu lại giàu thêm, mà đã nghèo khổ lại nghèo khổ thêm. Mà họ làm giàu vì mồ hôi nước mắt của mình. 

- Chuyện. Thôi đừng nói nữa, im mà làm cho bớt mệt. 

Chị Pha không nói gì, lẳng lặng tát nước, nhưng tự nhiên cao hứng, chị cất lên tiếng lanh lảnh hát: 

Quê tôi nay ở Ngũ Đình, 

Xin đem một chuyện nhân tình phô trương. 

Kính trình liệt quý quý hương, 

Thượng thông hạ đạt xem tường cho tôi. 

Ăn năn thì sự đã rồi, 

Nhưng mà cũng phải đền bồi mới xong. 

Tân Mùi năm ấy tàn đông, 

Nhâm Thân lại gặp tháng cùng đầu xuân. 

Mối manh nhờ cậy băng nhân, 

Tên là Đỗ Ngữ duyệt văn đó mà. 

Bà xã Hiệp ở dân ta, 

Con là thị Báo ấy là túc nhân. 

Vấn danh giao ước Tấn Tần, 

Nội ngoại cùng biết, xa gần đều khen. 

Ai ngờ đổi trắng thay đen, 

Pha bùn dẫu có hồ phèn không trong. 

Bất phu nhi dục như ong, 

Phấn thừa, hương thãi ai hòng làm chi. 

Lễ nghi các tiết mọi kỳ, 

Há rằng có phải mảnh chì quăng sông. 

Việc này nhờ cậy chư ông, 

Vả chốn lân tiếp cùng trong hạt nhà. 

Lấy lời mà bảo bà ta, 

Kẻo mà hôn cấu lại ra cừu thù. 

Hát xong, chị phá ra cười, khen: 

- Bài vè này hay đấy nhỉ. 

Bỗng có tiếng khàn khàn, ở bờ ruộng bên kia: 

- Ơ hay, chúng bay làm đi, chứ tao thuê để đi đú đởn với nhau đấy à? 

Vợ chồng quay lại, thấy bà nghị đến gần đó khuỳnh hai tay vào háng. Chị Pha kinh hãi, cố hết sức làm việc. Khi bà nghị đi khỏi, chị Pha vừa thở vừa nói: 

- Thầy nó chầm chậm cho tôi theo với. Không hát để quên mệt thì hai tay mỏi rời. 

Thấy mặt vợ đỏ rừ, Pha ái ngại: 

- Cố chút nữa cho bà ấy đi xa hãy hay. 

- Bây giờ độ mấy giờ nhỉ? 

- Tàu tám giờ đã về đâu. 

Chị Pha thở dài: 

- Trời ạ, còn tát từ giờ đến mười hai giờ trưa thì kéo sao nổi? Hay nghỉ một tí đi? 

Chồng lắc đầu: 

- Buổi mới, ta hãy nên làm cho bằng người ta để ông ấy tin. 

Chị Pha nhăn mặt: 

- Nhưng thở không được. Ù cả tai, hoa cả mắt. Bây giờ tôi mới biết thầy nó khỏe, đi làm đồng quanh năm mà chịu được. 

Mặt trời lên cao quá con sào. Nước sóng sánh ở ruộng chiếu lên long lanh. Gió vẫn lặng. Nắng gay gắt. Chị Pha không còn sức nữa, hổn hển nói: 

- Tôi dễ say nắng, nhức cả đầu. 

Pha cười an ủi: 

- Con nhà quê mà không quen nắng thì hèn quá. 

- Từ ngày ở cữ, mỗi bận tôi gánh hàng có từ nhà đến chợ, mà cũng thấy váng vất, nữa là đứng bêu nắng từ sáng đến giờ.

- Thế thì còn từ trưa đến chiều, bu nó chịu thế nào được? Lúc ấy nắng xiên khoai, có gió thì lại như bốc lửa vào mặt. Đi làm mướn, không phải lo kiếm lấy gạo ăn, nhưng vất vả lắm. Giá mình làm cho mình thì tha hồ, nghỉ lúc nào cũng được. 

- Nội các thứ nghề làm mướn, dễ không có gì khổ bằng làm ruộng. Suốt ngày đứng nắng chang chang, công việc thì nặng nhọc mà không thể nào làm dối trá che mắt chủ được, vì được bao nhiêu nó rõ ra đấy. 

- Mà từ mờ mờ sáng, cho đến chín mười giờ đêm, lúc nào cũng quần quật. 

Chị Pha nói chuyện thì quên nhọc mệt. Nhưng bóng bà Nghị Lại kia rồi. Bà đến gần khùy tay đứng nhìn, khiến anh chị Pha không dám hé răng, cứ cắm cổ hết sức tát nước. Nghèo đói thật là một nhục hình. 

Lúc mặt trời lên đến đỉnh đầu, có con bé đem cơm ra đồng, nói: 

- Bà lớn bảo anh chị nghỉ tay rồi anh đi bừa cho bà chỗ năm sào ở đám ông Đống, để chị cu Bái đến tát nước với chị. 

Được nghỉ, vợ chồng pha hớn hở, tìm chỗ gốc cây có bóng mát để ăn cơm. Chị Pha tuy đói nhưng mệt quá, không ăn được mấy. Vả cơm lại khô khan, chị phải chan nước vối, nhưng cũng chỉ nuốt được có hai bát. Pha và bát nào cũng hết ngóm. Anh chị ngoạm ba miếng, gắp có tí tôm rang. Nhưng bụng còn đói, mà ba bát rưỡi cơm canh ăn còn thấy thiếu. Song, biết làm thế nào? Cơm mang ra đồng chỉ có thế. Vợ chồng ăn xong, nghỉ ngơi một lát thì chị cu Bái đến. Pha để hai người lại, đi sang đám ông Đống để bừa. 

Công việc buổi chiều nặng nhọc hơn. Trời nắng cháy lưng. Mọi người làm cho đến sẩm tối, thì thu đồ đạc về nhà ông nghị để ăn bữa cơm nữa. Đồ ăn bữa cơm chiều không hơn gì bữa trưa, song được cái cơm không đến nỗi thiếu. 

Nhà làm ruộng ở thôn quê quanh năm không hết việc. Mà ông Nghị Lại không có lệ cho thợ nghỉ ngay từ chập tối. Nên ăn cơm xong, vợ chồng còn phải ở lại cho đến giữa canh hai. Chị Pha mỏi dần tưởng chừng đi không nổi. Lúc bà nghị cho lệnh nghỉ tay, chị cắp nón về liền, để chồng ở lại lĩnh công sá. 

Được gọi lên lấy tiền, Pha hớn hở. Nhưng bà nghị nói: 

- Vợ mày nó lười lắm, cả ngày chỉ hát chứ không làm, tao không bằng lòng cho mày với nó làm một chỗ. 

Pha không đáp. 

- Mọi năm, công đàn ông tao trả bảy tám xu một ngày, đàn bà ba bốn xu. Nhưng năm nay, thuế má cao, quan phải nộp những sáu bảy chục, mà chúng bay chỉ mất có mỗi một đồng, cho nên tao phải hạ công chúng mày xuống. Mày thì tao có thể trả được năm xu, thế là hậu lắm rồi, còn vợ mày, tao trả cho ba xu hôm đầu lấy may. Còn mai thì bảo vợ mày ở nhà. 

Pha nhăn nhó kêu van: 

- Lạy bà lớn, năm nay thuế con cũng vẫn phải nộp như mọi năm, con xin bà lớn ban cho con hào rưỡi như bà đã trả vợ chồng anh Hai. 

- Vợ chồng nó khác, vợ chồng mày khác. Mày không bì được. Không bằng lòng thì thôi, mai ở cả nhà. Chúng mày muốn kiếm chỗ mà đi lại nhờ vả về lâu dài thì phải biết điều. Còn vợ mày nó làm tao cho hai bữa cơm là đã khá, chứ cái bộ khẳng khiu gầy gò ấy như con bọ chó múa bấc, đến chỉ thêm vướng cẳng. 

Nói đoạn, bà nghị quẳng tám xu xuống đất và đi vào. Pha bất đắc dĩ cúi xuống nhặt. Phát khuyên: 

- Thôi, bà lớn đã dạy thế, bà lớn có để ai thiệt hơn ai đâu, anh không biết điều tý nào cả. Chúng tôi đây cũng bị hạ công, mà mỗi mẫu đến mùa này còn phải nộp thêm hai thùng thóc hầu quan nữa đấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.