Ba Đường Luân Hồi

Quyển 4 – Chương 10




Hai ngày sau, lại tiếp tục lên đường.

Đường càng đi càng kém, dần cách xa khỏi nơi có người ở, quần áo trên người càng lúc càng nhiều thêm theo nền nhiệt độ ngày một hạ thấp.

Thảm thực vật ít dần, trước mắt hoang vu, lúc ven đường xuất hiện tuyết lần đầu, Tông Hàng gác đầu lên cửa sổ xe, ngắm chừng năm phút.

Núi tuyết trông như vậy à, vừa giống lại vừa không giống với tranh ảnh trước kia từng xem.

Cái giống là hình dáng, cái không giống là cảm giác tạt vào mặt.

Dịch Táp không có hứng thú gì với phong cảnh, phần lớn thời gian trên đường cô đều ngủ, cộng thêm nhận một cuộc gọi.

Dịch Vân Xảo gọi tới, thần thần bí bí hỏi cô: “Táp Táp, gần đây cháu có nghe được tin đồn gì không?”

Đường đang đi tới đoạn xóc nảy, Dịch Táp nắm lấy tay vịn trên trần xe: “Tin đồn gì ạ?”

“Nghe nói người nhà họ Đinh muốn đến hầm đất trôi nổi làm gì đó, che giấu ghê lắm.”

Dịch Táp ngẩng lên nhìn gương chiếu hậu trong xe, quan sát khuôn mặt che giấu của mình: “Không ạ.”

Dịch Vân Xảo ghét bỏ cô: “Cháu thiếu nhạy cảm quá đó, chuyện gì cũng không để tâm, cô nói cháu hay, chắc chắn là có chuyện gì xảy ra rồi.”

Dịch Táp thầm nhủ, đúng là có chuyện xảy ra, chỉ là gạt cô ra ngoài thôi.

Thực đúng không phụ giác quan thứ sáu siêu cường và đầu mút thần kinh nhạy bén của người cô Vân Xảo này.

Trạm cuối là dưới một chân núi.

Vô số dòng suối lấp lánh dưới ánh mặt trời, mỗi dòng đều rất hẹp nhỏ, đan chéo ngang dọc như chỉ tay của cao nguyên, nếu bó lại thành chổi thì phải có đến ngàn vạn sợi.

Nơi có nước ắt sẽ có sự sống, mặt đất cũng không hoang vu, mọc đầy những loại rêu cỏ thấp lùn màu xanh vàng, còn có rất nhiều ao đầm nhỏ, xung quanh lênh láng nước, như từng con từng con mắt mục nát.

So với cảnh tiêu điều hoang vu dọc đường đi, chân núi này rực rỡ màu sắc, sôi nổi vô cùng.

Màu sắc đầu tiên đến từ lều bạt. Có tất cả hơn mười căn lều bạt phân bố lộn xộn, mấy chục người từ bên trong ra đón, đa số đều mặc trang phục dân tộc Tạng, hơn nữa quanh năm làm việc trên cao nguyên, dầm mưa dãi nắng, trông còn giống người Tạng hơn cả người Tạng bản địa.

Thứ hai là cờ phong mã, muôn màu muôn vẻ, phần phật bay múa, cái này tiếp cái nọ, gần như trải ra đến vài dặm, quy mô này nhất định là một rừng phướn kinh lớn. (*)

(*) Người Tạng cho rằng người bảo vệ núi cao sông lớn nơi đất Tạng là thần bầu trời Zan và thần mặt đất Nian, họ thường cưỡi ngựa gió (phong mã) tuần tra khắp núi tuyết, rừng rậm, thảo nguyên, thung lũng, bảo vệ bộ lạc đất tuyết được bình an, chống lại sự xâm lấn của yêu ma. Bởi vậy, người Tạng dựng sào gỗ, treo những lá cờ màu sắc in hình ngựa gió, bên trên viết chú ngữ, kinh văn tiếng Tạng hoặc vẽ hình Phật, biểu tượng nhà Phật lên thành từng dãy dài ở tảng đá cầu khấn trong khu sinh sống hoặc ở chùa chiền để cầu nguyện, trừ tà. Phướn kinh cũng là một trong những loại cờ phong mã.

Xuống xe, hiện trường ầm ĩ bận rộn, có người vội vàng mang hành lí xuống, dựng lều bạt mới, cũng có người cửu biệt trùng phùng, cùng nhau hàn huyên. Dịch Táp không quen những người này, cũng không giỏi xã giao, bèn dẫn Tông Hàng đi loanh quanh thăm thú, lúc đi ngang qua một căn lều trong đó, vô tình trông thấy bên trong có mấy chồng cờ phong mã in kinh văn mới tinh.

Một ý nghĩ lướt vụt qua đầu Dịch Táp, cô cố gắng chậm rãi đi tới dưới một dãy cờ phong mã – ở đây cao hơn mặt nước biển hơn bốn ngàn mét, vận động hơi mạnh một chút thôi cũng có thể dễ dàng khiến thân thể khó chịu.

Cờ phong mã này cũng mới tinh, hơn nữa còn rất căng.

Tông Hàng còn chưa thích ứng với cao nguyên lắm, mới đi vài vòng hơi thở đã hổn hển rồi: “Có gì không đúng à?”

Dịch Táp trầm ngâm: “Tất cả cờ phong mã đều là cờ mới.”

Mới thì sao? Tông Hàng vẫn chưa hiểu.

Dịch Táp giải thích cho hắn: “Cờ phong mã còn gọi là phướn cầu nguyện, bên trên in kinh văn, người Tạng cho rằng, gió tung những phướn kinh này lên một lần tương đương với một lần niệm kinh, là chuyện rất có công đức – cờ phong mã chúng ta thấy trên đường đi cũng không ít, đa số đều phai màu bạc thếch cũng là bởi quanh năm suốt tháng dãi nắng dầm mưa ngoài trời.”

“Nhưng cờ ở quanh doanh trại này lại mới hoàn toàn, dây treo lại căng như vậy, chứng tỏ chỉ mới được chăng lên chừng hai ngày, không biết muốn dùng để làm gì.”

***

Muốn dùng để làm gì, phải đến buổi tối Dịch Táp mới biết.

Đêm xuống, chung quanh đáng ra phải tối đen, nhưng phóng mắt nhìn ra, mặt đất và phướn kinh đều óng ánh sắc màu xanh biếc, trông rất hoành tráng, chèn ép khiến bầu trời sao ảm đạm đi không ít.

Rất nhiều người chui ra khỏi lều ngạc nhiên xem, Tông Hàng cũng lấy điện thoại ra chụp, đáng tiếc ban đêm ánh sáng không đủ, chụp ra chỉ toàn những bóng ma lắc lư.

Hắn ra đây hóng hớt, còn Dịch Táp thì ra xem cách thức.

Ba họ khoanh vùng nơi này là khu vực trọng điểm cho lần “đất mở cửa” tiếp theo của hầm đất trôi nổi, bởi vậy nên dựng rừng phướn kinh khắp vài dặm vuông quanh đây, mà trên mặt đất và trên phướn kinh đều có rắc bột dạ quang.

Thứ này vào ban ngày được ánh nắng chiếu xuống, có thể tích trữ năng lượng mặt trời, đến buổi tối thì thong thả phóng ra ánh huỳnh quang dìu dịu, phát sáng nửa đêm một đêm không thành vấn đề.

Trong doanh trại, buổi tối nhất định là có sắp xếp cử người canh gác: Lỡ đất mở cửa, gió xộc sao Đẩu thật thì bột dạ quang trên mặt đất và những lá cờ phong kỳ rủ xuống này sẽ theo gió mà phất lên – có tín hiệu rõ ràng như vậy, miễn là “đất mở cửa” xuất hiện thì chắc chắn sẽ không bỏ lỡ.

***

Buổi tối không có gì để giải trí, ăn cơm xong, ai về lều người nấy nghỉ ngơi.

Tông Hàng và Dịch Táp ở chung trong một lều hai người. Hắn chưa từng ở lều, cảm thấy rất mới lạ, chui vào túi ngủ từ rất sớm để cảm thụ, cảm thấy hình ảnh người bị bỏ vào vỏ chăn khoanh tay bó gối rất thú vị.

Chỉ là cảm giác mới lạ này trôi qua rất nhanh.

Mặt đất không bằng phẳng, dù đã lót đệm chống ẩm nhưng dưới thân vẫn bị cấn đến mình mẩy đau nhừ; vào đêm, thời gian dài hơn, nhiệt độ xuống rất thấp, túi ngủ không kín hẳn mà có vài khe lọt, lập tức bị hơi lạnh thấm vào; gió rất lớn, phần phật phần phật, như lăn từ trên đỉnh núi xuống vậy, lều bạt bị kéo căng ra các hướng, ngọn đèn ngủ treo trên trần cũng bị lắc đông lắc tây.

Đáng sợ chết được, chung quanh cũng không còn âm thanh gì, chỉ thỉnh thoảng có tiếng ho khan trầm thấp không biết từ hướng nào vang lên.

Tông Hàng thò tay ra chọc chọc lều vải: “Dịch Táp, cái này có bền không vậy? Lỡ nửa đêm có sói mò tới, cào một phát rách toang ra, tôi sẽ bị sói tha đi mất.”

Dịch Táp đang chơi món câu cá.

Chán muốn chết, cô cũng chỉ có mỗi cái này để giải trí: “Cậu thơm ngon lắm chắc? Sói không tha người khác, cứ nhất định phải tha cậu?”

Cũng phải, lều của họ nằm ở giữa trại, nếu thật có sói cũng sẽ càn quét bên rìa trước.

Thế là Tông Hàng bọc túi ngủ yên lặng xem Dịch Táp câu cá: “Dịch Táp, cô nói xem hầm đất trôi nổi này có nguy hiểm không?”

“Chưa vào bao giờ, ai biết được?”

Tông Hàng cảm thấy mình lại hỏi nhảm, có điều, hắn và Dịch Táp đều là chết rồi sống lại, nghĩ theo hướng tích cực thì là hầm đất trôi nổi đã làm họ sống lại – cũng không đến nỗi lại làm gì họ đâu chứ? “Con đẻ” mà.

Hắn nhìn một hồi, trong lòng ngứa ngáy, không nhịn được thò tay ra muốn lấy cần câu không dùng tới cắm ở góc ao nước.

Dịch Táp phản ứng rất nhanh, giật khay ao nước tranh đi: “Làm gì đó?”

Tông Hàng cáu: “Bốn cái cần cơ mà, có thể chơi nhiều người, cô có tinh thần chia sẻ chút nào không vậy?”

“Không có.”

Đáp dứt khoát ghê cơ, Tông Hàng không biết làm thế nào, lát sau hậm hực một câu: “Sợ câu không bằng tôi chứ gì.”

Dịch Táp cười xì một tiếng: “Bằng vào cậu á?”

Cô đẩy khay ao nước qua: “Nào, ba trận định thắng thua, so xem ai câu được nhiều cá hơn, nói trước đã, người thua phải làm sao?”

Tông Hàng nói: “Tùy cô.”

Dịch Táp cũng dứt khoát: “Mặc đồ con gái chụp ảnh.”

Tông Hàng vỗ tay: “Được!”

Thế là Dịch Táp thả lại mấy con cá đã câu ra trước đó về lại ao.

Tông Hàng nhìn cô bày khay, bỗng tỉnh ra: “Không đúng, cô vốn là con gái mà!”

Dịch Táp nắm cần câu trong tay: “Lắm lời thế? Tôi mà thua chắc? Chỉ có cậu thua thôi, bắt đầu đi.”

Tông Hàng tức giận, đây rõ ràng là bị cô gài bẫy mà: có điều không sao, hắn sẽ thắng bằng thực lực của mình.

Dịch Táp bật công tắc.

Tiếng ông ông vang lên, Tông Hàng khẩn trương vô cùng, nhanh chóng câu lên một con, lại một con, còn tập trung hơn cả thi cuối kỳ hổi nhỏ. Lúc đầu cần câu đang thả xuống một con, cần của Dịch Táp nửa đường chọc ngang qua, trực tiếp chặn cướp mục tiêu của hắn.

Tông Hàng la: “Này…”

Dịch Táp không buồn ngẩng đầu lên: “Này cái gì mà này, xã hội tàn khốc thế đấy, sống bằng cướp đoạt.”

Cô nói được làm được, hắn câu con nào, cô sẽ cướp con đấy, chăm chú quấy hắn đến giây cuối cùng.

Ván đầu tiên, Tông Hàng thua.

Ván thứ hai bắt đầu, Dịch Táp vung vẩy cần câu như vung roi da quất người: “Quên không nói, đồ con gái phải mặc hết từ trong ra ngoài.”

Tông Hàng không đáp, mắt lập lòe, trong lòng đã có dự tính.

Vừa bật công tắc, tiếng ông ông lại nổi lên, Dịch Táp đắc ý quên mình, lơ là cảnh giác, vừa câu lên một con, Tông Hàng đã quăng cần câu đi, đưa tay ra bắt như nhổ củ cải, bắt bảy tám con lên.

Dịch Táp la: “Này…”

Tông Hàng hả hê: “Xã hội tàn khốc thế đấy, phải biến báo, phải động não.”

Ván thứ hai, tỷ số hòa 1-1.

Tới ván thứ ba quyết định thắng bại.

Gió bên ngoài nổi lớn hơn, tiếng cờ phong mã phần phật như có ở khắp nơi, Quyết chiến trên đỉnh Tử Cấm Thành (*) có lẽ cũng chính là cảm giác này.

(*) Tên một bộ phim của đạo diễn Lưu Vĩ Cường ra rạp năm 2000.

Đã bày khay xong xuôi.

Vẫn là Dịch Táp phụ trách bật công tắc.

Tay cô chậm rãi rờ về phía cục công tắc: “Chuẩn bị, ba, hai, …”

Chữ “một” còn chưa ra khỏi miệng, tình hình chiến đấu đã sôi lên rồi.

Đúng vậy, xã hội quả thực tàn khốc, phải biết biến báo, cướp cá cái gì chứ, ổn thỏa nhất không gì bằng bưng cả nồi, cướp luôn bộ trò chơi đi chứ còn gì nữa.

Tông Hàng còn tưởng chỉ có mình mình nghĩ tới.

Tội nghiệp cho món đồ chơi bằng nhựa chất lượng kém bị biến dạng dưới lực giằng co của bốn bàn tay.

Tông Hàng dốc hết sức kéo món đồ chơi vào lòng mình: người phải chiến đấu cho vận mệnh của mình, đánh chết hắn cũng không mặc đồ con gái.

Không biết làm thế nào mà tay Dịch Táp bỗng thọc thẳng xuống dưới người hắn, một tay kéo đồ chơi, tay kia cách túi ngủ ra sức cù eo hắn.

Tông Hàng liều mạng uốn người tránh né, chia một tay ra ngăn địch, đồng thời la lên: “Phạm quy! Cô phạm quy!”

Sau đó, tiếng đồ nhựa gãy đánh rắc một tiếng.

Hai người đều bất động.

Lúc giành giật nhau đều không cảm thấy, dừng lại rồi mới phát hiện ra thở hổn hển dữ dội: trên cao nguyên đừng vận động mạnh quả nhiên là có lý, mới mấy cái thôi đã muốn đứt hơi rồi.

Tông Hàng nằm há miệng thở dốc, vô tình liếc mắt, chợt phát hiện ra, một bên tay của hắn và Dịch Táp đang kẹp chặt lấy nhau.

Đại khái là lúc tranh cướp quá nhập tâm, anh muốn bắt tay tôi tôi muốn bắt tay anh, đan vào với nhau rồi cả hai đều kéo về phía mình, quên luôn không thả ra, mà tay còn lại thì…

Đều túm chặt lấy đồ câu cá, kéo gãy người ta ra luôn.

Tông Hàng giật mình.

Thành thật mà nói, tư thế này trông như hai người đang so xem tim ai khỏe hơn.

Tim hắn bỗng đập thình thình loạn xạ.

Nhất định là tại vận động mạnh trên cao nguyên, thiếu oxy nên tim mới đập mạnh thế.

Dịch Táp quay sang nhìn hắn.

Tóc cô vì giằng co mà rối tung, tạm thời không có sức bò dậy, bèn thổi một lọn tóc che trên mặt ra, dùng ánh mắt kiêu căng nghiền ép hắn: “Nhìn gì?”

Tông Hàng nói: “Dịch Táp, cô…”

Cô cảm thấy con người tôi thế nào?

Không được không được, quá uyển chuyển, là phương thức tỏ tình của lứa cha hắn rồi, nghe quê chết được.

Cô có muốn có bạn trai không?

Không được, quá kỳ quặc, làm gì có ai hỏi thế bao giờ?

Nên đổi chủ ngữ, không thể dùng “cô”, cần mở đầu bằng “tôi”.

“Tôi…”

Tôi thích cô.

Nghe gượng gạo quá nhỉ? Hay là thêm phụ từ chỉ mức độ đi?

Tôi hơi thích cô.

Nhưng mà có khi nào nghe “hơi” cô ấy sẽ cảm thấy mức độ không đủ không?

Dịch Táp ngạc nhiên: “Tôi làm sao? Lưỡi cậu bị thắt nút đấy à? Nói gì nói đi.”

Tông Hàng lắp bắp: “Tôi cảm thấy…bộ trò câu cá này…chất lượng không tốt lắm…”

Lời được phân nửa, ngoài lêu bỗng rộ lên tiếng tuýt còi.

Tiếng còi này vô cùng chói tai, nghe như muốn chọc thủng màng nhĩ vậy, hơn nữa không chỉ một tiếng mà nhanh chóng vang lên một tiếng, lại một tiếng nữa.

Cuối cùng nối thành một tràng liên tiếp.

Người canh gác ở mỗi khu vực trong doanh trại đều không chỉ có một, hơn nữa người nào cũng trang bị còi tuýt, điều này cho thấy họ gần như đồng thời phát hiện ra có tình huống khác thường.

Có phải là…đất mở cửa không?

Dịch Táp vừa sững người một hai giây đã nghe thấy tiếng người lục tục bên ngoài, có người hô: “Ở đây! Ở đây!”

Cô cũng không biết lấy đâu ra sức lực, chống người quỳ dậy, bò tới cửa lều vén cửa lên, thò đầu ra ngoài xem xét.

Cô nhìn thấy xa xa trong bóng đêm bốc lên một khoảng màu xanh biếc mờ tối, giống như hơi khói xộc thẳng từ ống khói lên, một chỗ cờ phong mã như bị kéo dây, căng thành hình vòng cung, lá cờ chĩa thẳng lên bầu trời đêm.

Nơi nhánh sông như chổi, đất mở cửa, gió xộc sao Đẩu.

***

Dưới ánh trăng xanh nhạt, trông ai nấy đều như một dòng nước mảnh dài, chảy về cùng một phương hướng.

Dịch Táp và Tông Hàng cũng có mặt trong đó, họ mặc đồ hơi chậm, lúc đi ra đã đoàn người vội vã bỏ rơi lại phía sau.

Cấp tốc chạy tới, tiếng người huyên náo ầm ĩ, chỉ nghe thấy không ngừng có người rêu rao “động”, “cái động này”.

Động ở đâu? Dịch Táp bị chen lấn bên ngoài đám người, căn bản nhìn không thấy.

Cô lui ra sau hai bước, âm thanh bên tai hỗn loạn, vô số ánh đèn pin không ngừng đâm chỉa lung tung, tựa như có đèn cầu nhiều màu trong sàn nhảy disco từng tới khi còn nhỏ, không ngừng xoay tròn rọi sáng nơi đồng cỏ hoang vu này.

Cảnh tượng này như đã từng quen biết.

Một lúc lâu sau, đám người mới dần dần im lặng trong tiếng trách mắng của Đinh Bàn Lĩnh và Đinh Trường Thịnh, tách ra một con đường.

Đinh Bàn Lĩnh vẫy tay với cô: “Tới đây, Táp Táp, cháu qua xem xem.”

Dịch Táp kéo Tông Hàng cùng đi.

Cuối tầm mắt có một cái động tối mịt, cũng không nhỏ, còn lớn hơn miệng giếng trong thành phố, được ánh dạ quang bám quanh làm nổi bật lên, trông càng thêm âm u đen tối.

Tiến lên trước còn có thể cảm nhận được luồng khí xộc lên, chỉ có điều cường độ đang yếu dần, cũ thổi đột ngột mãnh liệt nhất lúc mở cửa hẳn là đã qua.

Đinh Thích đứng bên động, đang cầm đèn pin cường lực chiếu xuống. Loại đèn pin này bình thường chiếu hai, ba trăm mét không thành vấn đề gì, nhưng cái động này như có khả năng “ăn” ánh sáng vậy, ánh đèn pin chiếu xuống được hơn mười mét thì không còn độ sáng nữa.

Lại có người thả một cây gậy phát sáng xuống, cũng cùng kết quả, đến một tiếng vang cũng không nghe thấy.

Đinh Bàn Lĩnh cau mày hỏi Đinh Trường Thịnh: “Thừng bện của chúng ta dài bao nhiêu?”

“Mỗi cuộn một trăm hai mươi mét, mang theo ít nhất hai mươi cuộn, có thể nối lại với nhau, chiều dài hẳn không vấn đề gì.”

Đinh Bàn Lĩnh ừ một tiếng: “Cho một người xuống trước xem.”

Câu này vừa nói ra, đám người đang nhỏ giọng xì xào càng im ắng hơn, thậm chí có không ít người còn lẳng lặng lùi ra sau.

Tình huống không rõ ra sao, lại có nỗi lo sự cố năm chín sáu trước đây nên chẳng ai muốn làm người xuống trước chịu trận.

Dịch Táp cứ cảm thấy có gì đó không ổn, cô tiến lên một bước kéo ống tay áo Đinh Bàn Lĩnh, hạ giọng: “Chú Bàn Lĩnh, chúng ta không tới, nó không mở cửa, chúng ta vừa tới đã mở ra ngay, chú không cảm thấy vừa khéo quá sao?”

Đinh Bàn Lĩnh cười: “Có khi nó đang đợi chúng ta đấy.”

Nói đoạn, ánh mắt như lơ đãng rơi lên người Đinh Thích.

Đinh Thích thoáng sửng sốt, chợt hiểu ra, tiến lên một bước, nói: “Để cháu xuống cho.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.